Phóng viên: Nghệ sĩ Cẩm Thu bây giờ mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết đoán hơn trong mọi việc, từ cuộc sống cho đến nghề nghiệp, không yếu đuối như lúc còn ở quê nhà. Hình như hôn nhân lần 2 là quyết định đúng đắn của chị?
- Nghệ sĩ Cẩm Thu: Đời tôi nhiều nghịch cảnh. Khúc quanh dòng đời khiến tôi phải quyết định chính là vì các con. Khi nghề hát ở quê nhà rơi vào cảnh bấp bênh, các đoàn hát không còn hoạt động như trước, nghệ sĩ Linh Tâm - chồng trước của tôi - sang Mỹ định cư, sau khi chúng tôi ly hôn. Linh Tý - con trai lớn của chúng tôi - vay vốn mở tiệm kinh doanh máy vi tính nhưng thua lỗ phải ôm nợ, con gái Thu Tâm còn đi học, một mình tôi khó xoay xở để lo chu toàn cho gia đình, nhất là khi Linh Tý lập gia đình, tôi lại có cháu nội. Vậy là tôi phải tìm bến đỗ thứ hai để nương nhờ. May mắn, người đàn ông đến với tôi lúc đó chấp nhận hoàn cảnh, lo lắng cho cuộc sống của tôi và người thân. Tôi hạnh phúc vì ông xã hiện tại - Philip Nam là một doanh nhân thành đạt trên đất Mỹ - biết quý trọng nghề hát, là học trò của soạn giả Viễn Châu và nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm nên anh ấy cũng có nhiều đồng cảm với nghề hát của tôi.
“Linh Tâm - Cẩm Thu” là một trong những cặp đôi đẹp nhất trên sân khấu và ngoài đời thời đó. Chia tay nhau có khiến chị hối tiếc?
- Tôi thích một bài thơ, trong đó có mấy câu: “Hạnh phúc đôi khi như sông, vô tư trôi về biển, chẳng cần biết mình đầy vơi”. Tôi không hối tiếc vì khi còn là đôi bạn diễn ăn ý trong nhiều vở tuồng được khán giả yêu mến, như: “Tháp đoạn hồn”, “Truyền thuyết tình yêu”, “Mùa tôm”, “Âm mưu tình yêu”, “Bài ca tìm mẹ”, “Con gái tên cướp biển”..., tôi và anh Linh Tâm đã diễn hết mình. Đêm diễn nào chúng tôi cũng đặt mình trong tâm trạng “đó là đêm diễn cuối cùng” nên chẳng hối tiếc khi nhìn lại quá khứ đó. Trên sàn diễn, chúng tôi có khi vẫn còn là đôi bạn diễn nhưng ăn ý như trước sẽ rất khó vì tôi bây giờ thường xuyên diễn với ông xã. Ở Mỹ, hầu hết các chương trình cổ nhạc, cải lương phục vụ khán giả kiều bào, chúng tôi đều sánh đôi.
Ai cũng có khiếm khuyết. Chị có nhận thấy ở mình điều đó?
- Tôi nghĩ không ai hoàn hảo cả. Trong đời sống, chúng ta luôn chú ý đến vỏ bọc bên ngoài mà không thấy những khiếm khuyết bên trong của mình. Khuyết điểm lớn nhất của tôi là thường giấu nỗi buồn vào lòng, gánh chịu một mình. Tuy nhiên, tôi cũng nghiệm ra rằng đau khổ sẽ tạo động lực để người ta thay đổi và sống tốt hơn.
Theo chị, nên chăng hãy buông bỏ những thứ không thuộc về mình?
- Mọi thứ trong cuộc sống, chúng ta đều phải hết sức trân trọng nhưng có nhất thiết cố níu giữ tất cả ở bên mình? Tôi đã từng hụt hẫng khi nhận ra có những người mình coi là bạn, mình rất yêu mến và trân trọng, đã quay lưng đi trong những lúc mình bế tắc nhất. Lúc đó, tâm trạng mình rối bời, tưởng sẽ ngã quỵ. Nhưng rồi, tôi chợt nghĩ đó là sự đánh mất cái không thuộc về mình, không nên tiếc. Có ngã đau một lần, bạn sẽ biết tự đứng dậy để tiếp tục đi và cẩn trọng hơn. Tôi vẫn thường dạy 2 con mình như thế.
Hai con của chị (Linh Tý và Thu Tâm) vẫn tiếp nối con đường nghệ thuật của cha mẹ, trở thành diễn viên phim và múa. Nhưng sự nghiệp của cả 2 chưa được như cha mẹ ngày xưa, chị có trăn trở?
- Tôi không trăn trở về điều đó. Tổ nghiệp hiếm khi cho cả nhà cùng nổi tiếng. Điểm lại trong gia phả họ hàng, ba tôi là soạn giả, có nhiều con cháu theo nghề hát, kể cả dâu, rể nhưng chỉ mỗi tôi có những thành công nhất định. Đến khi sinh bé Linh Tý, lúc còn bé xíu cháu đã nổi tiếng ở nhóm Đồng ấu Bạch Long. Khi lớn lên, Linh Tý mấy lần đổi nghệ danh mà sự nghiệp vẫn đâu vào đó. Gần đây, chương trình game show “Sao nối ngôi” mời cả gia đình tôi về để yểm trợ cho phần thi của Linh Tý. Hậu duệ của mình tài nghệ cao thấp thế nào chắc chắn cha mẹ nhìn thấy hết. Tôi chỉ mong không thành danh thì con vẫn phải thành nhân.
Khán giả vẫn mong chờ một ngày Cẩm Thu sẽ biểu diễn trên sân khấu cải lương ở quê nhà?
- Chắc chắn. Tôi và anh Philip Nam sẽ thực hiện một đêm chuyên đề sân khấu để hội ngộ bạn bè, đồng nghiệp và làm việc thiện ở quê nhà, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Ở nước ngoài, chúng tôi vẫn tham gia thường xuyên chương trình “Cổ nhạc phương Nam” và những vở tuồng kinh điển được dàn dựng. Vừa qua, trước khi về Việt Nam, tôi đã nhận được lời khen ngợi của khán giả kiều bào khi xem vai diễn Tô Ánh Nguyệt. Sắp tới, chúng tôi sẽ tái dựng phục vụ khán giả kiều bào những vở: “Truyền thuyết tình yêu”, “Nàng Xê Đa”, “Tâm sự Ngọc Hân”, “Nàng Hai Bến Nghé”, “Hoa độc trong vườn”... Rất mừng là khán giả kiều bào phấn khởi khi được xem nguyên vẹn vở cải lương. Trong những lá thư gửi về yêu cầu được xem nhiều vở cải lương kinh điển, có nhiều lá thư của khán giả trẻ, họ là sinh viên, học sinh ở nhiều tiểu bang, mê cải lương.
Có lần khán giả thấy chị xuất hiện trên sân khấu kịch nói, vở “Con nhà giàu” dựa theo tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh. Phải chăng Cẩm Thu bây giờ muốn thích ứng với nhiều hoàn cảnh, không chỉ diễn cải lương mà còn lấn sân kịch nói?
- Lần đó, tôi cứu nguy cho đạo diễn trẻ Hoàng Hiệp vì vai diễn tôi tham gia là của một nữ nghệ sĩ ở Việt Nam, đến giờ chót, chị ấy không sang Mỹ được nên tôi nhận đóng thay. Phải nói rất khó để che được cái chất cải lương đã thấm vào máu thịt mình, diễn kịch đòi hỏi cách thể hiện khác. Đó cũng là cơ hội để tôi thử thách mình. May thay, tôi vào vai rất ngọt. Kịch dài đang thu hút khán giả kiều bào tại Mỹ nên diễn kịch cũng là một cách thích ứng để tôi được gặp khán giả của mình.
Nghe nói chị đang có dự định tâm huyết sẽ thực hiện trong thời gian tới?
- Tôi và ông xã dự định thực hiện bộ sưu tập những tác phẩm sân khấu của ba tôi như: “Tháp đoạn hồn”, “Âm mưu tình yêu”, “Bài ca tìm mẹ”... được xem là gia bảo để lưu lại cho gia đình. Ba tôi mê văn học nước ngoài nên phần nhiều kịch bản cải lương ông viết là chuyển thể từ những tác phẩm văn học phương Tây. Tôi có được dấu ấn riêng chính là thể hiện các nhân vật trong những tác phẩm văn học nổi tiếng bằng ngôn ngữ sân khấu cải lương. Ba tôi để lại hàng trăm kịch bản, tiếc là sân khấu đã co cụm, không còn nhiều đoàn hoạt động để có điều kiện dựng, diễn viên trẻ vì thế không có cơ hội tiếp cận những vai diễn hay. Do vậy, trách nhiệm của tôi là gìn giữ những di sản của cha mình cho hậu thế.
Ngôi sao cải lương một thời
Nghệ sĩ Cẩm Thu vốn là con nhà nòi. Thân phụ của chị là soạn giả Trương Vũ; mẹ là bà Trương Cẩm Vân, Trưởng Đoàn Cải lương Mây Tần, lập năm 1964. Nghệ sĩ Cẩm Thu có cơ hội đến với sân khấu khá sớm, năm 14 tuổi.
Từ năm 20 tuổi, chị đã nổi tiếng trên sân khấu Đoàn Cải lương Sông Hàn - đoàn hát của gia đình - qua các vở: “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Trần Bình Trọng”, “Nhụy Kiều Tướng quân”, “Âm mưu tình yêu”... Năm 1982, Cẩm Thu rời đoàn Sông Hàn về đoàn Tiếng ca Sông Cửu và nổi tiếng trong các vở: “Ta là vua”, “Công chúa tóc thơm”, “Cây gậy thần”... Năm 1984, CẩmThu về Đoàn Cải lương Lâm Đồng diễn bên cạnh Vũ Linh, nổi tiếng trong 2 vở: “Bức ngôn đồ Đại Việt”, “Xuân về đỉnh Mã Phi”...
Từ năm 1986, chị về đoàn Sông Bé 2 (bầu Quới), hát chính trong các vở: “Tình sử A Nàng”, “Mùa xuân trên biển”, “Thúy Kiều 1 và 2”, “Lửa hồng Đông đô”, “Rừng đêm hóa trắng”, “Tàu ô huyết sử”. Đến năm 1989, chị hoạt động trong đoàn Tân Dạ Lý Hương, thu hút hàng ngàn khán giả mỗi suất, trong các vở: “Tháp đoạn hồn” (vai Hoàng hậu Magarit), “Cha con người hát rong” (vai Tịnh Tâm), “Khát vọng giai nhân” (vai Diễm Châu), “Võ Tòng sát tẩu” (vai Phan Kim Liên)… Ngoài ra, chị còn diễn nhiều vai có số phận ngang trái, lấy nước mắt khán giả như: “Chuyện tình trên sông”, “Bốn trái đào”, “Xác quỷ tình người”, “Lan Huệ sầu ai”. Năm 1992, Cẩm Thu đoạt HCV Giải thưởng Trần Hữu Trang cùng với Vân Hà, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Phượng Hằng.
Cẩm Thu kết hôn với Linh Tâm vào năm 1982 khi hát ở đoàn Sông Hàn, có 2 người con là Võ Vũ Linh Thanh (tức Linh Tý) và Võ Vũ Thu Tâm. Năm 2013, chị chung sống với chồng mới là Philip Nam tại Mỹ.
Bình luận (0)