Biết đọc lúc 3 tuổi
Bé Minh Khang được sinh ra ở TP HCM, có ba là người miền Trung, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật và mẹ người miền Bắc, làm luật sư. Khi bé được 2 tuổi rưỡi, rất lanh lợi và thích lập luận, lý sự, gia đình tìm trường cho bé học vì không có thời gian chăm nom.
Theo Thanh Huy, để chọn trường hợp với con, anh đưa bé đến vài trường khác nhau từ chuyên tiếng Việt đến song ngữ và dự thính khoảng nửa tiếng. Thật may, bé không sợ người lạ, không khóc mà luôn thích chơi đùa cùng các bạn. Anh dần dần tăng thời gian đến trường cho bé từ nửa tiếng lên một tiếng rồi nửa ngày và cả ngày. Thấy bé thích học song ngữ và tỏ ra có năng khiếu, gia đình tạo điều kiện cho bé theo học. Đến nay, Minh Khang đã 4 tuổi nhưng chưa bao giờ khóc vì đi học mà trái lại luôn hào hứng vì ở trường có nhiều trò chơi, nhiều bạn bè.
Bé Minh Khang lanh lợi trên sân khấu
"Năm 3 tuổi, Minh Khang đã biết đọc sách dù chưa học ghép vần. Khả năng ngôn ngữ của bé phát triển sớm, bé có thể đếm và tính toán được với số bằng tiếng Anh rồi đến tiếng Việt, học bảng chữ cái tiếng Anh rồi tiếng Việt. Chúng tôi đều giữ thói quen cố gắng nói song ngữ Việt- Anh với con. Bé mau nhớ và nhớ lâu, các thầy cô cũng chưa lý giải được vì sao lại thế. Bé thắc mắc nhiều và luôn muốn được giải đáp, ghi nhớ những chi tiết nhỏ như thông tin trên một hộp sữa hay bảng hiệu... Nhiều người bất ngờ vì không ngờ một đứa nhỏ lại có thể hiểu và nhớ những thông tin này" - Anh Thanh Huy cho biết.
Anh nói thêm bé nhớ từng chữ đơn lẻ như cách học từ vựng tiếng Anh, những chữ nào không hiểu đều nhờ cha mẹ giải đáp. Lâu dần, vốn từ của bé tăng lên và có thể đọc được sách, dù không trôi chảy 100% nhưng 95 - 98% là điều có thể. Bé không chỉ đọc mà còn kể tóm tắt nội dung câu chuyện đã đọc cho gia đình nghe bằng ngôn ngữ của bé. Những từ quá mới, bé chưa hiểu sẽ hỏi đến lúc hiểu được mới ngừng.
Trước đây, Minh Khang đọc được chữ nhưng phải là chữ đánh máy hoặc trên sách, rõ từng nét nhưng chữ viết tay thì thua vì không rõ nét. Từ đầu năm 2017 đến nay, bé được dạy và đã đọc được chữ viết tay. Khi được hỏi về giọng nói được nhận định là còn ngọng của bé, anh Thanh Huy chia sẻ: "Khi Khang nói chậm rãi, bình thường, mọi người có thể nghe rõ từng chữ, chỉ lúc nói quá nhanh mới cảm giác khó nghe. Nhiều người tiếp xúc với bé đều nhận xét là bên ngoài nói dễ nghe hơn lên truyền hình. Trong game show, ê - kíp sản xuất và ban bình luận thường làm các bé phấn khích để trổ tài, mỗi lúc quá phấn khích, Khang lại nói rất nhanh".
Bé có kiến thức nhiều lĩnh vực
Bé nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt và ban đầu anh cũng sợ con bị hiện tượng rối loạn ngôn ngữ vì học song ngữ nhưng dần bớt lo. Khi đi du lịch nước ngoài và ở trường, bé vẫn giao tiếp được bằng tiếng Anh và những người khác nghe vẫn hiểu.
Minh Khang rất thích đọc sách và được ba mẹ dẫn đi nhà sách thường xuyên. Bé tiếp thu kiến thức từ ba nguồn chính là hỏi trực tiếp người thân và thầy cô, đọc sách và xem trên mạng. Minh Khang tự chọn sách mình đọc và khi rỗi lại thích lên mạng tìm những thông tin liên quan vấn đề quan tâm để học hỏi.
Để kiểm soát không cho con tiếp xúc những thông tin chưa chính xác trên mạng, anh Huy thực hiện biện pháp xem video clip trên YouTube cùng con, lưu lại những video clip có ích vào thư mục trên Ipad để khi cần, Khang sẽ tự xem lại. Bé ngoài trí nhớ tốt, thích học hỏi còn có khả năng xâu chuỗi kiến thức nên biết nhiều hơn. Vì thế, gia đình cũng theo thói quen cung cấp nhiều thông tin liên quan vấn đề bé thắc mắc để mở rộng hiểu biết của con.
"Khang cực kỳ thích tham gia các chương trình truyền hình bởi bé có nhu cầu giao tiếp rộng. Khi tham gia các cuộc tranh tài, Khang có thêm bạn bè, thêm những thách thức nhưng sau một lần thi game show này tôi nhận thấy con mình mất nhiều hơn được. Có lẽ, chúng tôi sẽ không dành thời gian tham gia các cuộc thi khác vì bé trải nghiệm đã đủ. Dù muốn dù không việc tham gia game show cũng khá ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý của trẻ nhỏ!" - Anh Thanh Huy nhận xét.
Kỷ niệm buồn
Phụ huynh của bé Minh Khang nhận định các gameshow cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay quanh đi quẩn lại vẫn đề cao yếu tố thắng thua, giải trí. Trong cuộc tranh tài luôn có một nhóm các phụ huynh thích hướng con cái theo nghệ thuật, ca múa. Họ đưa con đi hết cuộc thi hát này đến thi múa khác để các bé thi thố. Dù họ nhận định việc học vẫn là quan trọng nhưng cuối cùng đấy vẫn là lý thuyết, làm được hay không là chuyện khác. Một nhóm phụ huynh khác có các bé làm toán giỏi, tiếng Anh giỏi…hoặc như Minh Khang có khả năng đối thoại, đọc sách, ghi nhớ kiến thức tốt thì mong muốn con đi thi để trải nghiệm, học hỏi. Nhưng số lượng này vẫn ít hơn và không được hoan nghênh bằng nhóm giải trí với các bé có khả năng múa, hát.
"Ban đầu, khi cho con tham gia chương trình "Biệt tài tí hon", tôi đã hỏi kỹ ê - kíp biên tập về thể lệ, nội dung. Họ hướng cho tôi nghĩ rằng chương trình tương tự như "The little big shots" của Mỹ, đơn giản là giới thiệu các bé có năng khiểu ở lĩnh vực nào đó qua từng tập. Việt Nam có thể làm khác một chút là cho các bé thi nhưng chủ yếu là giới thiệu tài năng, chẳng đặt nặng thắng thua và có phân bảng riêng giữa nghệ thuật và các lĩnh vực khác" - Anh Thanh Huy cho biết.
Minh Khang và MC chương trình Ngô Kiến Huy
Tham gia cuộc thi mất khá nhiều thời gian, bé Minh Khang tham gia ít nhất 15 - 16 ngày và đôi khi phải nghỉ học. Phụ huynh tháp tùng chăm lo các bé cũng phải xin nghỉ để dành thời gian theo lịch trình quay. Đôi lúc, các bé được ghi hình vào lúc 11 giờ đêm, một khoảng thời gian không thích hợp cho trẻ nhỏ. Trong tập chung kết, Minh Khang khóc nhiều, bé nhận thức được chuyện thắng thua nên dù thế nào cũng không tránh khỏi buồn vì nghĩ thua cuộc.
"Tôi có giảng giải cho con rằng dù sao cũng đạt giải ba, không phải thua cuộc nhưng không thuyết phục được bé vì chẳng có gì chứng minh bé đoạt giải. Trong đêm chung kết, các bé giải nhất và nhì có bằng khen công nhận, còn những bé giải ba chỉ được một gấu bông và đứng khuất riêng phía sau. Cách sắp xếp này của ban tổ chức vô hình chung tạo sự khác biệt khá lớn, khiến trẻ nhỏ bị tổn thương" - Anh Thanh Huy bộc bạch.
Tập chung kết được quay xong hơn 1 tháng mới được phát sóng nên sau một tháng, bé lại bị gợi kỷ niệm buồn thêm lần nữa. Minh Khang nhớ lâu nên buồn cũng lâu, khi ra ngoài gặp những người khác hỏi, bé đều nói: "Con buồn, khóc rất nhiều. Tập chung kết là tập khóc của con". Dù bé cũng tự nói được rằng “được đi thi là con vui rồi, con cần phải cố gắng thêm” theo hướng tích cực nhưng tôi biết từ trong tâm hồn non nớt của bé, bé thực sự rất buồn.
Anh cho biết Minh Khang mất nhiều hơn được khi tham gia gameshow còn ở việc được phong biệt danh "thánh nói", "giáo sư biết tuốt"... Khi ra đường, Khang bị nhận ra và mọi người lại đề nghị chụp ảnh rồi gọi bằng những biệt danh này.
"Tôi không muốn những biệt danh này cứ đến tai con mình. Tôi không có nhu cầu cho con mình nổi tiếng vì nó không phải nghệ sĩ. Những biệt danh được gọi khiến nó thắc mắc chúng là gì và lại phải tìm cách giải thích theo cách đúng và phù hợp nhất. Ở trường, các thầy cô không bao giờ nói đến các biệt danh này nhưng môi trường bên ngoài như công viên, siêu thị,... thì khó kiểm soát, rất đau đầu" - ba bé Minh Khang kể. Anh nói thêm sau cuộc thi cũng có nhiều nơi mời Khang quảng cáo, tham gia chương trình khác nhưng anh từ chối vì không có nhu cầu lấy tiếng, kiếm tiền mà chỉ muốn con có trải nghiệm, mở rộng giao lưu, thêm bạn bè.
Khi được hỏi những định hướng cho tương lai cho Minh Khang, anh Thanh Huy cho biết có hỏi bạn bè, thầy cô nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Anh thực sự bối rối chưa biết làm thế nào là đúng, chưa nhận được sự tư vấn chuẩn nhất. Trước mắt, anh vẫn cho bé học song ngữ, phát triển sở trường, năng lực hiện tại theo sở thích của bé, cân bằng giữa kỹ năng sống và học tập. Anh mong có chuyên gia hoặc cố vấn cho gia đình lời khuyên để giúp bé phát triển hết tiềm năng.
Anh Thanh Huy còn cho biết thêm sau tập chung kết phát sóng đến thời điểm hiện tại, trang cá nhân của bé liên tục nhận được nhiều bình luận và tin nhắn thể hiện sự động viên, ủng hộ và chia sẻ tích cực dành cho bé từ những vị khán giả yêu mến bé khắp mọi miền. Anh gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả khán giả và người hâm mộ đã luôn theo dõi, động viên, cổ vũ và đặc biệt là đã dành nhiều tình cảm thân thương cho Minh Khang trong thời gian vừa qua.
Nhiều lời động viên Minh Khang trên Facebook
Bình luận (0)