Chạy dọc theo các tuyến lộ giao thông nông thôn ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, nhiều người không khỏi thích thú khi chứng kiến khung cảnh vùng quê yên bình cùng những cánh đồng dưa hấu bạt ngàn.
Ông Trần Quốc Trùy (ngụ xã Lý Văn Lâm) cho biết vào khoảng tháng 10 (âm lịch), gia đình ông xuống giống 5.000 dây dưa hấu các loại, như: An Tiêm, hạt lép, mặt trời đỏ… Trong quá trình chăm sóc, ông Trùy cũng như nhiều hộ dân nơi đây đã sử dụng phân hữu cơ bón cho cây, dùng bẫy đèn để tiêu diệt các loài côn trùng gây hại cho dưa hấu.
Theo ông Trùy, việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ còn góp phần cải tạo, bổ sung vi sinh vật hữu ích, chất dinh dưỡng giúp đất tơi xốp và tăng độ phì nhiêu. "Cách làm trên của người trồng dưa hấu ở đây không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng mà còn giúp họ tăng thêm lợi nhuận do không tốn chi phí mua thuốc trừ sâu, phân bón trong quá trình canh tác" - ông Trùy đúc kết.
Dưa hấu Lý Văn Lâm được người tiêu dùng đánh giá cao, ưu tiên lựa chọn do đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng; nơi đây được xem là "thủ phủ" trồng dưa hấu của tỉnh Cà Mau với diện tích khoảng 70 ha và 127 hộ dân tham gia.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có một số trường hợp giả mạo thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, Ðảng ủy - UBND xã Lý Văn Lâm đã chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc vMark vào quy trình canh tác dưa hấu. Bước đầu triển khai mô hình, xã chọn 35 hộ với diện tích 25 ha trồng dưa hấu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bà Cao Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, đánh giá việc ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc vMark cho dưa hấu sẽ góp phần bảo vệ thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng vì cung cấp đầy đủ nhật ký sản xuất cũng như việc sử dụng phân bón với nguyên tắc "4 đúng" và nằm trong danh mục cho phép để bảo đảm chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.
Hiện, dưa hấu chưng Tết được một số thương lái đặt mua tại vườn với giá dao động từ 50.000-55.000 đồng/trái (tùy loại); dưa mặt trời đỏ có giá khoảng 9.000 đồng/kg và dưa hạt lép là 15.000 đồng/kg.
"Trung bình mỗi hecta dưa hấu mang lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng nên có thể khẳng định rằng trồng dưa hấu đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện kinh tế cho nhiều hộ dân ở địa phương. Thời gian tới, UBND xã Lý Văn Lâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình truy xuất nguồn gốc để nâng giá trị trái dưa hấu và hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm" - bà Cẩm khẳng định.
Bình luận (0)