Tác phẩm Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu, 1892-1976) đã được thống nhất nhận định là bài ca vua của các làn điệu vọng cổ. Bài ca ấy có tầm ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của sân khấu cải lương Nam Bộ.
Đã có nhiều chuyện kể khác nhau về hoàn cảnh ra đời tác phẩm này. Chuyện ghi năm 23 tuổi, vì muốn có cháu nối dõi tông đường nên thân sinh của Sáu Lầu gọi ông về cưới vợ. Đó là một cô gái quê chưa hề quen biết, ông chưa hề nói tiếng yêu.
Ba năm ăn ở, vợ ông không sinh được con, thân mẫu buộc ông phải chia tay vợ. Nỗi buồn phân ly khiến ông tức cảnh sáng tác bài Dạ cổ hoài lang.
nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Nghe qua thì hữu lý nhưng ngẫm kỹ thấy chưa thỏa đáng, không xứng với tầm vóc của tác phẩm. Một tác phẩm đi vào lòng người, nói thay tình cảm cho nhiều người và làm nên sự hứng khởi trong nghệ thuật như thế phải được ra đời trong giờ phút xuất thần của người nghệ sĩ. Muốn đạt đến trạng thái “nhập thần” ấy, tâm hồn người nghệ sĩ phải dồn nén nỗi đau đến căng đầy, vỡ òa. Không dễ tin nhạc sĩ Cao Văn Lầu làm nên kiệt tác Dạ cổ hoài lang chỉ bởi nỗi buồn xa vợ.
Nói như thế bởi là một người tài hoa, thấp thoáng trong cuộc đời ông rất nhiều mối tình. Thời chưa vợ, Sáu Lầu có ít nhất hai mối tình. Mối tình thứ nhất là với cô Hai Sang, con gái của nhạc sư Lê Tài Khí (Nhạc Khị), người mà sau này giới cổ nhạc gọi là hậu tổ cổ nhạc.
Cô Hai Sang xinh đẹp, tính tình đoan trang, kín đáo. Hai người yêu nhau suốt 4 năm trong thời gian Sáu Lầu học tại nhà nhạc sư Nhạc Khị. Thế nhưng, thân sinh của Sáu Lầu khước từ làm thông gia với Nhạc Khị vì “coi tuổi” không được.
Đêm cô Hai Sang chuẩn bị lấy chồng, Sáu Lầu mặc chiếc áo rách ngồi đàn suốt đêm. Những tiếng đàn nặng trĩu sầu thương.
Khi ông cởi chiếc áo rách ra máng trên ghế, cô Hai Sang lén lấy rồi lặng lẽ vá áo cho ông trong đêm cô xuất giá. Những đường kim mối chỉ tuyệt đẹp như lời đoan thệ của người con gái trao trọn cho ông mối tình đầu. Khi Sáu Lầu mặc áo vào để về thì phát hiện mảnh vá.
Mảnh vá ấy như một nhát chém tứa máu trong tâm hồn ông, hằn sâu một vết thương không bao giờ phai nhạt.
Buồn tình, Sáu Lầu dẫn ban nhạc lễ đi chơi thâu đêm suốt sáng. Lúc này, ông là nhạc trưởng của một ban nhạc lễ lớn nhất đất Bạc Liêu.
Điều lạ lùng là càng buồn, ngón đàn của Sáu Lầu càng du dương, nghe cứ ray rứt, đứt ruột. Ngón đàn đã làm nên danh tính nhạc sĩ cho Cao Văn Lầu trong công chúng Bạc Liêu. Giai đoạn đó lại xuất hiện phong trào ca ra bộ, ban nhạc lễ của ông tập luyện một số tuồng tích để cho chương trình phục vụ công chúng thêm phong phú.
Song điểm nút thành công của ban nhạc là khi Sáu Lầu thu nhận cô Ba Vàm Lẽo. Cho đến nay, đã gần 100 năm trôi qua, đã có nhiều người cất công tìm hiểu nhưng thân thế sự nghiệp của cô Ba Vàm Lẽo cứ mơ hồ như sương như khói. Thời đó, người ta đặt nghệ danh thường gắn liền với bản quán, ví như Út Trà Ôn...
Theo đó, quê cô Ba ở Vàm Lẽo là một vùng quê nghèo nằm giữa địa giới Sóc Trăng - Bạc Liêu ngày nay. Đương thời, cô Ba còn có tên khác là cô Ba Phấn do người đời đặt cho bởi mặt cô bình thường trắng như đánh phấn, môi đỏ tươi, mắt thăm thẳm buồn, dáng thanh thoát.
Đặc biệt, giọng ca của cô truyền cảm lạ thường. Khi cô cất lên tiếng hát, dù ở nơi sang trọng lẫn chốn bình dân, không gian đều lặng yên như tờ, chỉ có tiếng hát réo rắt như tiếng suối, trầm lắng như tiếng lòng, dẫn dắt người nghe đến thoát tục mà cảm được những điều sâu lắng của tâm hồn. Tài sắc như thế, cô Ba Vàm Lẽo vụt sáng rỡ trên sân khấu lẫn đời thường.
Từ đó, tiếng tăm ban nhạc của Sáu Lầu lan ra các tỉnh lân cận, lên đến Sài Gòn. Nhiều địa chủ, phú hào, quan lại mời ban nhạc đến nhà hoặc công sở để diễn. Công tử Bạc Liêu cũng thường xuyên rước ban nhạc đi chơi, một phần cũng do bị tài sắc của cô Ba Vàm Lẽo hút hồn.
Nhiều đấng nhà giàu theo tán tỉnh nhưng cô cự tuyệt tất cả bởi giữa cô và nhạc trưởng Cao Văn Lầu đã nảy nở một mối tình đằm thắm. Đây là lần thứ hai Sáu Lầu yêu, yêu tha thiết như mối tình đầu.
Vào một đêm, cô Ba Vàm Lẽo đi hát về, bọn giàu sang mà đê hèn vì quá yêu cô nhưng không được nên nổi cuồng, bắt giết cô giữa đường rồi quăng xác xuống sông Bạc Liêu. Vụ án khiến người Bạc Liêu hết sức công phẫn, tiếc thương. Người đau đớn nhất chính là Sáu Lầu. Nỗi đau chồng chất từ hai mối tình sáng trong bị đổ vỡ đã kích hoạt cõi lòng và tâm trí ông, làm nên một cuộc căng đầy để rồi bung ra một Dạ cổ hoài lang xứng tầm kiệt tác.
Chỉ có thể từng trải và chất đầy những nỗi đau không cùng như thế mới đủ chất liệu kiến tạo một kiệt tác âm nhạc.
Cao Văn Lầu xuất thân là một tay đàn ở vùng quê hẻo lánh, học hành không đến nơi đến chốn nhưng tầm vóc tác phẩm của ông có thể đo bằng chiều dài hàng trăm năm. Điều đó không có gì lạ, bởi nhạc sĩ tài hoa này sáng tác không chỉ bằng khối óc mà còn bằng trái tim rỉ máu.
Bình luận (0)