Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du dịch (VH-TT-DL) khởi xướng, dự kiến dành 230 tỉ đồng cho việc hình thành thói quen và nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội… từ nay đến năm 2030.
Mỗi năm đọc chưa đến 1 cuốn sách!
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ VH-TT-DL, cứ ra sân bay, nhà ga hay tới những nơi công cộng là thấy người lớn, trẻ con cầm iPad giải trí; trong khi người đọc sách toàn là dân nước ngoài. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho thấy trung bình một người Việt mỗi năm đọc chưa đến 1 cuốn sách.
Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình “Sách cho nông thôn”, trong 18 năm đã phỏng vấn trên 20.000 người ở khắp mọi miền Tổ quốc - cho hay điều dễ nhận thấy là việc đọc của người Việt rất yếu trong hàng chục năm qua. Độ tuổi “vàng” để tạo ra thói quen đọc sách ở mỗi người và tạo ra văn hóa đọc trên bình diện quốc gia là từ 6-18. Thế nhưng, hàng chục triệu người lớn lên ở nông thôn đã không có cơ hội đọc khoảng 150-200 đầu sách, ngoài sách giáo khoa, trong độ tuổi học trò. Số người đọc được khoảng 50 đầu sách trong 10 và 12 năm học các cấp phổ thông ở khu vực nông thôn là rất ít, trong khi nông thôn chiếm gần 80% dân số.
Nói thêm về con số mỗi người Việt đọc chưa hết một cuốn sách/năm, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, nhấn mạnh: “Chúng ta nên biết rằng con số thống kê là con số biết nói. Con số này nói lên rằng người Việt chúng ta đọc ít và Việt Nam luôn được coi là vùng trũng của văn hóa đọc thế giới. Tỉ lệ đọc ở Việt Nam là thấp bởi 80% dân số sống ở nông thôn, mà ở khu vực này thì chúng ta chưa thể nói nhiều về văn hóa đọc”.
Khoảng cách đô thị và nông thôn quá xa
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, những năm gần đây, văn hóa đọc đã có những thay đổi đáng kể. Thống kê của Bộ TT-TT cho thấy năm 2014, ngành xuất bản đã đưa ra thị trường 25.000 cuốn sách với trên 362 triệu bản in, chưa kể hàng trăm trang web về sách các loại.
Liên quan đến sách điện tử, TS Hùng cho rằng dù tỉ lệ so với sách in còn khiêm tốn nhưng đã nhìn thấy có tiến bộ. “Tôi thấy sức mua sách đang tăng mạnh, đọc sách trên e-book và mua sách qua online cũng tăng nhanh. Bằng chứng là doanh thu từ bán sách online của Thái Hà Books qua trang tiki.vn đã vượt xa các hệ thống nhà sách trên toàn quốc của một công ty phát hành sách có tiếng từ lâu. Doanh thu từ sách điện tử tăng đáng mừng” - ông Hùng dẫn chứng.
Ông Nguyễn Quang Thạch cũng nhận định rằng so với những năm trước đây, chắc chắn số người đọc sách đã tăng lên ở đô thị, chủ yếu là trẻ em vì cha mẹ học sinh đô thị quan tâm hơn. Việc đọc sách trên internet cũng tương đối phát triển, đặc biệt là ở những người có nền tảng đọc sách in tốt trước đây.
Với cả trăm triệu bản sách ra mắt độc giả mỗi năm, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ông nhìn văn hóa đọc bằng con mắt thực tế mang tính lạc quan là giới trẻ bây giờ đọc nhiều. Hiện nay, có không ít cuốn sách bán được vài chục ngàn bản. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khoảng cách hưởng thụ sách giữa nông thôn và thành thị hiện nay còn quá xa. Một chuyên gia văn hóa than thở rằng ở nông thôn, người dân ít đọc sách; ít gia đình quan tâm đến sách và đầu tư cho sách.
“Nông dân vốn nghèo nhưng họ lại không đầu tư vào sách, vào tri thức. Trong khi đó, nhà nước chưa có chính sách mang sách giá rẻ, sách miễn phí về nông thôn. Nếu có mang về nông thôn thì cũng toàn là sách tuyên truyền khô khan không ai đọc, nằm yên cả chục năm không ai giở ra” - TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
Ông Nguyễn Quang Thạch nhìn nhận khoảng cách tiếp cận sách giữa nông thôn và đô thị rất lớn. Chúng ta dễ dàng thấy được mỗi học sinh ở đô thị đọc 15-30 đầu sách, ngoài sách giáo khoa, trong một năm. Trong khi đó, ở nông thôn, tìm được học sinh mỗi năm đọc 5-10 đầu sách, ngoài sách giáo khoa, là vô cùng khó; phần lớn chỉ vài cuốn. Theo khảo sát của ông Thạch, niên khóa 2009-2010, có trường học gồm 303 học sinh nhưng chỉ 180 lượt sách được mượn ở thư viện trường.
Nền đọc rất mỏng của giới trẻ
Nhu cầu đọc đang tăng lên với mức độ chóng mặt, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Người đọc tiếp cận nhiều phương tiện, nhiều nguồn thông tin giải trí khác nhau. Hàng triệu bản sách xuất bản hằng năm vẫn tiêu thụ tốt nhưng chất lượng chủ yếu chạy theo thị trường, nội dung chủ yếu thỏa mãn nhu cầu cá nhân người đọc, nhất là nhu cầu giải trí.
Nhận xét về cơn sốt sách ngôn tình làm “điên đảo” thị trường sách mấy năm qua, đặc biệt là với độc giả trẻ, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng loại sách này đánh vào sự tò mò của giới trẻ. Tuy nhiên, nếu cứ phát triển mạnh dòng sách này chưa chắc đã tốt cho xã hội, cho tương lai lâu dài. Bởi lẽ, những gì chúng ta đọc, chúng ta nhìn hay nghe ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, lối sống.
Theo ông Nguyễn Quang Thạch, cơn sốt sách ngôn tình phản ánh nền đọc rất mỏng của học sinh trung học và sinh viên. Nếu từ nhỏ, giới trẻ được đọc các tác phẩm như “Những tấm lòng cao cả”, “Túp lều bác Tôm”, “Ngàn lẻ một đêm”, “Góc sân và khoảng trời” hay “Cuốn theo chiều gió”... thì sách ngôn tình sẽ không phải là thứ hấp dẫn họ đến vậy.
Kỳ tới: Đầu tư cách nào để hiệu quả?
Bình luận (0)