Ngày 15-3, tại TP HCM, Ban Tổ chức giải Cánh diều 2016 đã họp báo để công bố thông tin chi tiết về giải thưởng lần này. Đây là giải thưởng của hội chuyên ngành điện ảnh, được kỳ vọng sẽ là “Oscar của Việt Nam” nhưng rất nhiều năm qua, do yếu kém về chất lượng phim và cả trong khâu tổ chức nên giá trị của giải này không tăng theo thời gian. Lần này, mọi việc xem ra cũng không khá hơn.
Thiếu lượng lẫn chất
Tranh giải lần này, số phim điện ảnh đạt chuẩn không nhiều, ít thu hút sự chú ý với khán giả lẫn giới chuyên môn khiến Cánh diều càng khó có đột phá như kỳ vọng.
Theo thông tin từ ban tổ chức, đến ngày 13-3, số lượng tác phẩm đăng ký dự giải là 118 phim, 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Trong đó, phim truyện điện ảnh hiện có 19 tác phẩm dự giải: “Cha cõng con”, “Bao giờ có yêu nhau”, “Sút”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Sài Gòn, anh yêu em”... Đây chưa phải là con số cuối cùng vì đến ngày 15-3, thời hạn đăng ký dự giải mới chính thức kết thúc. Tuy nhiên, so với năm 2015, số phim đăng ký dự giải chênh lệch chỉ vài tác phẩm.
Cánh diều vẫn chưa đủ sức hút với người trong giới, khó lòng hấp dẫn công chúng. Nhiều người trong giới nhận định giải không hề có sự cạnh tranh gay gắt, đề cao giá trị nghệ thuật hoặc mang lại danh tiếng cho người chiến thắng đến mức buộc phải tham gia. Các kết quả được xem là “vui cả làng” của Cánh diều năm trước gặp không ít chỉ trích.
NSND - đạo diễn Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải Cánh diều - cho biết giải thưởng này chỉ nhằm tổng kết một năm, biểu dương những hoạt động của các nghệ sĩ. Đây không phải là liên hoan phim. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, nhận định: “Cánh diều “đến hẹn lại lên”, chủ yếu động viên tinh thần người làm phim, vui là chính. Việc doanh thu hay độ gây sốt của các phim tham gia không tác động nhiều vì xét giải là ban giám khảo hội đồng nghệ thuật. Nếu phim được vào danh sách tranh giải và chiến thắng thì tốt, còn ngược lại cũng không ảnh hưởng gì. Năm nay, tôi thấy mặt bằng chung các phim không có gì nổi bật”.
Không thu hút số lượng, Cánh diều năm 2016 ở hạng mục điện ảnh còn thiếu hẳn chất lượng. Trong 19 phim truyện điện ảnh dự giải, chỉ vài tác phẩm như “Cha cõng con”, “Bao giờ có yêu nhau”, “Sài Gòn, anh yêu em” có nhiều yếu tố nghệ thuật, còn lại là phim thương mại. Dẫu được sự khen ngợi của người trong giới nhưng các phim này lại thiếu tính hấp dẫn với khán giả. Phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” thắng doanh thu nhưng không phải là tác phẩm tốt do nhiều “sạn”.
Nếu Cánh diều năm 2015 có được phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thuyết phục cả về chất lượng lẫn doanh thu phòng vé thì năm nay rất khó tìm. Mặt bằng chung các phim không hài nhảm, thảm họa nhưng lại thiếu sự bứt phá, để khi nhìn vào dễ dàng nhận ra ứng viên sáng giá.
Loại phim có yếu tố ngoại
Theo Ban Tổ chức giải Cánh diều 2016, tiêu chí của giải thưởng này vẫn là đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Đây là lý do vì sao phim Việt hóa không được duyệt vào danh sách tranh giải dù đa phần tốt hơn nhiều so với phim Việt khác.
Ông Đặng Xuân Hải cho biết quy chế giải thưởng không xét những phim kịch bản nước ngoài vì sự chênh lệch giữa hai bên. “Nước ngoài họ đầu tư nhiều kinh phí từ khâu kịch bản đến các khâu khác, phim Việt khó so nổi. Kịch bản của nước ngoài cũng đã được kiểm chứng nhiều qua thành công phòng vé, được khẳng định ở nhiều nơi, nếu đưa vào tranh giải với kịch bản Việt thì không cân sức” - ông Hải giải thích.
Phim “Vệ sĩ Sài Gòn” dù có tên trong danh sách tranh giải nhưng cũng gây ra thắc mắc vì đạo diễn là người Nhật - Ken Ochiai. “Phim “Vệ sĩ Sài Gòn” vẫn đang trong quá trình xem xét vì do đạo diễn nước ngoài thực hiện. Bộ phim thành công hay không thì vai trò của đạo diễn mang tính chất quyết định. Nếu loại bỏ phim này ra khỏi danh sách thì thiệt thòi cho ê-kíp vì quay phim, diễn viên… là người Việt Nam. Có thể sắp tới, khi bàn bạc với ban tổ chức, chúng tôi sẽ xem xét để “Vệ sĩ Sài Gòn” tranh giải thưởng cá nhân chứ không tranh giải phim. Đây cũng là cách để khích lệ tinh thần những người làm điện ảnh trong nước” - ông Đặng Xuân Hải cho biết.
Dù Cánh diều đề cao sự sáng tạo, khích lệ phim dân tộc nhưng một số người trong giới cho rằng nên thêm các phim như “Vệ sĩ Sài Gòn” vào danh sách tranh giải để thúc đẩy cạnh tranh. “Những phim Việt hóa tốt nên được đưa vào tranh giải. Nó có thể tạo sự cạnh tranh, giúp các biên kịch Việt phấn đấu hơn và góp phần thu hút sự chú ý của công chúng” - một đạo diễn nhìn nhận.
Tiếp tục đối mặt nhiều nỗi lo
Cánh diều 2016 tiếp tục đối mặt nhiều nỗi lo. Vấn đề kinh phí tổ chức, nhà tài trợ... luôn ám ảnh người thực hiện các giải thưởng nói chung và Cánh diều nói riêng. Nghệ sĩ Quyền Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn chương trình lễ trao giải - tâm sự: “Từ vai trò người nhận giải rồi dần dần tham gia khâu tổ chức, tôi thấy có quá nhiều nỗi lo. Năm nay, chúng tôi có nhà tài trợ đồng hành nên bớt lo một chút. Tham gia nhiều chương trình, game show, tôi không bao giờ có chuyện lo lắng, cứ đến trường quay là bắt tay ngay vào việc nhưng đến mùa Cánh diều lại ăn ngủ không yên. Tôi lo từ thiết kế sân khấu đến các màn trình diễn, khách mời tham dự...”.
19 phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều 2016 sẽ được trình chiếu miễn phí tại 5 cụm rạp ở TP HCM gồm: Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh. Khán giả nhận vé mời xem tại các rạp từ ngày 1-4.
Từ ngày 8 đến 10-4, Hội Điện ảnh tổ chức chương trình phim Hàn Quốc tại Cinebox với sự tham gia của đoàn điện ảnh Hàn Quốc trong buổi khai mạc. Lễ trao giải Cánh diều 2016 diễn ra tối 9-4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam và phát sóng trực tiếp trên VTV1.
Bình luận (0)