icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài 1: Đường đến HCV giải Thanh Tâm

Thanh Hiệp

Bạch Tuyết đã trở thành một tên gọi thân quen đối với công chúng yêu nghệ thuật. Năm 1963 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của chị, đó là năm chị đoạt HCV giải Thanh Tâm và 2 năm sau là HCV xuất sắc

Cho đến nay, dẫu đời sống của sân khấu cải lương có thăng trầm, dâu bể, chị vẫn luôn tỏa sáng mỗi khi xuất hiện trên sân khấu. Không dừng lại ở những vai diễn, chị đã sang Bulgaria học khóa đạo diễn (bậc đại học), rồi tốt nghiệp tiến sĩ sân khấu tại London (Anh Quốc). Chị vừa dàn dựng xong tác phẩm thứ sáu mang tên Trần Nhân Tông (tác giả Lê Duy Hạnh) cho Nhà hát Cải lương Trung ương và sắp tới một chương trình live show với chủ đề Tự tình quê hương – Cải lương chi bảo Bạch Tuyết sẽ được tổ chức tại Nhà hát TPHCM.

Tuổi thơ mất mẹ

Quê nội của nghệ sĩ Bạch Tuyết ở Châu Đốc, nơi có làng Khánh Bình, huyện An Khánh. Nơi đây có một nhánh sông quan trọng gọi là Bắc Đay (tiếng Khmer có nghĩa là cùi chỏ, cánh tay co lại). Thân phụ của chị gốc nông dân, khi trưởng thành đã cảm thấy khó sống ở quê nhà nên thử sang Campuchia học nghề thợ máy, sau 8 tháng ông đã là thợ máy có tiếng vững tay nghề, làm việc tại hãng Jean Comte – một chi nhánh lớn của loại xe máy Peugeot nằm ở Sài Gòn.

img
Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga

Gia đình chị thuộc hàng nho giáo khoa bảng, tính từ thời ông cố, đến ông nội đều được người dân trong làng kính nể. Năm 8 tuổi, lứa tuổi hồn nhiên vô tư như bao cô bé ở nông thôn, Bạch Tuyết đã được cha đưa lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm 1955, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, lính, cảnh sát quốc gia dày đặc ở Sài Gòn. Vào một buổi tối như số mệnh đã sắp đặt, ba chị chẳng bao giờ đi xem xinê, thì được một người bạn tặng vé mời đi xem phim mới.

Ba chị rủ mẹ, nhưng bà không đi mà muốn đến thăm một người bạn gái. Nhưng có ai ngờ người bạn gái của mẹ chị cũng vắng nhà để đến rạp xem hát bội. Thế là mẹ chị băng qua đường trở về nhà. Đoạn đường Nguyễn Văn Cừ thời đó khá đông xe jeep của cảnh sát và lính quốc gia, họ chạy xe với tốc độ rất nhanh. Một chiếc xe đã tông vào mẹ chị. Tai nạn giao thông đêm đó đã cướp đi người mẹ thân yêu của chị. Chị kể trong nỗi buồn xa xăm: “Mẹ tôi là người phụ nữ hiền lành, đức hạnh. Tôi không quên được buổi chiều hôm ấy trong bệnh viện, mẹ tôi nằm yên lặng. Tai nạn giao thông đã làm mẹ tôi bị dập phổi, bể tim.

Gương mặt mẹ tôi lúc đó xanh xao nhưng bà vẫn thều thào nói với chị em tôi: “Hai con ở lại phải biết thương yêu nhau, đừng để người ta nguyền rủa là con chết mẹ”. Lời trăn trối đó đã theo tôi cho đến bây giờ. Lúc còn ở bên mẹ, bà vẫn luôn mơ ước lớn lên tôi sẽ học làm luật sư, đem kiến thức giúp người hoạn nạn. Sau đám tang của mẹ, ba tôi đi làm ăn xa ở tận biên giới Lào - Campuchia. Ba gởi chị em tôi vào trường dòng, nhờ các sơ chăm sóc. Tính chị tôi giống mẹ, sống khép kín, thụ động, còn tôi thì ngoài giờ học là tham gia các lãnh vực khác, tính hiếu động đã giúp tôi làm quen với cuộc sống tự lập. Tám tuổi mà tôi đã có những suy nghĩ của một người lớn, rằng không có mẹ bên cạnh hãy biết chăm sóc mình và an ủi mình bằng việc học.

Tôi lớn lên trong sự khắt khe của chính mình. Vì không ai có thể tưởng tượng nỗi đau mất mẹ của một đứa con gái 8 tuổi. Tôi đã mất đi điều gì đó thiêng liêng, gần gũi. Chỉ sau một đêm mẹ tôi bị tai nạn, tôi như người rơi từ trên cao, nơi có mái ấm hạnh phúc xuống địa ngục tăm tối”.

16 tuổi vào nghề trong gian khó

Trong trường dòng, với số tiền chu cấp ít ỏi của cha, Bạch Tuyết chỉ dám mơ một ngày gia đình mình thoát khỏi cảnh thiếu thốn. Năm Bạch Tuyết học hết trung học đệ nhất cấp, ba chị đưa chị ra học bên ngoài để làm quen với xã hội. Chị kết thân với một cô bạn có người cha là nhạc sĩ đờn ca tài tử nổi tiếng, đó là ông Ba Luông. Nhờ vậy mà chị biết thế nào là một bài bản cải lương.

Ngoài nhạc sĩ Ba Luông, còn có nhạc sĩ Chân Vân là những danh cầm nổi tiếng. Hai ông nghe Bạch Tuyết hát đã nhận xét chị có năng khiếu và sẽ tiến xa nếu theo nghiệp hát. Nhưng chị nghe lời cha, vẫn lo đèn sách. Những giờ nghỉ giải lao ở Trường trung học Nguyễn Bá Tòng (THPT Bùi Thị Xuân ngày nay), chị thường lấy giấy vẽ hình các nghệ sĩ.

Chị thích gương mặt bầu bĩnh, dễ thương của Thẩm Thúy Hằng, nét sầu mộng của Út Bạch Lan... rồi có lần chị vào rạp Nguyễn Văn Hảo xin hình nghệ sĩ Thanh Nga. Nhưng chưa bao giờ chị nghĩ có ngày mình lại được sánh bước bên những nghệ sĩ đàn chị mà mình ngưỡng mộ. Rồi chị được nhận vào ban nhạc tài tử của nhạc sĩ Vũy Chỗ, được tham gia chương trình phát thanh và được báo chí nhắc tên.

Đó là năm chị 16 tuổi, được soạn giả Điêu Huyền tìm đến nhà ngỏ ý xin ba chị cho chị theo nghề hát. Ban đầu ba chị từ chối vì định kiến “con gái theo nghề hát xướng là cầm bằng mất đi”. Quan niệm khắt khe đó đã suýt giết chết ước mơ của chị. Nhưng chị xin cha: “Ba cho con vào đoàn hát, nếu thành công con sẽ quay về với gia đình, còn thất bại con sẽ kết liễu đời mình, không làm hổ danh gia đình”.

Chị vào đoàn hát, được cha nuôi là soạn giả Điêu Huyền dạy dỗ. Một bước lên đóng vai đào chính, có mặt trong ba vở nổi tiếng: Suối mưa rền áo cưới, Kiếp chồng chung và Lá thắm chỉ hồng. Ngoài soạn giả Điêu Huyền, chị còn được nghệ nhân Tiêu Sáng dạy cách đi đứng, biểu diễn trên sân khấu sao cho đẹp. Không khí tập dượt và biểu diễn nhanh chóng trở thành môi trường quen thuộc với chị. Hơn hết là nghĩa tình sâu đậm của người làm cải lương.

Chị kể: “Ba Điêu Huyền rất tin dị đoan, ba bảo để tìm một cô đào sáng đẹp, có đạo đức sắm tuồng đêm hát đầu tiên để tôi được hưởng cái duyên của người đó. Ba chọn chị Cẩm Hồng (vợ trước của cố nghệ sĩ Tấn Đạt – ba ca sĩ Hà My). Chị là người có gương mặt sáng, mũi cao, mắt to đen huyền, sống rất chí tình, chí nghĩa. Lạ một điều chị toàn đóng vai đào độc. Chị đã trang điểm cho tôi, biến con bé nhút nhát thành một cô diễn viên trẻ sáng đẹp như chị.

Tôi ở Kiên Giang hát được hơn hai năm, khi đoàn cải lương Thống Nhất của cậu mười Út Trà Ôn ra đời, tôi được mời về biểu diễn. Phải nói là tôi đã “gồng sức” để có thể dám đứng chung sân khấu với các tài danh thời đó. Gian khó và vất vả lắm. Một vở tuồng chúng tôi tập 6 tháng, một lớp diễn có khi tập một tuần vẫn chưa được các bác, các cô hài lòng. Vậy mà chẳng một diễn viên trẻ nào dám hó hé. May mắn đã cho tôi thử sức với vai chính trong vở Tàn một kiếp hoa và vinh dự đón nhận HCV triển vọng giải Thanh Tâm năm 1963 cùng với anh Diệp Lang.

Năm 1965, phần thưởng cao quý đầu đời diễn viên trẻ đã kích thích tôi phấn đấu không nghỉ để gặt hái thành công mới, tôi đoạt thêm HCV xuất sắc giải Thanh Tâm với vở Nỗi buồn con gái của Hà Triều - Hoa Phượng. Những gian truân trong nghề chỉ có người nghệ sĩ mới hiểu, mới thấu. Tôi không bao giờ giấu cái dốt, cái ngu, nó ví như mặt sông mênh mông mà những người đi trước mới biết đâu là ghềnh, thác để hướng dẫn người đi sau né tránh”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo