Nhân dịp này gia đình đã xuất bản quyển sách thứ 5 của ông mang tên “Về thăm quê ngoại” do NXB Văn nghệ ấn hành, sau khi đã xuất bản các tuyển tập nhạc truyện: Hoa đào năm ấy, Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bông bí vàng, Duyên ta như mây.
Lễ tưởng niệm được tổ chức rất trang trọng, các con cháu của ông đã đọc lại những bài thơ ông đã sáng tác về cuộc đời nghệ sĩ và những nẻo đường ông đã đi qua khi tham gia đóng phim, viết nhạc, làm thơ. Những kỷ vật của cố nhạc sĩ Bắc Sơn đã được trưng bày một cách trang trọng, gợi nỗi niềm xúc động đối với những ai tham dự lễ tưởng niệm.
Ca sĩ Đông Đào nói: “Nhìn chiếc máy đánh chữ của cố nhạc sĩ Bắc Sơn đã thấy xúc động dâng trào, từ chiếc máy này ông đã sáng tác biết bao ca khúc hay cho đời. Dòng nhạc của ông gắn với từng mảnh đất quê hương, mang tính tự sự. Tôi hát nhiều ca khúc của ông, mê đắm mỗi khi được trò chuyện cùng ông và nghe ông phân tích những bài hát mà ẩn trong đó là câu chuyện cuộc đời ông”.
Ca sĩ Đông Đào hát lại bài Tháng mấy em về, một ca khúc nhạc sĩ Bắc Sơn đã phổ thơ do vợ ông viết, gây xúc động cho những thành viên là con cháu trong gia đình của cố nhạc sĩ Bắc Sơn. Các cô con gái của ông gồm: Bích Lan, Bích Thủy, Bích Hương và nghệ sĩ Hạ Châu cùng hát những bài hát ông viết: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bông bưởi hoa cau, Em đi trên cỏ non…
Ca sĩ Hạnh Nguyên và Đông Đào với bức tranh vẽ chân dung của cố nhạc sĩ Bắc Sơn tại lễ tưởng niệm nhân ngày mất của ông
Nghệ sĩ Lê Hồng Thắm tâm sự: “Nhạc của bác Bắc Sơn được nhiều soạn giả sáng tác thêm phần lời vọng cổ. Những bài tân cổ giao duyên được phát triển sâu đậm, dạt dào ý tứ mang chất thi ca. Tôi thích nhất bài “Bông bí vàng”, ông viết về một câu chuyện tình giữa hai trái tim nhà nông nghèo khó, ráng dành dụm tiền để thành hôn và xây dựng mái ấm gia đình. Bài hát đó mỗi lần nghe là tôi xúc động”.
Ca sĩ Hương Lan chia sẻ Còn thương rau đắng mọc sau hè được ông viết vào năm 1974, làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình “Bếp lửa ấm”. Người hát bài này đầu tiên chính là Hoàng Oanh và sau 1975, Hương Lan đã hát và ghi âm tại Pháp. Dù bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” đưa tên tuổi cố nhạc sĩ Bắc Sơn đi khắp nơi nhưng ông lại tâm đắc với bài hát “Đêm nghe tiếng vọng cổ” viết năm 1999 và những bài ông viết về mẹ”.
Những ca sĩ đến tham dự lễ tưởng niệm đã được tặng những sáng tác cuối cùng của cố nhạc sĩ Bắc Sơn. Nghệ sĩ Bích Lan – con gái của ông đã nói: “Ba tôi ra đi để lại gia tài khoảng 500 nhạc phẩm, trong đó có cả nhạc không lời, bán cổ điển và cả những ca khúc trữ tình như: Em và nỗi nhớ, Nghe tiếng piano trên đời, Lặng lẽ... riêng nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ có khoảng 300 bài. Ông từng nói: "Tôi thích viết bởi tôi là dân Nam Bộ. Thể loại này lạ lắm vì tân không ra tân, cổ không ra cổ. Và ba tôi đã cùng với các nhạc sĩ Thanh Sơn, Vũ Đức Sao Biển có một thời gian nghiên cứu cổ nhạc và cùng thẩm thấu để sáng tác những bài hát mang âm hưởng dân ca. Đó là gia tài quý giá nhất mà ba tôi để lại cho các con, các cháu”.
Ngoài ra, trong sự nghiệp nghệ thuật của nhạc sĩ Bắc Sơn, ông còn được biết đến với vai trò diễn viên điện ảnh - NSƯT Bắc Sơn. Ông đã đóng hơn 50 bộ phim. Bộ phim đầu tiên ông tham gia là Cô Nhíp (1977) của đạo diễn NSND Khương Mễ. Trong Liên hoan phim lần IX (1990), ông được trao giải Diễn viên xuất sắc nhất (vai Hai Bạc Liêu trong bộ phim “Người tìm vàng” của đạo diễn NSND Đào Bá Sơn).
Bình luận (0)