Cặp đôi Ái Như và Thành Hội. Ảnh: T.Hiệp
Từ sáu trang bản thảo được in trên Tạp chí Sân khấu cách đây hơn 20 năm của tác giả Lưu Quang Vũ mang tên Romeo và Juliet không trẻ mãi, đạo diễn Ái Như đã cùng với NSƯT Thành Hội chăm chút thành vở kịch mang cái tên rất lãng mạn: Cho em 150 phút phiêu lưu vừa ra mắt khán giả tại sàn diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, trong dịp Tết Kỷ Sửu.
Tình nghệ sĩ sau bức màn nhung
Vở kịch thấm đẫm nhân cách đáng trân trọng của người nghệ sĩ trước cái tôi muốn bộc lộ tài năng, muốn khẳng định tên tuổi nhưng bi kịch ở chỗ họ không thể níu kéo nét thanh xuân khi tuổi đã già, còn tuổi trẻ thì tràn đầy sức sống nhưng có nhiều bồng bột, chưa đủ kinh nghiệm trong diễn xuất.
Xem vở Cho em 150 phút phiêu lưu, người xem sẽ bắt gặp những vấn đề phía sau tấm màn nhung của một đoàn kịch. Ở đó, mọi người đang khẩn trương chuẩn bị ra mắt một kịch bản kinh điển, mà đạo diễn Thành Thục (NSƯT Thành Hội đóng) đã chọn Sao Mai (Kim Phước đóng) vào vai Juliet. Bất ngờ vợ anh - một nghệ sĩ nổi tiếng tên Tuyết Thơ (Tuyết Thu đóng) lưu diễn ở nước ngoài về. Tuyết Thơ ngỡ ngàng khi biết vai Juliet không dành cho mình, một ngôi sao sân khấu mà cái tên hiển nhiên tồn tại trong lòng công chúng. Mâu thuẫn kịch xảy ra từ đây, khi đạo diễn Thành Thục không vì vợ mình mà chấp nhận nàng Juliet 46 tuổi xuất hiện bên cạnh chàng Romeo còn quá trẻ. Hai vợ chồng tranh luận, thậm chí dẫn đến ghen tuông vì Tuyết Thơ cho rằng chồng mình đã phải lòng Sao Mai. Để chiều ý vợ, đạo diễn Thành Thục quyết định thành lập hai ê kíp diễn viên và có hai nàng Juliet song song tập dượt trên sân khấu...
Họ là cặp bài trùng tung hứng trên sân khấu. Ở vai trò đạo diễn, họ nương nhau từng mảng miếng, quăng bắt đúng điệu tạo nên những tình huống kịch thú vị. Ở vai trò đạo diễn, họ tranh luận té lửa, đến mức giận nhau nhiều ngày sau đó, chỉ vì muốn có được những vở diễn tốt nhất ra mắt khán giả, mang thương hiệu Ái Như – Thành Hội. Và ở lĩnh vực sáng tác, họ có bút danh Hoàng Thái Thanh (sự kết hợp của cả hai) tạo ấn tượng đẹp đối với khán giả qua những kịch bản ca ngợi tình yêu và lòng chung thủy. |
Khi bước chân vào khán phòng Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM (5B Võ Văn Tần), nhiều khán giả vẫn nghĩ vở kịch là một câu chuyện về tình yêu lãng mạn, nóng bỏng, thế nhưng Ái Như và Thành Hội đã lồng vào đó những niềm trăn trở có thật về nghề nghiệp của người nghệ sĩ. Trong kịch, đạo diễn Thành Thục đã nói với Sao Mai: “Một nghệ sĩ sẽ là một ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật khi họ tỏa sáng bằng tác phẩm, được đồng nghiệp quý trọng, được công chúng chờ đón. Trái tim họ nặng trĩu và rướm máu vì bao nhiêu số phận nhân vật đã đi qua. Họ khóc ngất khi thành công, mỉm cười rơi lệ khi thất bại... Vì sân khấu là thánh đường...”.
Xem vở diễn, khán giả đã khóc cười với các nhân vật trong kịch để rồi hiểu hơn giá trị làm nghề của người nghệ sĩ, thông cảm hơn với những bốc đồng nông nổi của họ, thậm chí những cái tật lớn hơn tài nhưng trên hết vẫn là ý thức được cống hiến tài năng cho thánh đường mà họ tôn thờ trong đời. NSƯT Thành Hội trong vai đạo diễn Thành Thục đã là một điểm tựa vững vàng cho các diễn viên trẻ trong vở. Anh có những tích tắc biến hóa làm người xem hiểu được tâm trạng cũng như dự đoán cách ứng biến của ông đạo diễn trước những giọt nước mắt ích kỷ của vợ. Nghệ sĩ Ái Như đóng một vai nhỏ trong kịch, đó là diễn viên Ái Tư ở tuổi về chiều chấp nhận làm nghề phục trang để được gần với sân khấu. Cuộc trò chuyện giữa Ái Tư và Tuyết Thơ về một lần phải nhường vai, khiến Ái Tư căm hận Tuyết Thơ quyết định bỏ nghề để đi bán hủ tiếu. Nay, sự việc đó được lặp lại để rồi Tuyết Thơ hiểu hơn việc chồng mình chọn Sao Mai vì nguyên tắc của cuộc sống không thể nào kéo dài tuổi thanh xuân. Một vai kịch nhỏ nhưng chứa đựng nhiều thông điệp nhân ái và Ái Như đã làm người xem bật khóc khi phát hiện những bài báo cũ viết về đời diễn viên của bà đã bị chuột gặm hết. Cuộc đời người nghệ sĩ sẽ còn lại gì khi cánh màn nhung khép lại, còn chăng là nhân cách sống tử tế, biết trân trọng nghệ thuật và không yêu bản thân mình hơn yêu nghệ thuật.
Luôn có nhau trong nghệ thuật
NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như gắn bó bên nhau từ sau kịch bản Khúc nhạc lòng của vị mục sư. Họ tâm đầu ý hợp về cách nhìn nhận vấn đề và chọn những sự kiện của cuộc sống để cài đặt vào kịch bản. Điểm chung ở họ là sự cày bừa không mệt mỏi trên mảnh đất có khi chỉ là một vài trang bản thảo, có khi phải gia công khá nhiều ở công tác biên tập, sửa chữa. Và rồi ở họ có điểm khác rất đáng yêu: Thành Hội trầm ngâm, ít nói, Ái Như nhạy bén, cởi mở. Họ trở nên thân thuộc khiến không ít người hiểu nhầm họ là người tình của nhau ở ngoài đời và có tờ báo đã đưa mẩu tin “vợ chồng Ái Như – Thành Hội dựng vở mới”. Trên thực tế hai gia đình của Thành Hội và Ái Như rất thân nhau. Vợ của NSƯT Thành Hội đã chọn bút danh Hoàng Thái Thanh để đặt tên cho các tác phẩm liên danh giữa hai người.
Từ bút hiệu này, họ đã cho ra mắt nhiều tác phẩm kịch nói được công chúng ngưỡng mộ như: Khúc nhạc lòng của vị mục sư, Đùa với tình yêu, Bay trên cô đơn, Yêu, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em, Ba người đàn ông họ Lôi... Với cách thể hiện tâm lý kịch xuất phát từ sự quan sát cuộc sống, họ đã đưa vào kịch khá nhiều tính cách nhân vật mà khán giả thích thú. Trên hết vẫn là những mối tình trắc trở, quyết tìm đến hạnh phúc dù trên con đường họ đi có quá nhiều chông gai. Tác giả Lê Duy Hạnh nhận xét: “Ái Như và Thành Hội là đôi bạn diễn tuyệt vời trên sân khấu, từ những vai diễn ăn ý họ hình thành phong cách sáng tác, dàn dựng như một sự hỗ trợ đáng tự hào. Sân khấu kịch rất cần có những đôi liên danh như thế, vì trong lịch sử phát triển sân khấu đã có rất nhiều cặp bài trùng là một nửa của nhau trong nghệ thuật như: Năm Châu – Phùng Há, Hà Triều – Hoa Phượng, Nhị Kiều – Nguyễn Phương... Tôi rất mừng vì những thành công của Ái Như và Thành Hội trong những năm gần đây, hai bạn không dừng lại ở việc biểu diễn, sáng tác, dàn dựng mà còn là hai người thầy đáng kính của nhiều diễn viên trẻ”.
Đào tạo nhiều diễn viên tên tuổi
|
Bình luận (0)