Thực ra, đường từ xóm cồn Chiêm dẫn về thị trấn chỉ vài chục cây số, Ty có thể đi xe đạp về trong ngày cũng được. Nhưng ba mẹ Ty ngại đường dài mưa nắng ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của con nên gửi nó ở trọ nhà một người quen ở phố huyện. Suốt năm học rồi mà Ty xem ra vẫn chưa thích nghi cảnh thị trấn. Hễ đi học thì thôi chứ về nhà trọ là nó lại vẫn cái cảm giác lẻ loi một mình. Những lúc như thế, thằng Ty thấy nhớ lũ bạn xóm cồn Chiêm da diết, nhớ cả cái cồn cát trắng mênh mông cùng với cánh rừng dương suốt đêm ngày không cạn tiếng vi vu.
Sinh ra từ cát. Ăn ở, nô đùa với cát. Nào xây nhà, đào giếng, đánh trận giả... Cát trắng tràn ngập trong con mắt tuổi thơ. Cho đến bây giờ sắp năm cuối bậc trung học rồi vậy mà hễ ngày cuối tuần về hò reo chạy nhảy trên cồn cát với bọn trẻ cùng xóm là thằng Ty lại nguyên vẹn thằng Ty ngày xưa. Có những lần trăng khuya, hát ca chạy nhảy mệt nhoài rồi, Ty và đám bạn nằm lăn trên cát ngủ ngon lành. Chúng thân thiết với cát đến như thế nên chẳng lạ gì khi nghe người lớn bảo: “Cồn Chiêm mà vắng bọn trẻ đôi ba bữa thì cả cái cồn cát trắng trở thành xám ngắt, trông u buồn như những năm mất mùa”. Lũ trẻ bạn thằng Ty, tất tật thằng Hưng, thằng Hòe, con Hiệp đứa nào cũng quả quyết trăm phần trăm như thế. Nhưng thằng Ty kể từ ngày lên học trường huyện còn hơn thế nữa. Nào phải nó nhớ cát không đâu mà còn nhớ bọn trẻ con xóm cồn, nhớ thằng Hòe, thằng Hưng. Và nhất là nhớ... con Hiệp. Mỗi lần ngồi tư lự nhớ mông lung, đến lúc con Hiệp xuất hiện trong trí nhớ là thằng Ty thấy dị. Da mặt đỏ ra, nó có cảm giác như bị ai đó, con mắt nào đó soi mói nhìn thấu gan ruột mình.
Ai cũng biết bọn trẻ xóm cồn Chiêm là những cây văn nghệ thuộc “hàng sao” ở làng. Đã bao lần thi đua văn nghệ vào các dịp Tết Trung thu hay ngày Quốc tế Thiếu nhi là bọn trẻ xóm cồn Chiêm đều giật giải thưởng hàng đầu. Có lần thi đua, đêm biểu diễn sắp đến nơi rồi thì bất ngờ con Hiệp ngã ra cảm sốt. Thà thiếu một giọng nam thì còn hú họa nhưng ác một nỗi lại thiếu con Hiệp. Thằng Ty vò đầu bứt tóc. Thằng Hưng đi tới đi lui quay quắt. Thằng Hòe càm ràm luôn miệng: “Lần này thua là cái chắc”. Vừa lớn tuổi nhất bọn lại vừa làm đội trưởng, thằng Ty liều mạng chạy đến nhà con Hiệp cầu cứu: “Mi ráng đi có được không?”. Con Hiệp bảo: “Hiệp còn mệt lắm”. Ty nói: “Tau sẽ cõng mi tới tận sân khấu”. Hiệp ngượng đỏ mặt, bảo: “Tụi nó cắp đôi chết”. Thường ngày thằng Ty vốn sợ con Hiệp giận dỗi, vậy mà lần này nghe con Hiệp nói, nó nổi nóng đùng đùng: “Cắp đôi cái chi, tiết mục này mà bỏ là từ đây về sau bỏ luôn, không văn nghệ văn gừng chi nữa”. Thấy thằng Ty sửng cồ, con Hiệp gật đầu lia lịa: “Ừ, ừ”, rồi len lén trốn nhà ra ngõ phía sau vườn cho thằng Ty cõng chạy lên sân bãi. Trăng thu sáng vằng vặc. Thằng Ty cõng con Hiệp mà như cõng... cục đất. Nó đi như chạy, băng qua cồn cát, băng qua con đường rợp bóng hàng dương dọc theo bờ sông lấp.
Con Hiệp hai tay ôm chặt cổ thằng Ty, không hiểu vì run hay vì xấu hổ mà nó cứ tụt xuống hoài. Mỗi lần như vậy, thằng Ty phải dừng lại rồi lấy đà hất ngược con Hiệp thót lên lưng. Có lúc mệt hụt hơi, nó cằn nhằn: “Mi ngồi trên lưng tụt hoài ri, kiểu ni trễ giờ mất còn thi đua với ai được”. Rồi hai đứa cũng kịp đến nơi. Bọn thằng Hòe, thằng Hưng ngồi đợi từ bao giờ, cả hai thấy thằng Ty cõng con Hiệp miệng phì phò thở, chúng nó vỗ tay reo lên như vỡ tung sân bãi.
Đêm thi đua văn nghệ trung thu lần ấy, bọn trẻ xóm cồn Chiêm lại mang về giải thưởng hàng đầu. Cũng từ đó, qua hai cái miệng như cái loa của thằng Hưng và thằng Hòe, bọn con nít xóm cồn mỗi khi gặp thằng Ty - con Hiệp ở bất cứ đâu là chúng nó nhao nhao cả lên lêu lêu cắp đôi hai đứa. Thoạt đầu, thằng Ty và con Hiệp còn rượt đuổi ngăm nghe, rồi dần hồi thấy quen quen, vui vui. Nhất là thằng Ty, hình như từ đó nó biết nhớ. Một nỗi nhớ không tên không tuổi, chả rõ thứ gì. Chỉ có điều Ty nhận ra rằng nếu con Hiệp vì lý do nào đó, về quê ngoại chẳng hạn, phải vắng xóm cồn đôi ba bữa, thì đúng là những ngày ấy cát trắng trên cồn Chiêm buồn buồn một màu xám ngắt.
Cũng chính năm ấy, thằng Ty chuyển lên học trường huyện. Đêm trước ngày nó đi, bọn trẻ rủ nhau ra cồn cát đốt lửa trại, ca hát tưng bừng để tiễn. Trong ý nghĩ của từng đứa, làm như thằng Ty đi tới tận đâu đâu cuối chân trời. Thằng Ty chẳng hát nổi bài nào, nó ngồi rưng rưng nhìn ánh lửa bập bùng, tự dưng nói như ông già: “Hình như khi mình càng lớn lên thì quê quán lại xa dần”. Bọn trẻ chả hiểu thằng Ty nói gì. Tất cả ngồi thẫn người ra, đứa nào mắt cũng ngân ngấn ướt ánh lên màu ngọn lửa cháy hồng hào. Chính khoảnh khắc ấy, bàn tay cả bọn tự lúc nào nắm chặt vào nhau. Con Hiệp cầm tay thằng Ty dung dăng dung dẻ nói cười: “Thôi đừng đứa mô lớn hết, cứ nhỏ miết như ri là đẹp nhất”. Chả biết lời con Hiệp khích lệ nhường nào mà bầu không khí sôi nổi hẳn lên, tất cả rạp ràng cái bài đồng dao muôn thuở: Ông giẳng ông giăng/ ông giẳng búi tóc/ ông khóc ông cười/ mười ông một cổ...
Thằng Ty không lỗi hẹn đêm trung thu cùng bọn trẻ. Nó còn mang về cả túi bánh kẹo mua ở thị trấn. Vừa chiều tối về tới xóm cồn là nó ơi ới gọi thằng Hòe, thằng Hưng, con Hiệp, gọi cả bọn con nít chạy ra xếp vòng tròn trên cồn cát. Ty mở gói bánh kẹo chia đều cho từng đứa. Nó nghĩ bụng như mọi lần, bọn trẻ vừa ăn kẹo bánh vừa khởi đầu văn nghệ vang lừng Ông giẳng ông giăng... Nhưng, không riêng thằng Ty mà tất cả đều bất ngờ. Con Hiệp đã đứng lên bước vòng tròn, múa trên cát. Bàn tay xinh xắn múa tới đâu là cát từ những ngón tay trắng muốt tuôn xuống tới đó. Ánh trăng rằm từ phía rừng dương soi chênh chếch in bóng con Hiệp uyển chuyển trên cát. Thằng Hòe, thằng Hưng nhìn theo ngơ ngác. Chính lúc đó, giọng hát con Hiệp mơ hồ như tiếng gió: Cát trắng thơm tho lùa vào trong nắm tay/ nào ngờ cát úa tuôn ra... Thằng Ty nhớ cô chủ nhiệm lớp nó đã hát bài này nghe hay đến phát khóc, cũng trong một lần vào thu. Thế mà bây giờ, con Hiệp cũng hát bài ca ấy, mà lại hát hay chẳng thua gì cô chủ nhiệm. Phút giây ấy nó cũng chẳng hiểu tiếng của chính nó nói mà như mê sảng: “Hiệp lớn bao giờ mà mình chẳng hay!”.
Cả bọn trẻ ngồi im phăng phắc, không một tiếng động, chỉ còn mỗi tiếng gió rừng dương lao xao như đồng ca với con Hiệp: Ân tình trong lúc đôi mươi/ bao giờ cũng vẫn mau phai/ cho ngàn thông réo tên ai...!
Bình luận (0)