Cán cân thương mại của thị trường truyện tranh Việt Nam đang chênh lệch quá lớn khi nghiêng về truyện tranh nhập ngoại. Sự “bành trướng” của truyện nhập khẩu có thể nhìn thấy rõ ở bất cứ nhà sách lớn nào trên cả nước.
Nhu cầu quá lớn
Ông Bùi Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết hằng năm, NXB Kim Đồng phát hành khoảng 800 đầu sách, gồm cả sách mới và tái bản. Thông thường, số lượng bản sách vào khoảng 3.000 đến 5.000 cho mỗi đầu sách, những đầu sách thu hút độc giả có thể được ấn bản trên 10.000 bản/năm. Như vậy, chỉ riêng NXB Kim Đồng đã sản xuất tới vài triệu bản sách mỗi năm.
Truyện tranh ngoại tràn lan trên các nhà sách Việt từ nhiều năm nay
Ngoài NXB Kim Đồng, còn rất nhiều đơn vị xuất bản và các nhà sách khác tham gia sản xuất truyện tranh nên số lượng ấn bản thực sự cho truyện tranh có thể nói là khổng lồ. Thế nhưng, các đầu sách có sức hút thực sự với bạn đọc nhí đều nhập ngoại.
Về phía các NXB, để bảo đảm sự cân bằng giữa sách ngoại và sách nội, đặc biệt là với loại hình truyện tranh truyền thống, NXB cũng cố gắng bảo đảm tỉ trọng cân đối giữa sách Việt Nam và sách nước ngoài, phát triển các đề tài trong nước phù hợp văn hóa, tâm lý trẻ em Việt Nam. Nhưng theo họa sĩ Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng: “Nếu xét về con số đơn thuần có thể cân đối 50/50 nhưng con số đầu sách chưa nói lên điều gì cả vì khá nhiều truyện tranh Việt chỉ là những tác phẩm rất nhỏ, mỏng, không gây được ấn tượng gì trong khi truyện tranh nhập ngoại luôn là từng bộ dài kỳ, từ mấy chục tập tới mấy trăm tập, nhà văn viết ra đến đâu, phải đàm phán mua bản quyền, dịch ngay tới đó”.
Khẳng định điều đó, ông Bùi Tuấn Nghĩa cho biết những đầu sách có số lượng phát hành trên 10.000 bản mỗi năm vẫn thuộc về những bộ truyện tranh “Doraemon”, “Thám tử Conan”. Việt Nam có được bộ “Tí quậy”.
Đại diện phòng phát hành của Công ty sách Phương Nam và nhà phát hành Fahasa cũng cho biết sức sống dai dẳng của “Doreamon” và “Thám tử Conan” đã tồn tại trên 20 năm nay, những bộ truyện tranh Việt Nam nổi lên được như “Tí quậy” là cực kỳ hiếm hoi.
Lép vế trên sân nhà
Truyện tranh nói chung gồm hai loại: truyện tranh truyền thống và truyện tranh hiện đại (comic, manga...). Chỉ cần bước chân vào bất cứ nhà sách lớn nào, sẽ thấy vẫn là truyện nhập ngoại như “Doremon”, “Thám tử Conan”, “Shin cậu bé bút chì”… với “tuổi thọ” bền bỉ và có vị trí bắt mắt trên các giá sách suốt mấy chục năm qua.
Truyện tranh Nhật Bản đương đại, dựa trên thành tựu của các thế hệ đi trước, cũng chiếm luôn tình cảm của độc giả trẻ, với những cuốn sách “nóng hôi hổi” được độc giả trẻ đón đọc từng tập khi vừa ra lò như Nhóc Miko của Eriko Ono (Nhật), xuất hiện từ năm 2010, hiện đã công bố tới tập thứ 26 và tác giả vẫn đang viết tiếp. Được trưng bày sang trọng, bắt mắt, bề thế ở khắp điểm vàng trong các nhà sách, dễ dàng cho thấy những bộ truyện tranh này đang được độc giả trẻ yêu thích và sẽ rất khó thay thế.
Truyện nhập ngoại có vị trí như vậy trong khi truyện tranh Việt hiện đại chỉ được một vài thành công như “Thỏ bảy màu” của Huỳnh Thái Ngọc, “Mật ngọt chết mèo” của Đặng Ngọc Minh Trang - một trong những dự án truyện tranh của Comicola; “Mèo Mốc và Chuyện đèn đỏ”, “Cái lỗ đen vũ trụ” cũng là một trong những tác giả trẻ thuộc nhóm Comicola; Những câu chuyện kỳ bí của tác giả Bích Khoa có ưu thế là tranh cực đẹp, bộ sách (5 cuốn) này từng đoạt giải Bạc sách đẹp thuộc “Giải thưởng sách Việt Nam” năm 2010 của Hội Xuất bản Việt Nam và đã được dịch sang các ngôn ngữ: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Phần Lan… Tuy nhiên, độc giả Việt Nam có vẻ quá ít biết tới chúng. Đa phần đều là những nỗ lực cực nhọc của nhà sản xuất nhằm mang chúng tới tay độc giả Việt Nam.
Kỳ tới: Vì sao thua trên sân nhà?
“Tác giả Việt ít lắm !”
Rất ít những tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi có được thế cân bằng trở lại so với truyện nhập ngoại, nổi bật nhất vẫn là Nguyễn Nhật Ánh với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và các tác phẩm khác của ông, Tô Hoài sống mãi theo thời gian cùng “Dế mèn phiêu lưu ký”... Đáng nói là các tác giả Việt nổi bật trên thị trường sách, đạt được lượng ấn bản lớn đều là dòng truyện chữ, không phải truyện tranh. Ông Bùi Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, nói: “Chúng tôi luôn đầu tư phát triển truyện tranh Việt, luôn ủng hộ các tác giả và các họa sĩ đồng thời sẵn sàng tiếp nhận các bản thảo truyện tranh Việt để thẩm định và xuất bản. Tuy nhiên, tác giả Việt ít lắm, trong khi nhu cầu truyện tranh thì lớn”.
Bình luận (0)