Khi các cuộc tranh tài ca hát diễn ra liên tục, thậm chí đụng nhau về thời gian thì nguồn nhân lực trở nên cạn kiệt, không đáp ứng đủ. Sự càn quét thí sinh của các chương trình thi hát truyền hình thực tế như hiện nay đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn thí sinh, kể cả thí sinh tiềm năng. Không có thí sinh, các đơn vị sản xuất vận động đội ngũ ca sĩ chuyên nghiệp tham gia.
Không kịp lớn để đi thi
Hơn chục chương trình thi hát trên truyền hình mỗi năm đòi hỏi cần có một lượng thí sinh lên đến hàng ngàn. Vậy lấy đâu ra thí sinh có khả năng để tham gia chương trình? Giới chuyên môn còn nói đùa: “Thí sinh không kịp lớn để đi thi”. Thực tế, việc một thí sinh vừa rớt ở cuộc thi này lại thấy xuất hiện ở cuộc thi khác không còn lạ. Vì vậy, một đối tượng thí sinh khác được nhắm đến chính là ca sĩ.
Ở The X Factor - Nhân tố bí ẩn, sẽ lên sóng VTV3 vào ngày 30-3 tới, công chúng sẽ gặp những gương mặt quen thuộc trên nhiều sân khấu ca nhạc, như: Pha Lê, Trọng Khương, Phương Ly… Trong cuộc thi Tuyệt đỉnh tranh tài chuẩn bị lên sóng vào cuối tháng 4 là cuộc đua gay cấn của những giọng ca quá quen: Minh Thư, Trà My, Ưng Hoàng Phúc, Đức Tuấn, Phạm Anh Khoa, Phương Vy, Trang Nhung, Phạm Thu Hà, Kim, Hoàng Hải... Họ đều là những ca sĩ đã từng tạo ấn tượng ở một vài cuộc thi, ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc, thậm chí được tôn vinh ở một giải thưởng âm nhạc và bây giờ, họ quay về với vị trí của một thí sinh. Trước đó, công chúng cũng bắt gặp nhiều thí sinh là ca sĩ trong các phòng trà, quán bar… trong các cuộc thi như Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Tôi là người chiến thắng…
Tự nguyện tham gia hay được ban tổ chức mời đích danh tham gia cũng là cách để họ làm mới hình ảnh của mình và tìm cho mình một cơ hội tỏa sáng thực sự. Tất nhiên, ai cũng có quyền khát khao và hy vọng nhưng có vẻ mong muốn tỏa sáng ấy là điều viển vông. Đơn giản là vì nếu họ thực sự có tài năng vượt trội thì công chúng hẳn đã nhận ra từ lâu và họ đã tỏa sáng ngay cả khi không cần tham gia bất kỳ cuộc thi nào.
Điều đáng lo ngại và thực tế cũng đã diễn ra là cuộc tranh tài của các thí sinh ca sĩ luôn căng thẳng hơn rất nhiều so với những cuộc tranh tài bình thường khác. Dù cũng chẳng phải ngôi sao hàng đầu nhưng lối ứng xử của thí sinh ca sĩ luôn như những ngôi sao hạng nhất. Trong một cuộc thi, thắng thua là chuyện bình thường nhưng các thí sinh ca sĩ thì không ai chịu thua ai. Cứ mỗi lần một ca sĩ thua là xuất hiện những tố cáo hằn học, những chỉ trích, nói xấu nhau... làm mất hình ảnh chung của giới ca sĩ.
Trông chờ gì ở truyền hình thực tế?
Trong những thập niên trước đây, khi chưa có những cuộc thi hát rầm rộ trên chương trình truyền hình thực tế, làng ca nhạc Việt vẫn xuất hiện nhiều ca sĩ làm nên tên tuổi và có vị trí lâu bền trong lòng công chúng. Thế nhưng, từ khi các chương trình truyền hình thực tế thi hát diễn ra dày đặc trên sóng truyền hình, lực lượng ca sĩ bước vào thị trường ca nhạc từ những cuộc thi này có được vị trí chỉ vài ba người. Các cuộc thi hát trên truyền hình hiện nay đều mang danh nghĩa tìm kiếm tài năng âm nhạc nhưng thí sinh còn không có thì tài năng ở đâu ra (?). Những người có khả năng ca hát không còn nghĩ đến việc thi vào các trường nhạc mà chỉ nghĩ đến “gặt lúa non” ở các cuộc thi hát truyền hình nên ít người có khả năng tiến xa hơn sau khi rời cuộc thi. Những thí sinh là quán quân cũng không màng đến việc phải học cao hơn ngay cả khi có điều kiện. Tất cả đều lao vào vòng xoáy tìm kiếm danh vọng, tiền bạc một cách nhanh chóng.
Thành công của cuộc thi The voice kids - Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên là đã tìm kiếm những nhân tài trẻ: Nguyễn Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy, Thu Hà, Phúc Nguyên, Hồng Khanh, Cao Khánh, Hồ Văn Phong, Linh Lan… Nhưng như bất kỳ cuộc thi khác, The voice kids - Giọng hát Việt nhí cũng chỉ là một cuộc chơi. Các đơn vị đào tạo không mặn mà với tài năng nhí khi họ sẽ phải đối mặt với khoản đầu tư nhiều rủi ro do thời gian chờ khai thác quá dài. Trong khi đó, một vài giọng ca nhí nổi bật trong số các em vừa bước ra cuộc thi lại bị các nhà tổ chức biểu diễn “bào” một cách triệt để với mục đích duy nhất là “kiếm tiền thật nhiều khi còn có thể”.
Nhân tài phải được đào tạo
“Phải học rất nhiều thì mới thành tài được” - nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khẳng định. Đó là lý do Hồ Hoài Anh rất mong muốn giúp một số em trong chương trình Giọng hát Việt nhí theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nơi anh đang giảng dạy. Tuy nhiên, cho đến nay, mong muốn của Hồ Hoài Anh mới chỉ dừng lại trong suy nghĩ.
Trong khi đó, ca sĩ Thanh Bùi đã biến chúng thành hiện thực. Trường Đào tạo âm nhạc Soul Academy của Thanh Bùi tiếp nhận những đứa trẻ trong đội của anh ở Giọng hát Việt nhí để đào tạo miễn phí tại trường vào 2 ngày cuối tuần. Các bé được học hát, luyện thanh, nhạc cụ, nhạc lý, biểu diễn và cả vũ đạo. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là việc Thanh Bùi đưa Ngọc Duy từ Hà Nội vào TP HCM sinh sống để tiện cho việc đào tạo cậu bé này. Anh quan niệm: “Dù các bé có tài năng thiên phú nhưng nếu không được đào tạo bằng kỹ thuật bài bản, tài năng sẵn có ấy cũng sẽ bị lu mờ. Hãy nhìn vào các tài năng nhí trên thế giới, tất cả họ đều phải dành thời gian rất nhiều để học”. Đó chính là lý do những học trò của Thanh Bùi đều không đi biểu diễn khi Giọng hát Việt nhí kết thúc. Thậm chí, những lời mời ghi âm, biểu diễn của Ngọc Duy đều bị từ chối bởi lý do “cậu bé phải tập trung học văn hóa và học hát. “Có lẽ 4, 5 năm sau, Duy mới xuất hiện một cách chính thức” - Thanh Bùi nói.
Bình luận (0)