Đã có người ví von xem một vở kịch trên sân khấu như nhìn thấy phía trước của một người đẹp, còn đọc kịch bản như nhìn thấy phía sau của người đẹp. Vừa đọc vừa xem một vở kịch sẽ có cái nhìn toàn diện hơn. Đọc kịch bản Bí mật vườn Lệ Chi, chúng ta sẽ có thời gian suy ngẫm kỹ hơn câu nói của Nguyễn Thị Lộ: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị ám hại vì lẽ phải đó, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi là thiên chức của con người” (trang 87). Và chúng ta dễ dàng đồng ý với nhận xét của tiến sĩ văn học Trần Trọng Đăng Đàn: “Điểm son rất đáng ghi vào thành tích của nhà viết kịch đề tài lịch sử Hoàng Hữu Đản là ông đã tạo được cho mình sự nhuần nhuyễn cần phải có giữa tư duy hình tượng của một nghệ sĩ và tư duy logic của một nhà khoa học trong quá trình sáng tác” (trang 139).
Kịch là một tác phẩm văn học. Trên thế giới đã có nhiều kịch tác gia đoạt giải Nobel văn học: Pirandello, Samuel Beckett... Nhiều nhà văn đoạt giải Nobel cũng viết kịch: Jean Paul Sartre, Alber Camus, Cao Hành Kiện... Ở Việt Nam nhiều vở kịch hay cũng đã in thành sách như kịch của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ...
Trong lần xuất bản này, tác giả Hoàng Hữu Đản đã dịch Bí mật vườn Lệ Chi sang tiếng Pháp và được ông Nicolas Warnery - Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM, viết lời tựa: “Ông đã nêu cho chúng ta một bài học sáng ngời về kỹ năng sáng tác”.
Bình luận (0)