Truyện tranh Việt Nam từng thành công với các bộ truyện đề cao nét riêng biệt và tính dân tộc. Một trong những bộ truyện thành công là “Thần đồng đất Việt” (Công ty Phan Thị, NXB Đại học Sư phạm TP HCM ấn hành) và sản phẩm mới nhất của Phan Thị là bộ “Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa, Trường Sa” về lịch sử biển đảo Việt Nam. Nhưng chỉ dừng lại ở đó.
Thành công nhờ tính dân tộc
Nhiều ý kiến nhận xét “Thần đồng đất Việt” thành công chính nhờ mang lại hào khí dân tộc, thổi vào lòng độc giả niềm tự hào về ý thức giữ gìn bờ cõi của cha ông. Các nhà phát hành lớn như FAHASA, Phương Nam, Tiki… cũng cho rằng những bộ truyện tranh Việt bán chạy đều nhờ vào yếu tố khai thác tính dân tộc. Như cuốn “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” (do NXB Trẻ ấn hành) tưởng là chủ đề “cứng” nhưng được các nhà phát hành cho biết đã bán tốt. Cùng chủ đề đó, những bộ truyện “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”, “Truyện tranh dân gian Việt Nam”… của NXB Kim Đồng ấn hành, do các thế hệ họa sĩ thực hiện cũng có được lợi thế này. Bộ “Tí quậy” của NXB Kim Đồng do cố họa sĩ Đào Hải thực hiện, lai giữa phong cách manga và nét vẽ truyền thống được NXB cho biết đã bán rất tốt cả chục năm liền.
Thực ra, trong số các họa sĩ trẻ, có nhiều người đã đầu tư nghiên cứu văn hóa dân tộc và đã thu được những thành công như “Đất Rồng” (sáng tạo bởi nhóm Demensional Art - nhóm bạn trẻ đã từng giành được giải thưởng ý tưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”), “Long Thần tướng” (họa sĩ Nguyễn Thành Phong) - câu chuyện hư cấu tái hiện chiều sâu văn hóa Việt qua những góc nhìn của các nhân vật từ thời nhà Trần, được đầu tư kỹ về sử liệu và có cố vấn chuyên môn cả về phục trang lẫn bối cảnh của thời đó. Mới đây, khi ra mắt phần 2 của “Long Thần tướng”, bộ sách cũng được cộng đồng đọc chú ý. Một gương mặt khác trong giới họa sĩ trẻ là Tạ Huy Long cũng được giới chuyên môn đánh giá cao bởi hình ảnh chú dế mèn với chiều sâu văn hóa trong truyện tranh “Cửa sổ”.
Tuy nhiên ở Việt Nam, việc tác giả có tác phẩm tốt chỉ là những cố gắng cá nhân, một vài cuốn sách bán chạy cũng chỉ là đột nhiên bán được chứ không phải nằm trong chiến lược được tính toán kỹ. Hoàn toàn không có bất kỳ sự nghiên cứu quy mô đồng bộ nào về “gu” thẩm mỹ của giới trẻ, về nhu cầu của thị trường cần những sản phẩm như thế nào, nhà sản xuất nên đưa ra những ấn phẩm gì và đưa nó đến với người đọc ra sao...
Lối đi riêng - Muôn trùng khó khăn
Truyện tranh là thể loại chiếm nhiều ưu thế do độc giả thích xem tranh hơn là đọc chữ. Sự phối hợp giữa đường dây của truyện và nét vẽ của tranh luôn tạo ra những đột phá bất ngờ, thu hút hơn hẳn thể loại truyện chữ nhưng truyện tranh Việt vẫn thất thế ngay trên sân nhà. Các bậc phụ huynh muốn rèn luyện nhân cách cho con phải “nhờ ” những bộ truyện nhập ngoại phần nào xa lạ với đời sống và văn hóa của người Việt, như: “Chiến công của bé Mi”, “Bàn tay kỳ diệu của Sachi”, “Cá voi ơi lớn nhanh lên nào”, “Quả trứng bị ghét”, “Cửa sổ thần kỳ” hay bộ “Bé ngoan tập thói quen tốt”…
Liệu có thể xây dựng được lối đi riêng mang đặc trưng của Việt Nam? Trả lời cho câu hỏi này, ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP HCM, cho biết: “Phấn đấu được như vậy thực sự là muôn trùng khó khăn. Truyện tranh truyền thống chưa bao giờ lạc hậu đối với người đọc trẻ em nhưng kể từ khi xuất hiện Doreamon, nhiều người đã đồng nhất quan điểm truyện tranh chỉ có thể là comic và manga. Đó là sự lệch lạc trong nhận thức của phụ huynh. Từ sách tranh đến truyện tranh và truyện tranh truyền thống đến truyện tranh theo các trường phái, xu hướng của nước ngoài là những khoảng cách rất xa. Truyện tranh Nhật Bản đã khiến độc giả tiếp nhận một thể loại hoàn toàn mới là truyện truyền thống và phim truyền hình trên giấy kết hợp với nhau. Nó thu hút hơn nhiều nên cũng không thấy lạ khi trẻ em say sưa đọc”.
Ở vai trò NXB, ông Cao Xuân Sơn cho biết: “Cái gì đã khẳng định được giá trị của nó, chúng tôi chú trọng làm mới lên, đầu tư nhiều hơn, chưa bao giờ buông lỏng. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các nhóm họa sĩ trẻ để họ mạnh dạn thực hiện những ý tưởng sáng tạo mới và đột phá của mình”.
Tuy nhiên, khác hẳn với những nước có ngành công nghiệp truyện tranh phát triển với những tập đoàn lớn, tiềm lực tài chính vững vàng, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và mỗi khi triển khai những dự án mới đều có đội ngũ nghệ sĩ rất đông cùng phối hợp thực hiện, truyện tranh Việt Nam luôn chỉ là sự sáng tạo nhiệt tình và liều lĩnh của một hoặc một nhóm họa sĩ nào đó; nếu không thì cũng rơi vào một thương vụ manh mún nhỏ lẻ, may thì thành công, kém thì chết yểu.
“Chúng ta chưa có được đội ngũ sáng tác cũng như các cơ sở đào tạo để có được đội ngũ sáng tác, chưa kể để phát triển loại hình này cần có một “công nghệ sản xuất truyện tranh” cũng như một kế hoạch phát triển những sản phẩm phụ trợ đi kèm” - ông Bùi Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, phân tích.
“Truyện tranh Việt thường đi theo các xu hướng và trường phái truyện tranh ăn khách của thế giới nhưng nét vẽ kém hơn, không đủ nội lực để làm dài tập nên rất khó đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người đọc và khó gây ấn tượng” - họa sĩ Tạ Huy Long nhận xét. Nhiều ý kiến khác còn cho rằng ngay cả một số bộ truyện đã nổi lên vẫn còn rất nhiều sạn. Các họa sĩ Còm (Hữu Khoa), Tạ Huy Long, Nguyễn Thành Phong… đều bảo: “Làm truyện tranh giờ khó lắm”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-10
Không dám mạo hiểm với truyện Việt
Các nhà sản xuất cho rằng với những sản phẩm chúng ta chưa tự làm được thì vẫn cần khai thác từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Bà Nguyễn Kim Thoa, Phó Giám đốc Công ty Sách Tân Việt, cho biết: “Chi phí để sản xuất một bộ truyện tranh thuần Việt quá tốn kém và quá mạo hiểm do chưa biết chắc tác giả Việt có thu hút được người đọc hay không; còn đa phần tác phẩm nước ngoài đã vượt qua biên giới, tức là sức hút rất lớn nên mua bản quyền nước ngoài về sản xuất có khả năng thu lời”.
Bình luận (0)