VỚI BÙI GIÁNG. - Cứ mỗi cuối năm, tôi hay đến thăm gia đình học giả An Chi - Huệ Thiên. Nhà ông nằm chung một con hẻm cách nhà thi sĩ Bùi Giáng chưa đầy 100 m ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Một con hẻm nhỏ lại “ẩn tàng” hai nhân vật đặc biệt với hai cá tính gần trái ngược nhau: Một người ngang ngạnh, kỳ dị. Một người điềm tĩnh, hiền hòa.
Không chỉ là nhà thơ tài danh mà Bùi Giáng còn là trí giả uyên thâm. Còn An Chi là nhà nghiên cứu uyên bác, thích sáng tác thơ và câu đối. Họ rất quý trọng nhau. Con hẻm nhỏ của họ đón chào không ít trí thức, văn nghệ sĩ từ khắp nơi. Những lần đến thăm hai bậc lão làng, tôi hay nói đùa hai ông là hai “quái kiệt” làm “chật chội” một con hẻm vùng ngoại ô Sài Gòn xưa. Thi sĩ nhìn tôi trừng trừng như muốn mắng mỏ còn học giả thì tủm tỉm cười độ lượng.
Trước đây, nhà của hai ông đều tọa lạc trong hai khu vườn tương đối rộng, nhiều cây cối thoáng mát và yên tĩnh. Lúc đầu, vườn nhà An Chi nhìn sang con hẻm nhà Bùi Giáng. Về sau, do phân lô, nhà An Chi lui vào tận phía trong khu vườn và xây nhà mới; con hẻm nhà Bùi Giáng kéo dài sang nối nhà An Chi. Cả hai khu vườn giờ đã đổi thay rất nhiều, cảnh cũ phai dần, chỉ con hẻm vẫn còn đó. Kể từ khi Trung niên thi sĩ họ Bùi ra đi vào một chiều mưa tháng 10-1998 thì con hẻm này với tôi như mất đi một nửa “thần hồn”. Một nửa may mắn còn lại là học giả An Chi bây giờ đang tuổi bát tuần, sức khỏe dần suy yếu theo thời gian.
Nếu như Bùi Giáng rời quê hương xứ Quảng “nhập tịch” Sài Gòn thì An Chi là người Sài Gòn chính gốc, thuộc dòng họ Võ, tên khai sinh là Thiện Hoa. Sau 20 năm vượt tuyến tập kết ra Bắc, An Chi đã quay về quê cha đất tổ tiếp tục làm việc trong ngành giáo dục rồi về hưu non, “rong chơi miền chữ nghĩa”. Nghe danh Bùi Giáng lúc đất nước còn bị chia cắt, An Chi đâu ngờ có ngày là láng giềng của nhau. Cuối Đông chớm Xuân, ngồi trò chuyện chậm rãi với tôi, thi thoảng học giả An Chi đưa mắt trầm tư nhìn ra con hẻm như trông mong ai đó. Có thể người bạn thi sĩ đang hiện về múa may trong tâm trí ông...
“Tôi quý trọng Bùi Giáng nhưng không biết ông điên thật hay giả điên như nhiều người nói, kể cả người nhà. Có những đêm khuya cuối năm, trời trở lạnh, ông vẫn đi khắp xóm, la hét. Có khi ông còn nằm lăn ra đất trong đêm tối mà vùng vẫy. Nhưng lúc tỉnh thì ông rất minh mẫn. Có lần, Bùi Giáng nghiên cứu một văn bản chữ Hán trong đó có một chữ hiếm thấy, ông sang nhờ tôi tra giúp. Tôi tìm mãi không ra. Bùi Giáng bảo tôi đưa ông mượn “Khang Hy tự điển” đem về nhà. Và ông đã tra ra chữ đó. Nó không được xếp theo bộ như quan niệm thông thường” - học giả An Chi nhớ lại.
An Chi có bút hiệu đầu tiên là Huệ Thiên, vì thế được thi sĩ Bùi Giáng viết tặng 4 câu thơ:
“Một trời trí huệ thênh thang
Đi về bắt gặp thằng lang thang Bùi
Bỗng dưng vô tận ngậm ngùi
Từ đâu vô lượng lấp vùi nỗi đau”.
Học giả An Chi cười bảo: “Huệ Thiên chỉ là kết quả cách nói lái tên thật của tôi là Thiện Hoa nhưng Bùi Giáng đã biến nó thành “một trời trí huệ” khiến tôi sợ quá nên phải giải thích rằng đó chỉ là “vẻ tươi tốt của hoa huệ” mà chữ Hán là 蕙芊”.
Sau khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, học giả An Chi xúc động làm bài thơ “Nhớ người láng giềng Bùi Giáng” vào ngày 9-10-1998 để tiễn đưa:
“Trả rồi kiếp nợ rong rêu
Bập bều giữa chốn phập phều trần gian
Người đi về cõi tiên san
Lòng còn đau nỗi trần gian phập phều”.
CÒN SỨC LÀ CÒN YÊU CHỮ NGHĨA. - Võ Thiện Hoa là học sinh kháng chiến không thuộc diện được đi tập kết sau Hiệp định Genève (1954) nhưng ông đã quyết định vượt tuyến ra Hải Phòng. Thời kỳ đầu, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào và Nhà máy chè Phú Thọ, rồi học Trường Sư phạm Trung cấp trung ương, ra trường về dạy học cấp 2 ở Thái Bình. Từ năm 1966 đến năm 1975, ông trải qua nhiều công việc khác nhau như làm tạp vụ nhà văn, thợ nguội, thợ tiện, phụ trách thư viện Trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo.
Nhờ nghị lực vượt khó và niềm đam mê chữ nghĩa mà Võ Thiện Hoa sau khi về hưu non đã chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, trở thành một học giả uy tín dù không có học vị, học hàm. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng sinh thời trong một bài viết về những trường hợp không có bằng cấp cao nhưng thực sự có tri thức và tài năng, người duy nhất được ông nêu tên làm điển hình là An Chi (Võ Thiện Hoa).
Khởi đầu bằng một số bài nghiên cứu về từ nguyên, lịch sử, văn học và đặc biệt là chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Huệ Thiên - An Chi dần được bạn đọc và giới chuyên môn cả nước biết đến bằng những kiến giải khoa học xác thực, chặt chẽ, mang tinh thần phản biện về nhiều vấn đề ngôn ngữ, văn hóa và đời sống mà từ lâu tưởng chừng bất di bất dịch.
An Chi có thói quen thức khuya, thường tới 3 giờ sáng để làm việc. Có khi, đang ngủ giữa chừng, chợt thức giấc, nhớ ra chuyện gì thì ông lại trở dậy mở máy làm việc. Lúc đang ăn cơm cũng vậy...
Dù không tránh được sai sót nhưng học giả An Chi đã thể hiện được bản lĩnh khi không ngại “va chạm” với nhiều “cây đa cây đề” thuộc giới học thuật trong việc phản biện nhằm đi tới tận cùng chân lý khoa học. Sau bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” gồm 6 tập và công trình nghiên cứu “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”, học giả An Chi vừa trình làng bộ sách “Rong chơi miền chữ nghĩa” gồm 3 tập đồ sộ do NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành vào quý IV/2016. Đây là tập hợp những bài viết, trả lời bạn đọc của ông trên một số báo và tạp chí gần 10 năm qua. Người đọc có thể tìm thấy trong bộ sách nhiều kiến giải sâu sắc và bổ ích về những vấn đề gần gũi, thiết thực. Ông còn sắp trình làng tập 7 của bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” và tái bản quyển “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”.
Một năm cũ của An Chi khép lại với niềm vui “Rong chơi miền chữ nghĩa”. Một năm mới đang mở ra với ông nhiều cảm hứng. Nhìn lại cuộc đời hơn 80 năm đầy thăng trầm, vị học giả đáng kính trải lòng trước lúc chia tay tôi, giọng bình thản và ấm áp lạ thường: “Tôi giải đáp chữ nghĩa chỉ là mua vui cho bạn đọc trong chốc lát. Nhưng hễ còn sống và còn sức thì còn... mua vui!”.
Tâm đầu, ý hợp với Cao Xuân Hạo
Nhà ngữ học “đàn anh” Cao Xuân Hạo luôn dành cho An Chi tình cảm yêu quý. Sinh thời, ông kể: “Lần nọ, tôi đi photocopy một bài mà tôi viết chung với An Chi. Khi nhìn thấy tên tôi đặt cạnh tên An Chi, người thợ đứng máy ngạc nhiên hỏi: “Chú quen cả đến cụ An Chi?”. Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại…”.
Học giả An Chi cũng rất mực nể trọng Cao Xuân Hạo. Hai người khá tâm đầu ý hợp trong đời thường cũng như trong học thuật. Nhớ về bậc thầy họ Cao, học giả An Chi nhận xét: “Với tôi, Cao Xuân Hạo là người đứng đầu của lĩnh vực Việt ngữ học nửa sau thế kỷ XX, đầu XXI. Vào dịp mừng thọ ông lần cuối cùng, tôi đã tặng ông bức khánh với hai vế đối ngắn bằng chữ Hán, mỗi vế 4 chữ: Ngữ học siêu quần - Văn khoa bạt tụy. Ở Cao Xuân Hạo, tôi đã nhìn thấy một lòng yêu quý tiếng Việt cực kỳ sâu sắc, đậm đà. Không bao giờ đề cập đến tiếng Việt mà ông lại không say sưa, sôi nổi”.
Bình luận (0)