Tờ Shanghaiist (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết “Hoa hậu Việt Nam bị chỉ trích vì mặc áo dài giống của Trung Quốc” của tác giả Katie Nelson phản ánh một cựu hoa hậu Việt Nam đang gặp phải những chỉ trích của công chúng khi xuất hiện trong một chương trình biểu diễn thời trang tại Rome (Ý) với bộ trang phục đậm chất Trung Quốc dù được giới thiệu là áo dài truyền thống Việt Nam”.
Sáng tạo lai căng
“Hoa hậu Thùy Dung mặc chiếc áo đỏ cúp ngực, quần lửng và đội chiếc nón lá xuất hiện trong buổi trình diễn thời trang xuân - hè. Mẫu này do nhà thiết kế Thy Nguyễn (đúng là của nhà thiết kế Thủy Nguyễn - PV) thực hiện, với họa tiết thêu hình rồng, một trong những họa tiết thường thấy trên áo yếm đặc trưng của Trung Quốc. Đây là điều khá lạ lùng vì áo dài truyền thống của Việt Nam thường được biết đến với chiếc cổ cao, áo dài tay cùng với chiếc quần dài bên dưới” - bài viết bình luận.
Bài viết của tác giả Katie Nelson cũng ghi rõ buổi trình diễn này có rất nhiều giới phê bình thời trang nổi tiếng tham dự. Vì vậy, cô không hiểu vì sao áo dài truyền thống Việt Nam lại xuất hiện với một hình hài khá “lạ” như vậy.
Những tranh cãi về mẫu thiết kế của Thủy Nguyễn trong giới thiết kế và tín đồ thời trang nổ ra từ cuối tháng 6 khi nhà thiết kế này tham gia trình diễn tại sô thời trang xuân - hè ở Mercati Di Traiano, TP Rome - Ý. Bộ áo dài gấm đỏ vai trần xẻ tà và quần lửng, in hoa văn rồng, kết hợp với nón lá bọc gấm in hoa văn đồng điệu là trang phục nổi bật nhất trong buổi trình diễn.
Bộ sưu tập của Thủy Nguyễn được giới thiệu mang đến một sắc thái đậm chất Việt Nam, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phá cách - phong cách đặc trưng của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, người vốn được mệnh danh là “người đàn bà của gấm” trong làng thời trang Việt hiện nay. Nhưng chính những người trong nghề đã lên tiếng chỉ trích về mẫu thiết kế này. Katie Nelson viết: “Những nhà phê bình thời trang Việt Nam khẳng định mẫu thiết kế áo dài của Thủy Nguyễn đã phạm sai lầm khi nhìn nó quá giống với phong cách Trung Quốc. Nhà thiết kế Việt Hùng nói: “Chúng ta cần có những giới hạn tối đa về những họa tiết của nước ngoài. Những thay đổi không phù hợp sẽ phá hỏng nét đẹp vốn có của trang phục truyền thống Việt Nam là áo dài”. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (tác giả của cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”) cho biết: “Mẫu áo này được may bằng chất liệu thổ cẩm đặc trưng của vùng Giang Tô, Tô Châu, Trung Quốc”.
Đáp trả những chỉ trích của dư luận, nhà thiết kế Thủy Nguyễn đã bảo vệ mẫu thiết kế của mình: “Dựa vào chất liệu để đánh giá về tính truyền thống của bộ trang phục là cái nhìn thiển cận, hẹp hòi. Nhà thiết kế có quyền sử dụng bất cứ chất liệu nào mà họ tin rằng có thể đại diện cho phẩm chất đặc biệt của bộ trang phục, thậm chí là chất liệu của nước ngoài, nhất là khi bộ trang phục kết hợp cả 2 yếu tố truyền thống và hiện đại. Nhìn vào mẫu thiết kế để nhìn ra được yếu tố truyền thống, đó mới là điều quan trọng nhất”. Dù vậy, lý giải của nhà thiết kế Thủy Nguyễn chưa thuyết phục được giới chuyên môn.
Những giới hạn cần thiết
Tác giả Katie Nelson kết thúc bài báo của mình bằng một câu hỏi: “Vì sao trang phục truyền thống như áo dài Việt lại không được giữ nguyên bản như vốn dĩ nó cần phải thế”. Có lẽ, câu hỏi này cũng khiến cho chính những người trong cuộc thấy lúng túng. Bởi lẽ, nếu quả quyết giữ nguyên bản của áo dài truyền thống thì câu trả lời dường như hơi “cực đoan” bởi “những cách điệu áo dài chính là cách để áo dài tiếp cận với giới trẻ, những người luôn tự tin bằng sự năng động và hòa nhập của họ. Nếu áo dài quá rườm rà, luộm thuộm thì tôi tin rằng áo dài Việt sẽ rơi vào điểm chết, rất ít những bạn trẻ lựa chọn nó” - nhà thiết kế Việt Hùng nêu ý kiến. Dù vậy, anh cũng đồng tình quan điểm: Những sáng tạo ở áo dài luôn cần phải có giới hạn nhất định. Bởi áo dài không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa đặc trưng của người Việt.
Nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Thuận Việt cho rằng: “Khi đã nói về truyền thống thì những yếu tố mang tính truyền thống cần phải rất cẩn trọng trong sáng tạo bởi vì nó không phải là cá tính riêng của nhà thiết kế mà nó còn là cái hồn của dân tộc. Nhà thiết kế phải biết đâu là giới hạn không được vượt qua như hình dáng, những chi tiết đặc trưng, màu sắc và họa tiết. Như chúng ta cũng biết, văn hóa các nước châu Á cũng có những nét tương đồng nhưng cũng có những nét rất riêng. Ví dụ, cũng là hình dáng áo dài nhưng vẫn có những khác biệt giữa trang phục truyền thống của Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam... Do vậy, chỉ cần bạn không hiểu rõ sự khác biệt mà cải tiến quá đà dễ dẫn đến sự nhầm lẫn và trở thành thảm họa cho sự sáng tạo thời trang”.
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh: “Cần được nói rõ hơn về vị trí của chiếc áo dài, đó chính là một chiếc áo truyền thống (không phải là một chiếc áo thời trang). Khi đã là chiếc áo truyền thống và gần như là quốc phục của Việt Nam thì chiếc áo dài luôn có linh hồn. Tất cả sự sáng tạo đều cho phép với một điều kiện quyết định là nhà thiết kế cần phải thấu hiểu “phần hồn” của chiếc áo dài truyền thống và có cái nhìn trong sáng của thời đại”. Phần hồn của áo dài chính là sự đơn giản mà hiện đại, độc đáo mà thanh lịch, thân thiện mà duyên dáng, kín đáo mà gợi cảm. Với những khái niệm mang tính đặc thù của áo dài như thế cũng không đơn giản níu giữ phần cốt lõi tạo nên vẻ đẹp thời đại mà vẫn giữ được phần linh hồn của chiếc áo dài, nếu nhà thiết kế không có đủ kiến thức nền và tâm hồn của một người Việt Nam”.
Sáng tạo phải trên nền kiến thức và tình yêu
Đây không phải là lần đầu tiên đề tài về áo dài Việt trở nên ồn ào. Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy từng đối mặt với sự chỉ trích của dư luận khi ra mắt bộ ảnh gợi cảm đến mức phản cảm trong bộ áo dài trắng “tinh khôi” lộ rõ da thịt cơ thể. Á hậu Hoàng My cũng một phen “lao đao” khi mặc chiếc áo dài cách điệu với một tay áo, hở lưng và đỉnh cao của những cách điệu táo bạo đến khó hiểu là mẫu áo dài được ca sĩ Mai Khôi biến tấu đến không còn nhận ra (cột lại tà áo phía trước bằng dây cột kết hợp với quần legging và giày bốt” khi xuất hiện trong một sự kiện.
Nhà thiết kế Minh Hạnh nói: “Chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam có nhiều lợi thế về tính hiện thực hóa rất cao để trở thành một sản phẩm thời trang và cũng chính vì thế mà gây nên “thảm họa” do sự dễ dãi của những người sáng tạo chưa đủ bề dày kiến thức và tình yêu chân thật dành cho áo dài”.
Bình luận (0)