Bỏ qua những lời châm biếm "chắc gì nhà đã quét mà đi dọn rác ngoài đường", đều đặn mỗi tuần, nhóm "Hà Nội Xanh" lại bắt tay vào việc ngâm mình dưới những khu vực sông, hồ, kênh, mương được coi là điểm nóng của ô nhiễm môi trường để dọn rác.
Nghỉ việc đi… dọn rác
Đây là dự án được hai bạn trẻ Nguyễn Tiến Huy và Lê Minh Hiếu thành lập. Nguyễn Tiến Huy, sinh năm 1995, là người yêu môi trường. Khi còn là sinh viên ĐH Công nghệ Hà Nội, chàng trai đến từ Hải Dương đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Gần 10 năm sống ở Hà Nội, chứng kiến những khu vực sông ngày một ô nhiễm nghiêm trọng, Nguyễn Tiến Huy và Lê Minh Hiếu quyết định thành lập nhóm thiện nguyện, những ngày cuối tuần dọn rác quanh kênh mương. Mong muốn của những chàng trai không gì hơn là góp phần "hồi sinh" những con sông ô nhiễm.
Tháng 11-2022, "Hà Nội Xanh" được thành lập với vỏn vẹn 3 thành viên. Sau 3-4 buổi dọn rác, nhóm bắt đầu quay video và ngày 16-1-2023, đăng tải lên TikTok clip đầu tiên với mục đích tuyên truyền và mở rộng dự án.
"Thật bất ngờ là những gì chúng tôi làm được rất nhiều người hưởng ứng" - Nguyễn Tiến Huy cho hay. Các video dọn rác của Huy và những người bạn đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ. Người dùng TikTok và Facebook đã lan tỏa nhiều video, bài đăng về nhóm "Hà Nội Xanh". Chỉ sau hơn 2 tháng thành lập, nhóm đã có gần 200 thành viên đăng ký tham gia, phần lớn là sinh viên. Không chỉ là những bạn trẻ đang sống ở Hà Nội, nhiều tình nguyện viên ở các tỉnh lân cận cũng nhiệt tình tham gia hoạt động này.
Chóng mặt, buồn nôn và cả sợ hãi là cảm giác chung của nhiều tình nguyện viên những ngày đầu tham gia vớt rác trên các kênh mương thối. Các thành viên của nhóm đối mặt với những nguy hiểm từ những chiếc bơm kim tiêm, mảnh sành sứ, thủy tinh, xác động vật đang phân hủy xộc thẳng vào mũi thứ mùi kinh khủng. Những ngày đầu chưa quen nước, các thành viên của nhóm ốm rồi ngứa khắp người. Do kinh phí hoạt động là tiền cá nhân, Nguyễn Tiến Huy chỉ có thể trang bị cho nhóm những đồ bảo hộ cơ bản như găng tay, quần áo chống nước, khẩu trang. Những bộ đồ này không thể bảo đảm 100% sự an toàn cho các thành viên.
"Chúng tôi đều hiểu những rủi ro có thể gặp phải cũng như những nguy hiểm tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Nhưng trên tất cả, nhóm luôn có niềm tin, hy vọng lan tỏa rộng rãi ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường tới cộng đồng. Khó khăn không ít, nhưng tất cả đều không nản chí" - Nguyễn Tiến Huy nói.
Khơi thông những dòng sông đen
Trung bình mỗi tuần, nhóm "Hà Nội Xanh" dọn rác từ 3-4 buổi với 10-15 người, cuối tuần có 25-30 người. Mỗi buổi nhóm thu gom khoảng 30-40 túi rác, những nơi ô nhiễm nặng, nhóm thu gom tới 70-80 túi. Trước mỗi buổi dọn rác, Nguyễn Tiến Huy sẽ cùng Lê Minh Hiếu trực tiếp lội xuống nước khảo sát địa hình, khối lượng rác rồi lên kế hoạch, phân chia khu vực. Ngoài những dụng cụ cơ bản như rổ lớn, bịch ni-lông, cào, dây, gậy, các thành viên trong nhóm phải đeo 2 lớp găng tay cao su, mặc đồ bảo hộ không thấm nước. Những thành viên thực hiện công việc lội dưới lòng sông là từng có kinh nghiệm lội nước, phải đi lại nhẹ nhàng và cẩn trọng. Các tình nguyện viên mới tham gia được phân công nhặt rác trên bờ hoặc đưa phế thải đã được đóng gói đến nơi tập kết.
Sau một năm, "Hà Nội Xanh" đã tham gia gần 200 buổi hoạt động, làm sạch được hơn 100 điểm đen trên địa bàn TP Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, kênh La Khê, khu đô thị Linh Đàm, Định Công...), thu gom hàng trăm tấn rác thải từ các dòng sông, địa bàn trên để đưa về nơi xử lý rác của thành phố. Những video của nhóm trên nền tảng TikTok có hàng chục triệu lượt xem, giúp lan tỏa nguồn năng lượng xanh đến cộng đồng, được mọi người ủng hộ, đặc biệt là các bạn trẻ đang là sinh viên. Hoạt động của "Hà Nội Xanh" cũng kêu gọi được nhiều đơn vị, trường đại học tham gia vào công tác hoạt động vớt rác trên địa bàn thủ đô (Trường ĐH FPT, Cao đẳng FPT… ), khách sạn Hilton Garden Inn Ha Noi, CLB 36 Thanh Hóa Xanh, Khát vọng xanh, Pháo Rapper... cùng tham gia hoạt động dọn dẹp của nhóm.
Thay đổi nhận thức
Dù nhận được rất nhiều ủng hộ, nhưng "Hà Nội Xanh" cũng phải đối mặt với không ít ý kiến trái chiều, kiểu "làm màu", PR bản thân, hoạt động phong trào… Nguyễn Tiến Huy nói, cậu và nhóm biết những ý kiến ấy nhưng bỏ ngoài tai. Điều quan trọng là nhóm đoàn kết. Để đi đường dài được, mọi người đều có chung suy nghĩ, quan điểm, có chung cả những niềm vui. Huy tin rằng từ những hành động nhỏ bé của nhóm sẽ giúp thay đổi dần nhận thức và hành vi của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Từ 3 thành viên khi thành lập, đến cuối năm 2023, tình nguyện viên của "Hà Nội Xanh" đã tăng lên 400 và con số không dừng lại ở đó.
Giải thưởng tình nguyện quốc gia 2023 dành cho "Hà Nội Xanh", với Nguyễn Tiến Huy, là sự may mắn và bất ngờ. "Đó là vinh dự cho cả tôi và nhóm. Là động lực cho các tình nguyện viên" - Huy xúc động nói. Chàng trai 28 tuổi lý giải, "Hà Nội Xanh" hoạt động hoàn toàn thiện nguyện, theo khát vọng của mình. Đã có một số doanh nghiệp ngỏ lời tài trợ cho nhóm kèm theo những yêu cầu truyền thông, nhiều đơn hàng book quảng cáo nhưng Huy đã từ chối. "Nếu nhận lời thì "Hà Nội Xanh" sẽ dễ dàng xa rời mục đích vì cộng đồng. Đó không phải là điều nhóm muốn hướng đến. Tôi muốn tìm được nhà tài trợ đồng hành, có chung quan điểm, chí hướng với mình" - Huy nói.
Trước mắt, để có thêm kinh phí cho hoạt động của nhóm, Nguyễn Tiến Huy cho hay mình có ý tưởng thực hiện những sản phẩm thân thiện bán ra thị trường trong dịp Tết. "Chúng tôi cố gắng thực hiện nhiều dự án để có thêm thu nhập cho quỹ của nhóm" - chàng trai yêu môi trường tâm sự. Trong tương lai, "Hà Nội Xanh" muốn làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn, không chỉ khơi thông những con sông ô nhiễm ở Hà Nội mà còn nhiều nơi khác. Nhóm cũng kỳ vọng sẽ kết nối được thêm nhiều tình nguyện viên, để không chỉ Hà Nội Xanh, mà là cả Việt Nam Xanh.
Bình luận (0)