Theo lời của Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, chị Thúy Mùi, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã có công rất lớn đối với nghệ thuật chèo từ mấy chục năm nay và chính vì mối duyên ấy mà ông không từ chối nhà hát dù luôn nhận được những lời mời hấp dẫn ở khắp mọi nơi.
Thực ra, hình tượng Nguyễn Trãi không quá xa lạ trên sân khấu truyền thống, thế nhưng với Oan khuất cuộc đời, các nghệ sĩ muốn vở diễn mang nhiều kịch tính hơn, đồng thời xoáy sâu vào tâm trạng yêu nước thương dân của người anh hùng khi bất lực trước các mưu mô và phải chịu cái chết oan uổng.
Vở diễn mở đầu với nỗi trăn trở của Nguyễn Trãi khi đức vua nghe lời xu nịnh, bỏ mặc những giá trị văn hóa của dân tộc mà vui thú với những thói ăn chơi, hưởng lạc tầm thường. Nhưng điều quan trọng hơn, chính sự thiếu bản lĩnh của đức vua đã khiến lòng tham của hoàng hậu trở nên thật đáng sợ. Vì mê nhan sắc và những lời đường mật của bà, đức vua không ngại ngần để Nguyễn Trãi từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Vô cùng đau đớn trước sự thay đổi của người đang ngồi trên ngôi báu và những chuyện trớ trêu diễn ra trong triều, Nguyễn Trãi từ bỏ quan trường mà trong lòng vẫn còn canh cánh nỗi lo.
![]() Nghệ sĩ Quốc Anh trong vai Nguyễn Trãi |
Nguyễn Trãi và vợ về sống cuộc sống yên lành, trong tình cảm chân thành của những nông dân nhưng vẫn một lòng hướng về kinh đô, lo vận nước. Trong khi đó, hoàng hậu chỉ muốn giết hại Nguyễn Trãi và thực chất việc để ông về ở ẩn chỉ là nước cờ đầu tiên trong sự toan tính nham hiểm của bà. Chưa hết, hoàng hậu vẫn quyết tìm giết vương phi Ngọc Giao vì lo sợ ngai vàng sẽ thuộc về đứa con trong bụng Ngọc Giao.
Bi kịch xảy ra khi đức vua bất ngờ xuất hiện tại Côn Sơn, yêu cầu Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ về triều giúp mình lo việc nước. Vua đưa Nguyễn Thị Lộ về trước với ý định “làm con tin”, buộc Nguyễn Trãi phải theo. Trên đường về, vua muốn người con gái đẹp người đẹp nết phải chiều theo ý mình nhưng vợ hiền của Nguyễn Trãi quyết chung thủy với chồng. Trong lúc thuyết phục Thị Lộ, vua cao hứng uống rượu, rồi bất ngờ ngã xuống và lịm đi. Thị Lộ bị khép vào tội âm mưu với chồng giết vua.
Đảm nhận nhân vật Nguyễn Trãi, không ai xa lạ, chính là nghệ sĩ Quốc Anh, gương mặt quen thuộc với khán giả qua các vai diễn hài. Nhiều người nghi ngờ khả năng diễn xuất của Quốc Anh khi lột tả tâm trạng phức tạp và nhân cách hơn người của Nguyễn Trãi nhưng họ quên rằng trên chiếu chèo đích thực, diễn viên khác xa với những tiểu phẩm “cười vỡ bụng” được tung ra mỗi dịp tết.
Bản thân Quốc Anh phải chịu áp lực không ít khi được đạo diễn Doãn Hoàng Giang “chọn mặt gửi vàng” để trở thành linh hồn của tác phẩm. Và anh đã chứng tỏ niềm tin của các đồng nghiệp là đúng. Với ngoại hình sáng sân khấu, giọng ca khỏe, Quốc Anh thể hiện hình ảnh Nguyễn Trãi có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Cảnh nhân vật chính vui vẻ tươi cười giữa đám đông dân chúng mà không khỏi chạnh lòng trước vận nước, cảnh Nguyễn Trãi trước khi ra pháp trường, đau đớn trước cái chết vô tội của những đứa trẻ được anh thể hiện xúc động mà không quá bi lụy. Đặc biệt, cảnh Nguyễn Trãi uống hết chín vò rượu của dân làng gửi tặng vừa thể hiện tình yêu bao la với non sông, đất nước, con người, đồng thời ôm mối oan khuất xuống vĩnh hằng được Quốc Anh diễn khá “đắt”. Đây là một trong những cảnh ấn tượng nhất vở diễn.
Oan khuất cuộc đời còn có sự tham gia của nhà thiết kế Sĩ Hoàng trong phần trang phục với đầu tư trên 300 triệu đồng. Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ công diễn vở này tại Nhà hát Lớn tối 18 và 19-3.
Bình luận (0)