Hôm nay (30-9), các trường ĐH,CĐ kết thúc nhận hồ sơ nguyện vọng (NV) 3. Tính đến ngày 29-9, ngày áp chót nhận hồ sơ, theo thống kê sơ bộ tại các trường, số hồ sơ nhận được nhiều ngành học thiếu hụt trầm trọng so với chỉ tiêu. Không còn hy vọng có thêm hồ sơ xét tuyển, có trường đã công bố dừng đào tạo một số ngành.
Trường ĐH Sư phạm Huế - một trong những trường thành viên của ĐH Huế. Ảnh: QUANG NHẬT
Dự tuyển ít, khả năng nhập học cũng ít
Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, cho biết trường nhận được hơn 1.000 hồ sơ nhưng tập trung vào hệ CĐ. Riêng hệ ĐH chỉ nhận được 400 hồ sơ, thiếu hụt rất nhiều so với chỉ tiêu.
Sau 3 đợt xét tuyển, các ngành tâm lý học, xã hội học, tiếng Anh kinh thương... chỉ nhận được khoảng 40 hồ sơ/ngành, tuy nhiên khả năng thí sinh nhập học chỉ khoảng 70%.
Riêng 2 ngành Việt Nam học và văn hóa học chỉ nhận được 15 hồ sơ/ngành nên trường quyết định ngừng đào tạo 2 ngành học này.
“Trong giấy báo trúng tuyển NV3, chúng tôi sẽ thông báo cho thí sinh trúng tuyển vào 2 ngành Việt Nam học và văn hóa học về việc nhà trường không mở 2 ngành học này do số lượng thí sinh quá ít và đề nghị thí sinh chọn ngành học khác cùng khối thi, cùng điểm xét tuyển để nhập học”- ông Nguyễn Quốc Hợp cho biết về hướng xử lý.
Tại các trường ĐH, CĐ công lập, tình hình cũng không mấy khả quan. Trường ĐH Văn hóa TPHCM chỉ nhận được 178 hồ sơ xét tuyển hệ ĐH. Như vậy, với chỉ tiêu xét tuyển NV3 là 320, nhiều ngành học của trường này phải đào tạo thiếu.
“Bi đát nhất là ngành văn hóa dân tộc thiểu số chỉ nhận được đúng 1 hồ sơ NV3, cộng cả 3 đợt xét tuyển thì ngành học này chỉ có 8 thí sinh. Nhưng vì đây là ngành học bổ sung nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số nên dù lỗ nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng duy trì”- ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM, cho biết.
Ông Nguyễn Nguyên Bình, Trưởng phòng Đào tạo của Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo Trung ương TPHCM, cho biết trường chỉ nhận được vỏn vẹn 7 hồ sơ khối B và 8 hồ sơ khối C, R, trong khi chỉ tiêu xét tuyển NV3 là 60 (vào ngành quản lý văn hóa 40 chỉ tiêu, kinh tế gia đình 20 chỉ tiêu).
Trường tỉnh thê thảm
Báo Người Lao Động ngày 24-9 có bài viết “Trường tỉnh chới với”. Bài viết đã đưa ra những nhận định không mấy tươi sáng cho việc xét tuyển NV3 của các trường ĐH, CĐ ở các tỉnh. Đến thời điểm này thì những nhận định của Báo Người Lao Động là hoàn toàn chính xác.
Cụ thể, tại các trường thành viên của ĐH Huế, nhiều ngành học chỉ mới nhận được 1 đến 2 hồ sơ (như ngành tiếng Pháp, khoa học môi trường, xã hội học, đông phương học, công nghiệp và công trình nông thôn, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản, công nghệ kỹ thuật môi trường, sư phạm kỹ thuật nông lâm, địa lý...). So với chỉ tiêu, những ngành học trên có số thí sinh thiếu hụt trầm trọng sau 3 đợt xét tuyển.
Tại các trường địa phương khác như Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Thủ Dầu Một... nhận được xấp xỉ 100 hồ sơ, chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với chỉ tiêu xét tuyển.
Tại Trường ĐH Đồng Tháp, do lượng hồ sơ xét tuyển quá ít, trường quyết định ngưng tuyển sinh 3 ngành hệ ĐH là sư phạm tin học, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp và 3 ngành hệ CĐ là sư phạm mỹ thuật, thiết kế đồ họa, công nghệ thiết bị trường học.
Trước đó, Trường ĐH An Giang đã công bố dừng đào tạo 5 ngành học, Trường ĐH Đà Nẵng dừng đào tạo 11 ngành học do quá ít hồ sơ xét tuyển.
Gắng giữ cơ cấu ngành nghề
Tại một số trường, số hồ sơ NV3 nhận được xấp xỉ chỉ tiêu như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhận được 400 hồ sơ, Trường ĐH Hùng Vương nhận được 534 hồ sơ hệ ĐH và 136 hồ sơ hệ CĐ; Trường ĐH Bà Rịa -Vũng Tàu nhận được gần 1.000 hồ sơ hệ ĐH, CĐ; Trường CĐ Nguyễn Tất Thành nhận được khoảng 500 hồ sơ, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vinatex nhận được khoảng 400 hồ sơ...
Số hồ sơ NV3 tại các trường vẫn tập trung vào khối các ngành kinh tế, các ngành ngoại ngữ và kỹ thuật nhận được ít hồ sơ.
Tại Trường ĐH Hùng Vương ngành tiếng Nhật chỉ nhận được 9 hồ sơ, công nghệ sau thu hoạch: 10 hồ sơ, kỹ thuật xây dựng: 19 hồ sơ; ngành tiếng Trung của Trường CĐ Nguyễn Tất Thành nhận chưa đến 20 hồ sơ... Tuy nhiên, đại diện các trường này đều cho rằng sẽ cố gắng duy trì các ngành học trên để giữ cơ cấu ngành nghề đào tạo của trường cũng như nguồn nhân lực cho xã hội. |
Bình luận (0)