xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chật vật giữ nghề ở xứ người: Hết lòng với hậu thế

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Dù xa quê nhà nhưng trong tim mỗi người Việt vẫn cố gắng vượt qua sự chật vật để giữ nghề, nuôi nghề và truyền nghề

Phần đông các nghệ sĩ (NS) nổi tiếng ở Việt Nam sang định cư tại các nước châu Âu nay đều tuổi cao, sức yếu. Biết mình không còn khả năng đứng trên sân khấu lâu dài, nhiều NS tâm huyết với nghệ thuật dân tộc nghĩ đến việc truyền nghề cho hậu thế.

Lấy công việc dạy làm niềm vui

NS Thanh Bạch, Bạch Lê gần như giã từ sân khấu. Ông bà từ chối tham gia biểu diễn rất nhiều sô do cộng đồng người Việt ở Pháp tổ chức. NS Thanh Bạch cho biết với ông, được diễn lại 2 vở “Đào Tam Xuân” và “Câu thơ yên ngựa” trong chương trình “Gìn vàng giữ ngọc” do sân khấu IDECAF thực hiện cách đây 2 năm đã là một dấu ấn tuyệt đẹp, để ông bà thỏa mãn rời sân khấu. “Không dám nói bỏ nghề, chỉ vì tuổi về chiều muốn dành hết thời gian để lo cho các con. Vừa qua, vợ tôi về Việt Nam để thay em trai là NS Thành Lộc chăm sóc mẹ vợ tôi - NS Huỳnh Mai, vợ của cố NSND Thành Tôn, trong thời gian Thành Lộc sang Mỹ diễn kịch, do vậy chỉ còn mình tôi phải lo cho các con việc đưa rước học hành, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ. Cũng nhớ nghề lắm nhưng đành phải nói lời tạm biệt. Nhưng niềm hạnh phúc là có nhiều em diễn viên trẻ mời tôi hướng dẫn nghề, nhìn các em chịu học, chịu tìm tòi sáng tạo nghề hát trên xứ người, vợ chồng tôi rất vui” - NS Thanh Bạch xúc động nói.

Vợ chồng NS Minh Tâm, Tài Lương cũng bớt nhận sô diễn. Cả 2 thi thoảng xuất hiện trong các chương trình đờn ca tài tử hoặc hát tại nhà hàng, tiệc cưới của các thân hữu. “Lớn tuổi rồi, đảm nhận vai diễn với thời lượng tập tuồng cập rập như vậy có khi mình sẽ làm ảnh hưởng đến tập thể. Nên việc tham gia diễn nguyên vở tuồng với vợ chồng tôi hiện nay rất khó. Tuy nhiên, đàn em nào muốn học nghề, muốn lắng nghe sự chỉ dẫn thì vợ chồng tôi sẵn sàng” - NS Minh Tâm nói.

 

Vợ chồng nghệ sĩ Minh Tâm, Tài Lương trong chương trình văn nghệ phục vụ cộng đồng
Vợ chồng nghệ sĩ Minh Tâm, Tài Lương trong chương trình văn nghệ phục vụ cộng đồng

 

Đời sống văn nghệ của người Việt tại một số nước châu Âu đã có những tiến triển rõ nét khi có sự giao thoa giữa âm nhạc dân tộc với văn nghệ dân gian. Điều đáng ghi nhận là thế hệ NS đi trước tiếp tục làm tấm gương sáng cho đàn em noi theo.

Hai ban văn nghệ Nam Giao (Bỉ) và Hội đàn tranh chi nhánh Phượng Ca (Na Uy) được xem là 2 chiếc nôi nghệ thuật ươm mầm nhiều tài năng Việt. NS Đoàn Vinh là học trò của GS nhạc sĩ Phương Oanh, ban đầu học đàn tranh, sau đó đứng ra lập ban văn nghệ Nam Giao, hằng năm tổ chức những chương trình văn nghệ phục vụ kiều bào tại Bỉ. Chỉ là đạo diễn tay ngang nhưng chị đã tạo dấu ấn đậm nét với cộng đồng khán giả kiều bào tại Bỉ qua các chương trình văn nghệ tôn vinh âm nhạc dân tộc, sân khấu cải lương do chị đạo diễn. Riêng Hội Âm nhạc dân tộc Phượng Ca tại Na Uy của NS Phi Thuyền đã lưu dấu rất nhiều với cộng đồng các quốc gia Bắc Âu, nơi có người Việt sinh sống. Chị được chính phủ Na Uy hỗ trợ kinh phí để tiến đến tổ chức Nhạc hội đàn tranh tại quốc gia phồn thịnh này.

Khó mấy cũng làm

Khi tôi cùng ngồi chung chuyến xe sang một số nước châu Âu với 2 NS Đoàn Vinh và Phi Thuyền, câu chuyện giữ nghề, dạy nghề của 2 chị khiến tôi xúc động. Cả 2 chị đều đã trải qua rất nhiều khó khăn để giữ nghề, làm nhiều công việc để nuôi nghề. Chuyện NS Phi Thuyền “bỏ ống heo” khoản tiền dành dụm để mỗi quý đập ống heo mua vé máy bay mời GS - nhạc sĩ Phương Oanh từ Pháp sang Na Uy lưu lại vài tuần để dạy nâng cao phương pháp học đàn tranh, nghe mà xúc động. “Chi tiêu ở Na Uy đắt đỏ lắm. Các khoản tiền bảo hiểm phải đóng, tiền phí dịch vụ công cộng, tiền trả góp mua nhà, đóng thuế thu nhập…, lương nhân viên vi tính của tôi chẳng còn dư bao nhiêu nên muốn học nghề và muốn các học trò của mình được đào tạo nâng cao thì phải tích cóp dành dụm tiền” - NS Phi Thuyền kể.

 

NS Đoàn Vinh (bìa phải) và NS Elisa (Pháp), GS Phương Oanh, nhà báo Thanh Hiệp tại Pháp.
NS Đoàn Vinh (bìa phải) và NS Elisa (Pháp), GS Phương Oanh, nhà báo Thanh Hiệp tại Pháp.

 

Lớp đàn tranh của NS Phi Thuyền có đến 100 học viên đang theo học, các em đến từ khắp nơi trên đất nước Na Uy, mỗi tuần học 2 buổi. Các em di chuyển bằng tàu điện, xe buýt và ô tô, có em đến học phải vượt mấy trăm cây số. Nhóm biểu diễn đàn tranh của NS Phi Thuyền cũng đã từng được mời sang Ý biểu diễn, được khán giả kiều bào tại Roma khen ngợi. Không chỉ cần mẫn dạy học trò, NS Phi Thuyền còn dạy 2 con nhạc cụ dân tộc: Tiến Duy (đàn tranh, sến, bầu) và Uyên My (thổi sáo trúc). Con trai chị hồi tháng 8 vừa qua đã đến Úc tham gia Đại hội âm nhạc truyền thống thế giới lần 2.

NS Phi Thuyền cho biết chị đang ôm ấp dự án tổ chức Nhạc hội đàn tranh Việt Nam tại Na Uy. “Dù xa quê nhà nhưng trong tim mỗi người Việt vẫn cố gắng vượt qua sự chật vật để giữ nghề, nuôi nghề và truyền nghề” - NS Phi Thuyền chia sẻ.

 

Làm hướng dẫn viên “nuôi” văn nghệ

Ở Na Uy còn có ca sĩ Lê Vỹ và Minh Thy, cả 2 có giọng hát thật truyền cảm, thường xuyên tham gia biểu diễn với Hội Việt Nam Fyn nhằm tổ chức những chương trình văn nghệ từ thiện, góp tiền giúp đỡ những người bất hạnh ở Việt Nam. Nghệ sĩ Đoàn Vinh đã từng đưa con gái về Việt Nam học đàn tranh do NGƯT Phạm Thúy Hoan và TS Nguyễn Thị Hải Phượng dạy. Hiện nay, chị đã nghỉ hưu, lấy nghề hướng dẫn viên du lịch để “nuôi” văn nghệ; vừa lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch và cả đầu bếp cho du khách Việt Nam.

 

Vợ chồng ca sĩ Minh Thy (Na Uy), ca sĩ Nhã Ý (Đan Mạch) và nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình Dạ vũ mùa thu tại Vejle - Đan Mạch
Vợ chồng ca sĩ Minh Thy (Na Uy), ca sĩ Nhã Ý (Đan Mạch) và nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình Dạ vũ mùa thu tại Vejle - Đan Mạch

 

Cứ mỗi dịp đưa đoàn du lịch đi, chị lại có tiền gửi về Việt Nam giúp trẻ em mồ côi và đặt may trang phục, đặt làm đạo cụ cho những suất diễn văn nghệ phục vụ cộng đồng.

“Tấm lòng của cô Vinh thật lớn, học trò được cô xem như là con cháu trong gia đình. Với cô, châu Âu giống như một ngôi làng, cô đi hoài nên thuộc làu đường đi; vượt cả ngàn cây số, dù mỏi mệt vẫn mang đàn tranh ra đàn và hát. Truyền nghề và truyền luôn ngọn lửa đam mê, cô Vinh là một người giữ bền hơi ấm của âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Bỉ” - TS âm nhạc Nguyễn Thị Hải Phượng nhận xét.

 


Nhà báo Thanh Hiệp và nhóm Favic - những người nước ngoài yêu mến âm nhạc Việt, theo học hát dân ca Việt Nam do GS Phương Oanh và NS Đoàn Vinh hướng dẫn

Nhà báo Thanh Hiệp và nhóm Favic - những người nước ngoài yêu mến âm nhạc Việt, theo học hát dân ca Việt Nam do GS Phương Oanh và NS Đoàn Vinh hướng dẫn

 


.Ns Đoàn Vinh, GSTS Trần Quang Hải, Nhà báo Thanh Hiệp giới thiệu với người Pháp cây đàn bầu, một trong những nhạc cụ độc đáo của Việt Nam.

.Ns Đoàn Vinh, GSTS Trần Quang Hải, Nhà báo Thanh Hiệp giới thiệu với người Pháp cây đàn bầu, một trong những nhạc cụ độc đáo của Việt Nam.

 

NS Phi Thuyền, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng, NS Isabella (Pháp), GSTS Trần Quang Hải, GS Phương Oanh tại Pháp
NS Phi Thuyền, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng, NS Isabella (Pháp), GSTS Trần Quang Hải, GS Phương Oanh tại Pháp

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo