Sau thành công về mặt doanh thu của “Yêu”, “Em là bà nội của anh”, các dự án phim điện ảnh Việt hóa khác lần lượt xuất hiện. Trong đó, phim mới nhất “Bạn gái tôi là sếp” (đạo diễn: Hàm Trần), làm lại phim Thái Lan “ATM: Lỗi tình yêu”, sắp ra mắt khán giả.
“Bí” kịch bản hay?
Tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng đã tiết lộ về dự án Việt hóa phim điện ảnh Hàn Quốc “Sắc đẹp ngàn cân” của mình.
Nhiều người trong giới nhận định việc có nhiều dự án phim làm lại như hiện nay là do “bí” kịch bản hay. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, thừa nhận: “Đúng là chúng tôi chọn phương án remake những phim ăn khách của nước ngoài vì thiếu kịch bản hay. Chúng tôi bắt tay vào dự án ban đầu là phim remake nhưng trong quá trình Việt hóa đã thay đổi đến 90% kịch bản gốc và cuối cùng biến nó thành một kịch bản Việt. Vì vậy, dự án này từ remake chuyển thành hợp tác và may mắn là phía đối tác Hàn Quốc vẫn ủng hộ như lúc đầu”.
Ông Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, nhận định việc có nhiều dự án phim làm lại cho thấy các nhà sản xuất đã bắt đầu đánh giá cao sự quan trọng của kịch bản so với các yếu tố ngôi sao. Tuy nhiên, điều đó cũng lộ rõ mặt yếu của điện ảnh Việt khi lực lượng biên kịch không đáp ứng được yêu cầu của sự thay đổi và tiến bộ. Đa số phim thuần Việt gần đây đều có những kịch bản bình thường, không có tính đột phá, không có ý tưởng sáng tạo.
“Ngoài những bộ phim chuyển thể kịch bản chính thức có mua bản quyền còn có những bộ phim vay mượn kịch bản nước ngoài, thay đổi, “thêm mắm, dặm muối” để phù hợp với văn hóa Việt Nam, như: “49 ngày” - phim “Hello ghost”, “Nắng” - “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” và “Gái già lắm chiêu” - “Not Suitable for Children” năm 2012 của Úc. Hầu hết những bộ phim này đều thành công về doanh thu mà không tốn 1 đồng bản quyền chuyển nhượng kịch bản” - ông Phi Long cho biết.
Theo đạo diễn Việt Bảo, làm tác phẩm thuần Việt vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, do biên kịch chuyên nghiệp hiếm mà tay ngang lại nhiều; kịch bản hay không đủ nhu cầu, đa số kịch bản có mô-típ cứ lặp đi lặp lại khiến khán giả ngán nên để tạo sự khác biệt, nhà sản xuất chọn lựa giải pháp Việt hóa, nỗ lực làm sao cho có chất của người Việt nhưng thường không dễ dàng.
“Chơi dao hai lưỡi”
Phim truyền hình Việt Nam cũng từng bùng nổ phong trào làm lại những phim ăn khách của Hàn Quốc, Thái Lan, Colombia, như: “Cô gái xấu xí”, “Vòng xoáy tình yêu”, “Dù gió có thổi”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Người mẫu”, “Lối sống sai lầm”, “Đam mê nghiệt ngã”... Các phim này đều không tạo được dấu ấn so với bản gốc nên dễ bị quên lãng, kéo theo sự nguội lạnh của dòng phim truyền hình Việt hóa.
Điều đó cho thấy dù phim có sẵn kịch bản kết cấu tốt nhưng nếu biên kịch không đủ khả năng để chuyển thể hay làm mới một cách sáng tạo, đạo diễn không giỏi và diễn viên đóng kém thì sẽ phải chịu thất bại. Ngày nay, khi công nghệ đã phát triển, khán giả dễ dàng xem được bản gốc các phim nổi tiếng này nên sự so sánh, đánh giá mức độ hay, dở càng chi tiết, gay gắt hơn.
Theo đạo diễn Hạnh Nhân, ngoài yếu tố kịch bản khan hiếm, trào lưu phim remake của điện ảnh Việt đang phát triển còn do lợi nhuận thúc đẩy. Khi thấy phim làm lại “Yêu”, “Em là bà nội của anh” ăn khách, các nhà đầu tư vội tìm kiếm tác phẩm để remake, mạo hiểm “chơi dao hai lưỡi”. Họ cũng biết rõ những thách thức khi làm phim Việt hóa nhưng vẫn muốn thử với hy vọng thành công.
“Tôi nghĩ chọn phương án làm lại phim ăn khách của các nước không có gì sai, quan trọng là mình Việt hóa như thế nào, không đơn giản chỉ sao chép lại” - Trương Ngọc Ánh bày tỏ. Nhà sản xuất kiêm diễn viên này cho biết phim được chọn Việt hóa đa phần đều nổi tiếng, độ hay của kịch bản gốc đã được minh chứng bằng doanh thu khi ra rạp. Tuy nhiên, kịch bản Việt hóa phải thuần Việt mới đủ sức chinh phục khán giả, không thể sao chép y hệt kịch bản nước ngoài vốn xa lạ với văn hóa Việt. Nếu không làm tốt được việc này, khả năng thất bại là rất cao.
Không ít phim nếm mùi thất bại
Phim remake là dòng phim quen thuộc với điện ảnh quốc tế. Hollywood cũng có vô số phim làm lại từ các tác phẩm kinh điển hoặc mua bản quyền nước khác.
Người trong giới nhận định phim remake là giải pháp cho những lúc thiếu ý tưởng sáng tạo nhưng cũng là thách thức của đội ngũ thực hiện. Phim remake có thể đưa biên kịch, đạo diễn lên hàng sao nhưng cũng có thể hạ họ xuống vực thẳm nếu không làm tốt. Đạo diễn Gus Van Sant từng vang danh với phim “Good will hunting” nhưng lại thất bại thảm hại khi làm lại phim “Psycho” của Hitchcock theo phong cách bê nguyên bản gốc. Phim “Mean girls” được đạo diễn Melanie Mayron làm lại bị chê nhiều từ nội dung đến diễn viên. Những phim: “Total Recall”, “Clash of the Titans”, “Ben-Hur”... gây thất vọng khi được làm lại, không vượt được bản gốc kinh điển.
Hollywood cũng từng mua bản quyền phim đình đám của châu Á để làm lại nhưng chỉ một số ít thành công, như: “The Ring” - từ phim kinh dị “Ring” của Nhật Bản, “The Departed” - từ phim “Vô gian đạo”... Còn các phim như: “My Sassy girl” - làm lại từ phim Hàn Quốc “Cô nàng ngổ ngáo”, “Bangkok dangerous” - từ phim cùng tên của Thái Lan... đều nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Bình luận (0)