icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài 2: Khóc cho kiếp người trầm luân

Thanh Hiệp

NSƯT Ngọc Giàu nhận định về thành công của Bạch Tuyết: “Bạch Tuyết làm những điều mà người khác không dám làm”. Câu nói hàm ý như một sự ngông cuồng trong sáng tạo, nhưng với Bạch Tuyết đó là sự thật

Giữa lúc vinh quang tột đỉnh, bản thân nghệ sĩ trong thế giới màn nhung đã gặp không ít sự cố. NSƯT Bạch Tuyết cũng không thoát khỏi sự truân chuyên mà theo chị, đó là vốn sống cần thiết để chị trưởng thành và biết chia sẻ hơn với người đời.

Nỗi niềm với cô gái điếm

Chị kể trong niềm xúc động: “Năm 18 tuổi, tôi đã là người thành đạt. Tôi có nhà lầu, xe hơi, được chiều chuộng, nâng niu. Thành công đến với tôi quá sớm cũng là lúc tôi nhận ra mình rất cô đơn. Về chuyện tình cảm, tôi không bao giờ thất tình với một ai, chỉ có người khác thất tình vì tôi. Lúc đó nhà tôi ở đường Trần Hưng Đạo, tôi đã xin ba cho ra ở nhà thuê cùng một cô giúp việc, khi tôi được cậu Mười Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất. Tính tôi sau khi vãn hát thích đi bộ về nhà.

Tôi thường để xe gắn máy ở rạp hát. Trên đường về, tôi gặp một cô gái điếm bị một tên côn đồ sau khi chơi trò xác thịt đã giựt bóp tiền của cô và đánh cô trọng thương. Tôi đã kịp thời can ngăn và đưa cô gái vào bệnh viện. Đêm đó cô mất 70 đồng và tôi đã tặng cô 200 đồng (1/3 số tiền thù lao của một suất hát mà tôi được lãnh). Đến 3 giờ sáng tôi mới về nhà, lòng nặng đau một nỗi buồn về tình đời. Tôi nghĩ sao người ta có thể sống thô bạo đến như vậy. Tôi thấy mình bất lực quá, tại sao không đủ sức mạnh đánh trả tên côn đồ mất nhân tính kia.

Vậy là tôi tuyệt vọng, lấy lưỡi lam cắt tay mình định chọn một lối thoát. Từ nhỏ, tôi đã có ý hướng đi tu, vì không muốn nhìn thấy cảnh đời bon chen, hằn học, chà đạp lên nhau và cảnh cô gái điếm bị ức hiếp là nỗi đau mà tôi không chịu đựng được. Đêm hôm đó, tình cờ một cô bạn trong nghề hát ghé đến mượn tôi chiếc áo dài để đi đám cưới ở dưới quê, bấm chuông kêu cửa mà tôi chẳng mở. Cô giúp việc đã về nhà từ xế chiều, bạn tôi đoán biết chuyện chẳng lành đã chạy tìm cảnh sát.

Khi tôi được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu, tôi linh cảm như nhìn thấy hình ảnh của mẹ mình. Tôi được đặt nằm đúng trên chiếc giường mà mẹ tôi đã nằm trước khi trút hơi thở cuối cùng. Thế giới tâm linh mách bảo tôi biết, mẹ tôi đã xui khiến cô bạn gái tôi tới đúng lúc. Chuyện tự vẫn chính xác là như vậy, mà báo chí Sài Gòn thời đó thổi tung những hàng tít: “Bạch Tuyết tự tử vì tình”, “Cô đào trẻ chán sống”..., rồi một thời gian sau lại đăng “Bạch Tuyết giả vờ tạo xì căng đan để đánh bóng tên tuổi”. Ban đầu tôi phản ứng vì bức xúc, nhưng riết rồi quen và lắc đầu từ chối những cuộc phỏng vấn vô bổ”.

Thành công với những vai bất hạnh

Có lẽ bản tính luôn hướng tới cộng đồng đã giúp cho nghệ sĩ Bạch Tuyết có được sự chia sẻ, an ủi dành cho những người gặp hoàn cảnh bất hạnh. Vì thế mà khi chị về đoàn Dạ Lý Hương, đoàn hát chuyên dựng những kịch bản mang hơi thở cuộc sống, chị đã thành công với các nhân vật phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong xã hội cũ như gái bán bar, gái nhảy, gái mại dâm... và cả những số phận phụ nữ nông thôn lầm lạc, bị ép lên Sài Gòn “buôn hương bán phấn”.

Cái tên “cải lương chi bảo Bạch Tuyết” là do soạn giả Hoa Phượng đặt. Đó là cái đêm ông xem xong vở Xe cát biển đông mà Bạch Tuyết đóng vai chính tại rạp Quốc Thanh, ông đã nói với soạn giả Kiên Giang: “Bạch Tuyết là cải lương chi bảo, cô này có biệt tài sáng tạo và thông minh, còn tiến xa nữa nếu diễn những vai khó hơn”. Và quả thật không sai, hàng loạt những tác phẩm sân khấu thuộc thương hiệu Hà Triều - Hoa Phượng thời đó đã đóng dấu danh hiệu cải lương chi bảo với nhiều vai diễn để đời: Lê Thị Trường An (Tuyệt tình ca), Diệu (Nửa đời hương phấn), Tần (Nỗi buồn con gái), Thanh (Thảm kịch tuổi xanh)... Chị có nhiều bạn diễn, xứng đôi nhất vẫn là với nghệ sĩ Hùng Cường, rồi Thành Được, sau này là Thanh Sang, Thanh Tuấn, Minh Phụng, Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Vương, Tuấn Thanh, Thanh Tú... Thời trang chị sử dụng, mùi nước hoa chị xài, mắt kính mới chị chọn đều trở thành mốt của giới trẻ thời đó. Chị nổi tiếng trên sân khấu Dạ Lý Hương với cơn lốc “thế hệ mới”, diễn “thật và đẹp” theo trường phái của NSND Năm Châu. Tiết tấu cải lương qua cách diễn của chị như nhanh hơn, thoáng hơn và sinh động hơn. Một lần, NSƯT Ngọc Giàu khi nhận định về thành công của Bạch Tuyết đã nói: “Bạch Tuyết làm những điều mà người khác không dám làm”. Câu nói hàm ý như một sự ngông cuồng trong sáng tạo, nhưng với Bạch Tuyết đó là sự thật. Vì chỉ có chị mới dám nghĩ ra cách diễn xuất cải lương với cái gu thẩm mỹ hiện đại. Chị không sắm tuồng lòe loẹt, không ăn mặc màu mè, nhân vật rất gần gũi với người xem. Chị cười: “Có lẽ số phận tôi vào nghề gian khó quá nên tôi chẳng còn nhút nhát khi quyết định thực hiện những điều táo bạo”.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã thực sự tỏa sáng khi về công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang với các vai: Kiều Nguyệt Nga, Thái hậu Dương Vân Nga... Sau này UNESCO mời đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang lưu diễn tại các nước Tây Âu, Đoàn 284 thời đó có chị, NSND Diệp Lang, NSƯT Thanh Tòng, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Hải, NSND Lương Đống... đã thực hiện xuất sắc sứ mạng “đem chuông đi đánh xứ người”. Nhắc đến giai đoạn này, chị vẫn không quên sự mến mộ của công chúng cải lương dành cho vai cô Lựu (Đời cô Lựu) mà có thể nói sau NSND Phùng Há, chị là nữ nghệ sĩ đã kế thừa sáng tạo đầy bản lĩnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo