Nhan Tấn (NSƯT Bảo Quốc) trong vở Nỏ thần - Ảnh: M.C
Nói "lộc nghề" bởi không phải diễn viên nào cũng tìm được "nhân vật để đời" cho mình. Có khi 5, 7 năm, cả chục năm, mới có một kịch bản, một nhân vật phù hợp khiến khán giả nhớ.
Ông Tám "nổ"
Vậy mà từ 2006 đến nay Bảo Quốc liên tiếp có 2 vai làm rung động người xem. Ông Tám "nổ" trong vở Cánh đồng gió rặt chất Nam Bộ, áo bà ba, xách cái cần câu ra sông, nhưng thực chất là "câu" mãi không xong mối tình mấy chục năm trường với bà Năm - Hồng Vân. Ông Tám cười cợt vui vẻ, nói chuyện thì "nổ" tới trời, ai biết đâu "trong héo ngoài tươi".
Cuối cùng bùng vỡ ra là một trái tim yêu tha thiết, trữ tình, lãng mạn bất ngờ. Khán giả vỗ tay cho ông Tám vang cả rạp, bởi ông đáng yêu quá, không thua gì bé Bì - Thanh Thúy. Ông và bé Bì, một già một trẻ nhưng rất giống nhau, như cánh đồng quê hương rợp gió. Những ngọn gió trong trẻo, hiền hòa mà có khi người ta lãng quên, cứ xô nhau chạy về nơi phồn hoa thành thị, khi mệt nhoài mới quay đầu nhìn lại, bâng khuâng.
Chú Bảo Quốc không bao giờ làm ra vẻ giỏi hơn lớp trẻ, mà chỉ góp ý tế nhị. Chú hay nói, ý tôi thế này, cháu nghe thử, hợp lý thì theo, không thì thôi nghen. Mình thấy ý hay, chịu liền. |
Có thể nói, từ sau vai Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh, thì đây là vai hài nặng ký, bởi có bi kịch, có trữ tình trong đó. Giải Mai vàng Báo Người Lao Động dành cho ông Tám quả là xứng đáng.
"Cao thủ"
Nhưng đến vai Nhan Tấn thì dường như dấu ấn của Bảo Quốc bị xóa sạch, để hiện lên một Bảo Quốc khác hẳn, gây bất ngờ cho đồng nghiệp từ Nam ra Bắc. Nhiều người nói thật rằng vẫn nghĩ Bảo Quốc sẽ "phùng mang trợn mắt" mà thôi, không ngờ ông lại "cao thủ" đến vậy. Cao thủ từ trong cách diễn, cách nhấn nhá đài từ, đến cách nuôi cảm xúc cho bạn diễn, đặc biệt là lớp trẻ.
Có lẽ đây là vai kép độc đầu tiên của Bảo Quốc, mà lại phức tạp tâm lý, khó diễn vô cùng. Một Nhan Tấn thâm độc nhưng không được phép lộ liễu. Và lúc thì thể hiện rõ sự độc ác, lúc lại đau đớn vì mất con, lúc mềm yếu ngọt ngào chui vào hàng ngũ Âu Lạc, lúc hèn hạ nịnh bợ người khác, lúc tự đắc kiêu căng... Tâm lý chuyển biến không ngừng, khiến Bảo Quốc vừa vất vả vừa thú vị. Đời nghệ sĩ đóng được kiểu nhân vật như thế thì mới mau bật lên. Áp lực thử thách cũng là cơ hội ngàn vàng.
Bảo Quốc đã 61 tuổi rồi, lẽ ra ông không còn cái máu thử thách ấy. Vậy mà ông lại chấp nhận. Ban đầu đạo diễn Đức Thịnh và " bà bầu" Hồng Vân của Sân khấu kịch Phú Nhuận định phân cho ông vai An Dương Vương. Nhưng ông lại chọn vai Nhan Tấn. Ông muốn phiêu lưu, muốn "Bảo Quốc không giống Bảo Quốc nữa".
Ông thú thật: "Dân hề mà, ai bước ra sàn diễn cũng dễ nổi máu lên, "bung" dữ lắm. Có mấy lớp diễn giữa Nhan Tấn và lục hổ tướng, hoặc với hai chú lính gác ngục, vô đúng chóc chất hài của tôi. Mới bung một tí là tôi cắt liền, không thôi phá gãy đường dây kịch bản". Đó còn gọi là bản lĩnh nghề nghiệp của dân hài, dám từ chối những tiếng cười không cần thiết để lấy lại một thứ khác sâu sắc hơn.
"Tía ơi, con đem tới cho tía nghen!"
"Chú Bảo Quốc" không chỉ được em cháu sân khấu yêu mến mà ngay cả dân ca nhạc, điện ảnh cũng thương quý vô cùng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lâu lâu mua được món gì ngon ngon là gọi điện thoại: "Tía ơi, con đem tới cho tía nghen!".
Bảo Quốc hề hề: "Thì hồi đó cả đoàn đi biểu diễn ở châu Âu, ở chung với nhau mấy tháng trời, gắn bó như một nhà. Tụi nhỏ thương tôi, cứ kêu tía ơi, tía ơi". Ngay cả mấy ông bầu sô cũng thương Bảo Quốc, nhất là "bầu tèo", vì ông không có bệnh ngôi sao. Thậm chí, với những đơn vị nghèo quá, đi vùng sâu vùng xa, ông bớt cát-sê hoặc cho luôn, hoặc tặng lại cho nghệ sĩ già. Ông bùi ngùi: "Biết lần sau mình còn gặp lại họ không!".
Chắc vì vậy mà ông được hưởng lộc trời và lộc nghề dài dài. Ông được mời sô liên tục dù ông không cần phải bươn chải kiếm sống. Và cũng vì cả nể mà ông cứ... ừ. Ông phân trần: "Chương trình dành cho người nghèo, họ cần mình xuất hiện để tạo lòng tin với khán giả, mình làm sao từ chối. Mà tôi lại thích những chương trình như vậy, cực cũng đi".
Ông nhớ trong chương trình Câu chuyện mơ ước của Đài truyền hình TP.HCM, có một ông cụ 89 tuổi, con trai và cháu nội quá nghèo, chỉ mơ một sạp trái cây bán đàng hoàng ngoài chợ. Thế là chương trình tặng họ một cái sạp cùng 50 triệu đồng làm vốn. Cả nhà khóc hu hu. Mà nhà của họ là cái chòi dựng tạm trong nghĩa trang, cả đoàn phim quay từ sáng tới chiều không nghĩ gì tới nắng nôi, cơm nước.
Sắp tới ông còn tham gia với sân khấu của Công ty Sài Gòn Phẳng, và Sân khấu Phú Nhuận cũng giao cho ông thêm mấy vở mới. Ông còn đóng 2 phim tết nữa. Nhưng thật ra đã từ chối bớt mấy phim rồi đó. Đúng là gừng càng già càng cay!
Bình luận (0)