Trong ngôi nhà cấp 4 nằm khiêm tốn trong một con hẻm ở TP Pleiku – Gia Lai, Hồng Vinh say sưa hướng dẫn, giới thiệu với khách về nhân duyên của anh với từng bức tượng điêu khắc bằng gỗ bất kể người đối diện là ai, họ từ đâu tới. Đối với Hồng Vinh, chỉ cần được mọi người quan tâm đến bộ sưu tập của anh, thế là đủ để anh sẻ chia cảm xúc của mình.
Hồng Vinh bên một số tác phẩm của mình
Chiếm phần lớn trong số lượng các bức điêu khắc của anh là những bức tượng Quan Thế Âm và hình ảnh người mẹ già nua, gầy gò, nhọc nhằn, mang những nét chai sạn cả một đời lam lũ. Chỉ tay vào bức Lòng mẹ, anh tâm sự: “Khi nhìn thấy khúc gỗ này có hình thù ngoằn ngoèo như một khúc lòng, ngay lúc đó trong đầu mình gợi lên hình ảnh người mẹ cúi nhìn xuống “núm ruột” của mình. Hay ở bức Mẫu tử lại là hình ảnh của một bào thai đang hình thành trong bụng mẹ…”.
Một tai nạn xảy ra với Hồng Vinh từ hồi học trung học khiến anh bị gãy tay phải nên sau này không thể cầm, nhấc những vật nặng. Mọi ý tưởng sáng tác của anh phải nhờ đến những bàn tay khéo léo của người thợ thực hiện. Làm sao để những người thợ chạm khắc nắm bắt được ý tưởng và truyền tải được cái hồn vào tác phẩm như mong muốn của anh là một việc không dễ đối với anh trong buổi đầu. Nhưng rồi, với những ý tưởng cháy bỏng của mình, Hồng Vinh đã truyền cho những người thợ chạm khắc niềm say mê trong quá trình tạo tác. Anh nói: “Học vấn ít, tôi chỉ làm dựa trên sự rung động của con tim và tình cảm của mình”.
Khi chứng kiến bộ sưu tập của anh và nghe anh nói, nhiều người nghĩ rằng hẳn anh là một “đại gia” và được đào tạo qua trường lớp mỹ thuật. Nhưng ít ai ngờ rằng anh chỉ là người con thứ 10 trong một gia đình nghèo khó, lúc khó khăn nhất, mẹ anh phải ẵm con đi ăn xin. Hiện giờ mẹ anh đã 85 tuổi và sau một lần bị tai biến, bà phải nằm một chỗ 8 năm nay. Bà như một ngọn lửa tàn héo hắt, sau mỗi đêm còn mở mắt ra mới biết mình đang sống và anh trở thành bác sĩ riêng của bà. Điều này cũng lý giải vì sao anh có nhiều bức tượng về người mẹ như thế.
Nghỉ học từ năm lớp 9, anh tìm đến nghề cắt tóc như một kế sinh nhai, tính đến nay, anh đã có hơn 20 năm trong nghề (vào nghề từ năm 18 tuổi). Nghề cắt tóc đã nuôi sống anh và đưa anh đến với nghệ thuật này. Hiện tại, anh vẫn đang sống một cuộc sống chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng anh nhất định không bán những tác phẩm của mình cho dù đã có nhiều người trả giá rất cao. Anh nói: “Đôi khi kinh tế bế tắc nhưng niềm đam mê khiến mình không thể bỏ được và càng không nỡ bán. Đến lúc không thể cầm kéo cắt tóc kiếm sống được nữa, tôi sẽ khép mình vào những bộ sưu tập này với bàn trà nhỏ để chia sẻ với những người tới thăm”.
Bình luận (0)