Theo công bố mới đây của Imuzik (dịch vụ âm nhạc trên điện thoại Viettel), 5 ca sĩ được công chúng yêu thích nhất (thể hiện qua số lượt những ca khúc của họ thể hiện được tải về nhiều nhất) trong năm 2009 là Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Bảo Thy, Thủy Tiên và Phan Đinh Tùng.
Trong đó, danh sách 5 ca khúc được tải về nhiều nhất trong năm 2009 là Tình yêu và giọt nước mắt (do ca sĩ Uyên Trang thể hiện), với hơn 1,9 triệu lượt tải về; Chiếc khăn gió ấm (Khánh Phương thể hiện), với 1,7 triệu lượt tải về; Dằm trong tim (Bảo Thy thể hiện), với 1,05 triệu lượt tải về; Mùa đông không lạnh (Akira Phan thể hiện), với 1,03 triệu lượt tải về và Con đường mưa (Cao Thái Sơn thể hiện), với 975.000 lượt tải về.
Bế tắc
Nhìn vào danh sách này, không khó để thấy rằng những sáng tác của nhạc sĩ trẻ đang chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường âm nhạc hiện nay, nơi mà khán thính giả tuổi teen đang được xem là thượng đế.
Không bàn về chất lượng chuyên môn của các ca khúc, năm 2009, ít nhất vẫn có những ca khúc ăn khách trên thị trường âm nhạc, dẫu tuổi thọ của chúng thường khá ngắn.
Trong khi đó, năm 2010 đã đi hết nửa đường nhưng vẫn chưa có bài hát nào thật sự nổi bật, ít nhất là về mặt dư luận để có thể trở thành ca khúc ăn khách trên thị trường âm nhạc. Những tác giả trẻ, dù đã có những ca khúc được thừa nhận về chuyên môn nhưng những sáng tác mới của họ vẫn không có sự khác biệt.
Minh chứng rõ nét là Nguyễn Văn Chung, với những bản tình ca vẫn nhẹ nhàng và rất an toàn khi bước ra thị trường, không khác mấy so với Chiếc khăn gió ấm của anh năm trước. Sự thay đổi có chăng là dừng lại ở chủ đề sáng tác là chính.
Những sáng tác của Nguyễn Hồng Thuận cũng vậy, vẫn đều đều và cùng màu sắc âm nhạc với nhiều ca khúc trước đây của anh.
Bảo Thy là một trong những ca sĩ được tải nhạc nhiều nhất trong năm 2009
Trong khi đó, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Dân..., những tác giả hứa hẹn có nhiều sáng tạo trong cấu trúc ca khúc, lại khá thận trọng trong sáng tác. Ca khúc của họ ra đời chỉ nhỏ giọt, có khi cả năm không có bài mới nào.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ: “Có khi cầm trong tay cả trăm ca khúc mới nhưng để tìm được 10 ca khúc cho một album không phải là chuyện dễ dàng”.
Sáng tác theo công nghệ
Tất nhiên, không có chuyện các nhạc sĩ không còn mặn mà với sáng tác mà ngược lại, một lượng lớn tác giả trẻ rất năng nổ với công việc dễ thu lợi này (một ca khúc độc quyền có giá bình quân từ 7 triệu đến 10 triệu đồng đối với những người sáng tác chưa mấy tên tuổi).
Bỏ nhiều tiền vẫn không có
Ca sĩ chấp nhận bỏ khoản tiền lớn để mua độc quyền một ca khúc hay nhưng không dễ. Nhóm Mặt Trời Mới cho biết có nhạc sĩ đòi 25 triệu đồng cho một ca khúc hoàn chỉnh. Nhóm chấp nhận mua nhưng bẵng đi thời gian rất lâu, ca khúc không thấy mà nhạc sĩ cũng mất tăm.
Để chắc ăn, nhiều ca sĩ sẵn sàng trả tiền trước để giữ chân nhạc sĩ nhưng có khi đến 3 năm sau, ca khúc vẫn chưa ra đời và nhạc sĩ thì quên hẳn chuyện đã nhận trước tiền công. |
Thậm chí, đây chính là lực lượng sáng tác chính cung cấp cho thị trường những ca khúc hợp thời, theo đúng xu hướng đang được công chúng của thị trường âm nhạc thế giới yêu thích.
Thế nhưng, do “quen với cách chế biến thức ăn nhanh, các tác giả trẻ chỉ có cách duy nhất là lên mạng, tìm kiếm một đoạn giai điệu ưng ý, sau đó phát triển thành một ca khúc hoàn chỉnh. Đây gần như là công thức chung của hầu hết các nhạc sĩ hiện nay” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.
Điều này rất dễ xảy ra, bởi khi sự bắt chước không vượt quá 30% thì ca khúc đó được coi là chịu ảnh hưởng chứ không bị quy kết “sao chép”. Đây chính là lý do vì sao làng nhạc Việt ngày càng xuất hiện nhiều tác giả trẻ, dù có người chưa từng qua trường lớp nhạc nào.
Vấn đề ở chỗ, vì sáng tác tay ngang nên việc tạo sức bật cho ca khúc là một điều nan giải. Đó là chưa kể phần đông cây bút trẻ cố tình ăn mòn hiệu ứng cũ. Nếu một ca khúc nào đó được để ý, tự khắc hàng loạt ca khúc ra đời sau đó có hình thức âm nhạc na ná. Nhiều tác giả trẻ thừa nhận: “Đây cũng chính là yêu cầu của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay khi đặt hàng”.
Bình luận (0)