Tọa đàm "Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại" vừa được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội với sự tham dự của nhiều chuyên gia văn hóa.
Phát biểu tại tọa đàm, GS - họa sĩ Ngô Xuân Bính cho rằng văn hiến của dân tộc Việt Nam được lưu giữ cho đến ngày nay trong những câu chuyện lịch sử, những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… Đó là tài sản tinh thần vô cùng to lớn, là "mạch dẫn" cho các hoạt động sáng tạo trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Trong quá trình sáng tác của mình, họa sĩ Ngô Xuân Bính cho biết ông luôn lấy cảm hứng từ những huyền thoại, cổ tích, hò vè, lời ru của bà, của mẹ. Ông cũng mong muốn thế hệ trẻ có thể kết nối văn hóa truyền thống của Hà Nội thông qua các hoạt động sáng tạo. Để làm được như vậy, Thủ đô cần đẩy mạnh các không gian sáng tạo - mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
TS - Kiến trúc sư Nguyễn Quang khẳng định mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại, trong đó, không thể chỉ nhắc đến sự giàu mạnh về tiềm lực kinh tế, mà còn phải phát triển bền vững về văn hoá. Theo ông, Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều tài nguyên văn hóa với bề dày lịch sử lên tới cả ngàn năm.
"Rất ít thủ đô trên thế giới có được những "lớp lang" lịch sử, thiên nhiên, con người phong phú và giàu có như vậy. Đây chính là những nguồn lực, tiềm năng mà Hà Nội cần khai thác để phát triển ngày càng vững mạnh" - TS Nguyễn Quang nhấn mạnh.
Nói thêm về việc thu hút giới trẻ đến các không gian sáng tạo, TS Nguyễn Quang cho rằng muốn thu hút người trẻ phải nhìn văn hóa dưới lăng kính của họ. Chẳng hạn, các ca khúc mang đậm nét văn hóa dân gian đã được các ca sĩ trẻ hòa trộn trong tiết tấu mới mẻ, hiện đại, có khả năng lan truyền lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu.
Hiện nay, cũng có nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực kết hợp với nhau để sáng tạo ra những tác phẩm mang tính khác biệt. Bởi vậy, các không gian sáng tạo cần tạo cơ hội để nghệ sĩ trong nước cũng như nghệ sĩ quốc tế ở nhiều lĩnh vực có cơ hội gặp gỡ, từ đó có các sáng tạo mới đậm bản sắc, nhưng cũng mang tính toàn cầu và hội nhập…
Ông Phạm Minh Quân, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng có thể nhiều ý kiến đang cho rằng nhận thức của thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống có thể mờ nhạt. Nhưng, theo quan điểm của ông, người trẻ bây giờ là một thế hệ rất tài năng, giàu sức sáng tạo. Nếu chúng ta đánh thức thế hệ trẻ sẽ tạo ra những hơi thở đương đại mới cho những yếu tố về truyền thống và lịch sử. Đây sẽ là yếu tố để khẳng định sự tồn tại của văn hóa Việt cũng như văn hóa thủ đô".
Đồng quan điểm trên, Giám đốc bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà tin tưởng rằng thế hệ bây giờ hay thế hệ trẻ tương lai vẫn sẽ luôn là những người tiếp nối mạch nguồn văn hoá, truyền thống văn hiến của cha ông để lại và văn hóa sẽ không bao giờ đứt gãy.
Ông Nguyễn Tiến Đà cũng chia sẻ thành phố đang có những định hướng, cơ chế cho các thiết chế văn hóa được khai thác, phát huy, có các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của công chúng, từ đó tạo điều kiện "lấy văn hóa nuôi văn hóa".
Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ khoảng 70.000 hiện vật từ thời kỳ đồ đá cho đến hiện đại. Trong tháng 11-2024, Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội sẽ ra mắt tại Bảo tàng, từ đó sẽ có các hoạt động hướng đến công chúng, thu hút giới trẻ để kể câu chuyện của lịch sử theo cách mới, hấp dẫn hơn.
Bình luận (0)