Tối 22-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5191 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chấn chỉnh cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ VH-TT-DL, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26-4 vừa qua
Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.
Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Sáng 23-5, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký văn bản số 2198 gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm
Theo đó, vừa qua, việc thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn gây hiểu nhầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT-DL yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn khẩn trương, nghiêm túc thực hiện một loạt nội dung.
Cụ thể, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, báo cáo Lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Với các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn liên tiếp vấp phải những phản ứng của công luận liên quan đến việc cấp phép ca khúc. Ngày 22-3-2017, cục này ra Quyết định 20/QĐ-NTBD về việc dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến gồm "Cánh thiệp đầu xuân", tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ; ''Rừng xưa", tác giả Lam Phương; "Chuyện buồn ngày xuân", tác giả Lam Phương; "Con đường xưa em đi", tác giả Châu Kỳ-Hồ Đình Phương và "Đừng gọi anh bằng chú", ghi tên tác giả An Diên.
Sự việc chưa nguôi thì lại thêm một cảnh ngộ mới khiến ai cũng bất ngờ, đó là bài hát "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có trong danh mục được phổ biến sau gần 50 năm ra đời và lưu hành, muốn biểu diễn phải xin phép. Đồng thời, công luận càng "dậy sóng" và đặt ra rất nhiều câu hỏi quanh danh sách các bài hát được phép lưu hành mà cục này công bố.
Sau đó, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi quyết định số 20/QĐ-NTBD, đồng thời yêu cầu cục tổ chức kiểm điểm nghiêm túc sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975. Cục Nghệ thuật biểu diễn sau đó có Quyết định số 39/QĐ-NTBD thu hồi quyết định số 20/QĐ-NTBD.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 5, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại gây sóng gió khi công bố thêm 10 ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam và ca khúc sáng tác của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp phép phổ biến. Ca khúc nổi tiếng "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của cố nhạc sĩ Bắc Sơn được lưu hành rộng rãi 40 năm nay cũng nằm trong số này.
Chưa dừng lại ở đó, chiều 19-5, trên website Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cập nhật hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, chủ yếu là nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ). Đây đều là những bài hát đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó, thậm chí còn có cả bài "Tiến quân ca" (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao. Dù được giải thích bằng thông cáo báo chí phát đi vào ngày 21-5 rằng cục này chỉ đưa vào danh mục bài hát được phổ biến chứ không cấp phép phổ biến nhưng không ai hiểu được vì sao cục này lại có sáng kiến quái lạ này.
Bình luận (0)