Vở Mùa đông cuối cùng (nguyên tác Vô ảnh đăng của nhà văn Nhật Bản Watanabe Junichi) đã tạo thêm uy tín cho đạo diễn Ái Như khi chị tái dựng một vở kịch đã có nhiều đồng nghiệp dàn dựng trước đó (đang công diễn tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - Nhà Thiếu nhi TPHCM).
Nghệ sĩ Quốc Thái và Tuyết Mai trong vở Mùa đông cuối cùng
Thêm một điểm cộng
Vở kịch xoay quanh nhân vật Naoe (Quốc Thái), một bác sĩ ngoại khoa tài năng nhưng lạnh lùng đến tàn nhẫn trước tình cảm chân thành của cô y tá Noriko (Tuyết Mai).
Mọi thứ trở nên tồi tệ khi Naoe phát hiện mình bị ung thư xương và chỉ còn sống được ba tháng nữa. Anh không muốn để ai biết, đồng thời âm thầm giúp đỡ những bệnh nhân nghèo thanh toán viện phí và tìm mọi cách để Noriko căm ghét rồi rời bỏ anh. Và trên hết là viết những trang bản thảo về việc nghiên cứu căn bệnh ung thư để truyền lại cho bác sĩ trẻ Kobashi.
Vở kịch hấp dẫn khán giả đến phút cuối, bởi vượt qua không gian tưởng chừng như chật hẹp của một bệnh viện tư, câu chuyện đề cập những vấn đề phức tạp của xã hội mà đại diện là những nhân vật điển hình như lão viện trưởng Yutaro (NSƯT Thành Hội) chỉ mong kiếm tiền từ bệnh nhân và sẵn sàng âu yếm một cô gái đáng tuổi con gái mình; bà vợ của lão (Tuyết Thu) vì dục vọng thấp hèn mà bán rẻ nhân phẩm; bác sĩ trẻ Kobashi (Trí Quang) tràn đầy nhiệt huyết nhưng nóng tính, háo danh; cô y tá Aikiko (Ái Như) vụng về nhưng tốt bụng...
Mỗi tính cách được Ái Như chăm chút, ngay cả những bảng tên diễn viên đeo trên ngực áo, chị cũng cất công tìm hiểu ở một thư viện Nhật Bản để thực hiện cho giống như đúc.
Nét đẹp từ vở diễn, qua bàn tay dàn dựng của Ái Như, đọng lại trong lòng khán giả là những đoạn đặc tả khoảnh khắc cuối cùng của mùa đông, khi con tim đau khổ đã tìm về chốn bình yên. Đó là lúc cả sân khấu chìm trong không gian huyền ảo của hồ Sitkosu và vẻ đẹp tinh khôi của tuyết trắng.
Ái Như và Thành Hội đã thức cùng với hậu đài, cào những khối mốp để làm tuyết. Công lao của họ đã được đền bù, lớp kịch cuối trong vở là trường đoạn xúc động nhất, để lại trong lòng người xem những ấn tượng khó phai.
Bản dựng mới này cũng đã tạo cú hích cho các diễn viên: Quốc Thái, Trí Quang, Tuyết Thu... và đặc biệt là Tuyết Mai vượt lên sức diễn lâu nay của họ. Diễn viên Tuyết Mai đã tỏa sáng qua vai y tá Noriko là một minh chứng sống động cho sự dìu dắt hết lòng của Thành Hội, Ái Như.
“Cánh chuồn chuồn” không mỏng manh
Chọn logo với hình đôi cánh chuồn chuồn, NSƯT Thành Hội lý giải: “Không có vật nào mà tạo hóa ban tặng đẹp đến tinh xảo như đôi cánh chuồn chuồn, nó nhẹ và mỏng manh nhưng lại có thể bay cao, bay ngang và luôn phản chiếu lung linh dưới ánh nắng mặt trời”.
Thành Hội và đạo diễn Ái Như mong muốn sân khấu của mình cũng sẽ được tinh luyện như đôi cánh chuồn chuồn, thật đẹp và tinh tế. Chính vì thế, bộ ba: Thành Hội, Ái Như và Bảo Anh (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Hương) đã cùng bắt tay thực hiện đề án xây dựng sân khấu kịch mang tên Hoàng Thái Thanh.
Họ đề ra lối đi riêng, đó là chọn lọc những kịch bản mang chất văn học, chuyển thể từ tác phẩm văn học có giá trị trong và ngoài nước để dàn dựng một cách nghiêm túc.
Giữa bộn bề những kịch mục chạy theo thị trường: hết ma quỷ rồi đồng tính, sex... lối đi của Hoàng Thái Thanh đã gây nhiều lo ngại và nghi ngờ đối với người trong giới.
Xét về mặt doanh thu, tên của Thành Hội, Ái Như không phải là “tên để bán vé”. Dàn diễn viên của họ cũng đã xuất hiện đây đó với nhiều vở kịch mang tính thời vụ. Thế nhưng, họ lại làm nên chuyện. Ba vở diễn: Mua bảo hiểm tình, Trần gian phải có tình yêu và Mùa đông cuối cùng đã thật sự thuyết phục khán giả và giới chuyên môn. Lượng vé của các suất diễn ngày một tăng.
Đạo diễn Ái Như kể: “Khi bắt tay ký kết hợp đồng với Bảo Anh để xây dựng sân khấu kịch này, chúng tôi hỏi vui: Anh chịu lỗ với tụi này mấy tháng? Chúng tôi nhìn nhau cười. Bây giờ khó khăn ban đầu đã qua nhưng để giữ được phong độ và tạo nên một thương hiệu mạnh, chúng tôi vẫn còn nhiều vất vả”.
Một đội ngũ yêu nghề Hai nguyên nhân dẫn đến sự thành công của họ, đó là cách dàn dựng cuốn hút và không có sự thay thế vai diễn khi kịch đã phúc khảo. Điều này đang là sự hạn chế của một vài sân khấu xã hội hóa, khi phim truyền hình đã cuốn đội ngũ diễn viên kịch chạy theo, khiến sàn tập ngày càng thưa thớt.
|
Bình luận (0)