xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dạ cổ hoài lang cho tôi cảm hứng sáng tác

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

LTS: Nhân 90 năm bản Dạ cổ hoài lang ra đời, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã tâm sự với bạn đọc về những ảnh hưởng của Dạ cổ hoài lang trong các sáng tác mang âm hưởng dân ca của ông

Tôi sinh ra tại Quảng Nam, là con của một gia đình nghèo. Mười tám tuổi, tôi xách chiếc vali nhỏ đựng vài bộ áo quần, tấm bằng tú tài, cây đàn violon, hành phương Nam.

Tôi không đi tìm công danh qua con đường đại học. Tôi đi là bởi tôi lỡ say mê hồn tính lãng mạn phương Nam trong Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu. Tôi học Hán văn và thuộc khá nhiều thi ca Đường, Tống nên trong tâm thức của tôi, ông Viễn Châu viết Tình anh bán chiếu cũng có cái lãng mạn say đắm như Thôi Hộ đời Đường viết bài thơ Đề tích sở kiến xứ (Viết tại nơi đã trông thấy ngày xưa).

img
Ca sĩ Phương Thanh biểu diễn bài hát Dạ cổ hoài lang trong Chương trình Mai Vàng 2006. Ảnh: H.Thúy


Người nghệ sĩ phương Nam thật lãng mạn


Tốt nghiệp sau 4 năm học, tôi được bổ về Bạc Liêu dạy học. Ngày ấy, tôi mới 22 tuổi. Ba mươi chín năm qua, tôi nghĩ lại mới thấy mình thật may mắn khi được đến vùng đất Bạc Liêu. Bởi Bạc Liêu là cái nôi của Dạ cổ hoài lang - bài ca tóm thâu gần như trọn vẹn chất oán trong hồn tính lãng mạn tươi đẹp của âm nhạc phương Nam. Bởi Bạc Liêu là quê hương mà người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu viết Dạ cổ hoài lang tràn đầy những suy tưởng triết học về tình yêu và sự xa biệt. Và bởi Dạ cổ hoài lang là bản gốc, được phát triển qua thời gian thành bài ca vọng cổ.

Tôi lỡ say mê Tình anh bán chiếu của ông Viễn Châu nhưng về đến xứ Bạc Liêu, tôi mới hiểu được Dạ cổ hoài lang là nguồn gốc phát tích của bài ca vọng cổ.


Năm 18 tuổi, tôi xa N.T.H – người bạn gái đầu đời ở cuối sông Thu; 20 tuổi, tôi mất người bạn ấy, mãi mãi. Chút tình đầu trong sáng, ngây thơ dằn vặt, ray rứt mãi trong tâm hồn tôi. Năm 1968, tôi viết Thu, hát cho người; Chiều mơ; Người xưa (Huyền xưa) và may mắn thành danh nhạc sĩ. Thu, hát cho người được công nhận là bài tình ca kinh điển trong âm nhạc Việt Nam. Nguồn nhạc mà tôi được học là nhạc Tây phương với những quy luật chặt chẽ, những nhạc cụ định âm.


Về đến xứ Bạc Liêu, tôi may mắn tiếp cận với một nguồn nhạc mới của hò, xự, xang, xê, cống, líu, u; với những loại nhạc cụ dân tộc bán định âm. Người nghệ sĩ phương Nam thật lãng mạn với những nốt nhấn chơi vơi trên phím đàn, với tiếng ca đổ hột ngân dài lãng đãng sương khói cho âm thanh phát ra lơ lửng 1/4, 1/8  và thậm chí là 1/16 của toàn âm (ton) so với thanh nhạc Tây phương. Đây là điều mà tôi chưa được học trong giáo trình âm nhạc.


Bài ca kinh điển


Tôi đến với những ban đàn ca tài tử, những đêm biểu diễn bỏ túi, nghe các anh chị đàn ca. Và không hiểu tự bao giờ, giai điệu Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu thẩm thấu vào tâm hồn tôi. Tôi hình dung ra giai điệu ấy, những quãng âm đặc trưng ấy trên khuôn nhạc của thanh nhạc Tây phương.


Giai điệu (mélodie) và các quãng âm (intervaux) của Dạ cổ hoài lang đẹp đến não nùng. Nếu ký âm lại bài ca với thanh nhạc Tây phương theo cung mi mineur đúng cao độ quốc tế (tương đương với giọng đào ca bài vọng cổ), ta mới thấy được cái tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Những chữ cuối câu của bài ca được tác giả thay đổi cao độ liên tục:


Từ là từ phu tướng (tướng: do #, quãng 6).

Bảo kiếm sắc phong lên đàng (đàng: la, quãng 4).

Vào ra luống trông tin nhạn (nhạn: trở lại chủ âm mi).

Năm canh mơ màng (màng: trở lại chủ âm mi).

Em luống trông tin chàng (chàng: si, quãng 5)...


Nói theo nhạc pháp Tây phương, bài ca chuyển âm giai phong phú: hạ lục trình át âm, hạ tứ trình át âm, chủ âm, hạ ngũ trình át âm. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu quả thật tài hoa khi ông thay đổi âm giai cho bài ca, khử hẳn tính đơn điệu vốn rất dễ gặp trong dân ca nhạc cổ. Tôi thẩm thấu giai điệu này của ông và tôi nghĩ đúng đó là một bài ca kinh điển.


Năm 1994, tôi viết Điệu buồn phương Nam vì nhớ thương hình bóng T.N.Y – một cô gái đất Bạc Liêu. “Chiêu thức” của ca khúc là phát triển từ điệu Xuân nữ nhưng “nội công” của bài hát là chất oán đẹp tươi của Dạ cổ hoài lang.


Năm 1999, tôi trở lại Bạc Liêu, được nghe ông Vưu Long Vỹ và các nghệ nhân Bạc Liêu ca lại bài Dạ cổ hoài lang. Tôi ký âm lại bài Dạ cổ hoài lang trên nền tảng được nghe các nghệ nhân hát. Mỗi người hát một cách khác nhau, giữa họ có sự khác biệt về cao độ một số nốt nhạc và một số chữ dùng trong câu. Tôi đối chiếu, lựa chọn và cuối cùng, tôi chọn ca từ trong tiếng hát của ông Vưu Long Vỹ. Tôi đưa bài Dạ cổ hoài lang (ký âm lại) cho Hương Lan và Hạnh Nguyên đi hát ở Hà Nội như một ca khúc độc lập (không liên hệ đến sân khấu cải lương). Hương Lan vốn quen với cải lương nên hát có sửa đổi vài chi tiết về thanh nhạc nhưng Hạnh Nguyên thì hát đúng bài.

Đó cũng chính là bài Dạ cổ hoài lang được phổ biến rộng rãi trong công chúng hôm nay.


Tôi năm nay đã 61 tuổi, vừa qua một cơn đột quy. Tôi có được gần 200 ca khúc, công bố 64 ca khúc, trong đó có 25 ca khúc phát triển từ dân ca, nhạc cổ phương Nam. Giai điệu Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là niềm cảm hứng để tôi cầm bút viết những bài tình ca về phương Nam.

Một di sản quý giá cần được khai thác


Dạ cổ hoài lang là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của đất Bạc Liêu, xứng đáng để lại cho ngàn sau. Làm thế nào để giữ lại lâu bền trước sự xâm thực của những nguồn văn hóa mới? Tôi đưa bài Dạ cổ hoài lang đã ký âm lại cho Công ty MASECO làm karaoke rồi sau đó, các kênh truyền thông đưa lên mạng. Tôi chỉ mong cho lớp đàn em, thanh niên biết say mê, trân trọng tác phẩm Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. May mắn thay, điều đó đã trở thành hiện thực.

Lên sân khấu, mỗi nghệ sĩ cải lương ca Dạ cổ hoài lang theo cách riêng của họ, khác nhau về ca từ, khác nhau về thanh nhạc. Nhưng âm nhạc là một nghệ thuật quy ước, không thể chấp nhận tình trạng ấy. Muốn con cháu chúng ta cùng giữ gìn, trân trọng Dạ cổ hoài lang thì không có cách nào hơn là Bạc Liêu phải có một bản Dạ cổ hoài lang chuẩn, được ký âm với thanh nhạc Tây phương, được in ra và được đưa lên mạng. Ca từ phải được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp thật chuẩn để phục vụ cho những người nghiên cứu văn hóa. Những nhạc sĩ, nghệ sĩ Bạc Liêu dưới sự chủ trì của ngành văn hóa - du lịch có thể làm được việc ấy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo