Phóng viên: Dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đề ngày 29-4-2014 đã đưa ra kế hoạch xây dựng và nâng cấp 71 nhà hát với kinh phí dự kiến gần 7.000 tỉ đồng khiến nhiều người đánh giá là “viển vông”. Ông có thể cho biết dựa vào đâu mà Bộ VH-TT-DL đưa ra bản quy hoạch này?
-Thứ trưởng Vương Duy Biên: Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 23- NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới”; ngày 10-2-2009, Ban Bí thư đã ra thông báo số 219-TB/TW về một số đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, trong đó có nội dung “trên cơ sở quy hoạch và rà soát, đánh giá lại các công trình hiện có, xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm) từ năm 2010-2020”. Bộ VH-TT-DL được giao xây dựng 5 đề án, trong đó có đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012-2020. Ngày 9-1-2013, Thủ tướng đã ký Quyết định 88 phê duyệt đề án này.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, số nhà hát được nâng cấp và xây mới là 71 (trong đó xây mới 21, nâng cấp 20). Số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng là 106 rạp (xây dựng mới 57 rạp, trong đó có 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP HCM với quy mô 1.500 ghế, nâng cấp 49 công trình rạp chiếu phim). Số nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật cần xây mới là 36, nâng cấp 66. Ngoài ra, còn đầu tư trang thiết bị cho các đội chiếu bóng lưu động, các nhà triển lãm tư nhân. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 10.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 6.500 tỉ đồng, các nguồn huy động khác là 4.300 tỉ đồng.
Trên cơ sở đề án được Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển ngành điện ảnh, mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Quy hoạch phát triển điện ảnh đã được phê duyệt, còn ngành mỹ thuật và biểu diễn nghệ thuật đang lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà quản lý.
Có nghĩa là tổng số tiền 10.800 tỉ đồng này chia đều cho cả 3 lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thậm chí là cả cho việc đầu tư trang thiết bị?
- Đúng vậy. Và số tiền này trải dài từ năm 2012 đến năm 2020, cho 63 tỉnh - thành (trong đó ngân sách nhà nước 59,3%, các nguồn huy động khác 40,7%) chứng tỏ đầu tư cho văn hóa cũng không phải nhiều. Nhiều người nghĩ rằng 10.800 tỉ đồng đấy đưa về Bộ VH-TT-DL rồi chúng tôi xây nhà hát, hiểu như thế là sai. Về nguyên tắc, nếu Chính phủ có phê duyệt và chuyển tiền thì chuyển thẳng về các địa phương.
Vậy ông giải thích tại sao trong dự thảo quy hoạch của chỉ riêng ngành nghệ thuật biểu diễn, kinh phí xây dựng và nâng cấp 71 nhà hát đã là 6.883 tỉ đồng?
- Dự thảo lần trước có nêu ra vấn đề đó, tuy nhiên đến nay, dự thảo đã được chỉnh sửa cho đúng với tinh thần quyết định 88 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Bên cạnh kinh phí quá lớn, những người làm quy hoạch cũng bị cho là viển vông khi đưa ra việc xây nhà hát “ngàn chỗ” ở các tỉnh khó khăn, ông thấy sao?
- Có thể trong dự thảo lần đầu, những người xây dựng quy hoạch chưa tính hết và chưa thể hiện hết tinh thần của quyết định của Thủ tướng trong quá trình triển khai xây dựng. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi và đó là cơ sở để chỉ đạo chỉnh sửa dự thảo. Chúng tôi trân trọng các ý kiến đóng góp, đặc biệt của các địa phương, vùng sâu vùng xa. Chính vì họ ở địa phương nên mới đưa ra những yêu cầu hết sức thực tế. Nếu duy ý chí, áp đặt những tiêu chuẩn của đô thị vào vùng hẻo lánh thì khiên cưỡng và không thực tế. Dù là dự thảo, nếu có sơ suất trong quá trình xây dựng, chúng tôi đều mong được các ý kiến góp ý và sẽ điều chỉnh ngay cho phù hợp; ở đô thị đầu tư theo kiểu gì, nông thôn kiểu gì, dân tộc miền núi kiểu gì… hình thức rất khác nhau và phân bổ sẽ rất khác nhau, không phải dàn trải.
Thời gian từ nay đến 2020 còn rất ngắn, phải đưa ra những vấn đề gì cấp thiết, sát thực tế, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế còn rất khó khăn. Cái gì cần làm trước, làm sau, cái gì vừa sức trong tình hình hiện nay thì phải cập nhật để điều chỉnh, không nên duy ý chí. Tất nhiên, quy hoạch vẫn phải làm để chuẩn bị cho phát triển lâu dài, không phải khó khăn là dừng lại nhưng phải sát thực tế. Nếu không quy hoạch sớm, các địa phương liệu có dành đất cho các công trình văn hóa?
Quyết định 88 của Thủ tướng là sự quan tâm và định hướng cho phát triển văn hóa nhưng lại phải căn cứ điều kiện, lúc nào triển khai thực hiện được, bây giờ thì thực hiện đến đâu, còn lại lộ trình của nó như thế nào? Phải đưa ra một lộ trình rất khoa học.
Đầu tư cho con người là khó nhất
Muốn có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao phải đầu tư cho con người chứ không phải là xây rạp hát. Ông có thấy điều đó là đúng?
- Tôi thừa nhận. Quan trọng số 1 là phải đầu tư nguồn nhân lực. Không có những con người tài năng thì đầu tư nhiều tiền cũng không có tác phẩm đỉnh cao. Một tín hiệu mừng là sắp tới, Chính phủ sẽ sửa đổi cơ chế chính sách về lương, ngạch bậc cho nghệ sĩ. Ví dụ NSND Lê Khanh, NSND Lê Hùng không cần phải chờ thi mà cống hiến đến một thời điểm nào đó sẽ xét chuyển ngạch bậc. Chúng tôi đã lên tiếng nhiều nhưng một mình bộ không làm được mà phải phối hợp với các bộ - ngành khác.
Đầu tư cho con người là khó nhất bởi nhân tài không dễ có được. Chúng tôi rất hiểu điều này và sẽ nỗ lực tăng cường đầu tư cho con người. Tuy nhiên, cách thức thế nào, phương án ra sao, ngay cả nguồn kinh phí cũng là vấn đề mà chúng tôi phải tính.
Bình luận (0)