Theo Sci-News, "quê hương" của tín hiệu vô tuyến bùng nổ FRB 2022610A là cụm 7 thiên hà tồn tại ở vùng không gian khi vũ trụ mới 5 tỉ năm tuổi.
Đó là một sự kiện chưa từng có tiền lệ bởi các chớp sóng vô tuyến trước đây chỉ được tìm thấy từ các thiên hà biệt lập.
Bên cạnh đó, chớp sóng vô tuyến cổ xưa đến vậy là một phát hiện "vàng ròng". Vượt hàng tỉ năm ánh sáng, nó đã đến với người Trái Đất để tiết lộ về một sự kiện dữ dội nào đó xảy ra tận hơn 8 tỉ năm về trước.
Tín hiệu này được phát hiện đầu tiên bởi mạng lưới kính viễn vọng vô tuyến ASKAP của Úc, đặt ở vùng hoang mạc Tây Úc. Sau đó, kính viễn vọng Very Large của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) xác nhận rằng nó phải đến từ một nơi rất xa.
Đáng kinh ngạc nhất, nó có năng lượng cao gấp 4 lần so với các chớp sóng vô tuyến gần hơn được phát hiện trước đây.
Theo TS Alexa Gordon từ Đại học Northwestern (Mỹ) - tác giả chính của nhóm nghiên cứu, họ đã huy động thêm kính viễn vọng không gian Hubble "soi" vào vùng không gian sâu này.
Bảy thiên hà cổ đại lộ diện đầy kinh ngạc. Chưa kể, các quan sát của Hubble cung cấp một cái nhìn ngoạn mục về các loại môi trường có thể dẫn đến các sự kiện bí ẩn này.
Dù chưa trả lời được câu hỏi cuối cùng là chớp sóng vô tuyến đến từ đâu nhưng phát hiện này cũng đã đem về manh mối quan trọng.
Nguồn gốc của loại tín hiệu nhanh, mạnh, bùng nổ này vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Những giả thuyết hàng đầu bao gồm các vụ sáp nhập lỗ đen, sáp nhập sao neutron, hay vụ nổ tung của một sao neutron cực mạnh nào đó.
Ngoài ra, nhiều người cũng nghi ngờ một số chớp sóng vô tuyến có thể đến từ một nền văn minh ngoài hành tinh.
Bình luận (0)