Chuyển thể một tác phẩm văn học hoặc một vở kịch ăn khách trên sân khấu lên màn ảnh rộng không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, nếu như trước đây chỉ có vài phim dạng này thì nay, nhiều dự án như thế sẽ thi nhau ra mắt khán giả.
Giải quyết khan hiếm kịch bản
Kịch bản là yếu tố quan trọng quyết định thành công của phim. Có được kịch bản hay sẽ tạo niềm tin cho nhà sản xuất lẫn nhà đầu tư. Lâu nay, phim Việt thường hay bị chê kịch bản không tốt, một màu, thiếu chiều sâu nên một số nhà sản xuất, đạo diễn khắc phục bằng cách chuyển thể kịch thành phim. Nhiều người trong giới thừa nhận khi “bí” kịch bản phim thì kịch nói, cải lương và văn học là kho tàng quý cho giới làm phim tìm đến. Tuy nhiên, việc chuyển thể không hề dễ dàng, nhiều tác phẩm đã bị gắn mác nhảm, thảm họa... khi không khéo léo trong quá trình đưa kịch lên phim.
“Khi đàn ông có bầu”, “Hello cô Ba”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”... là những phim chuyển thể từ kịch bản sân khấu từng được công chúng điện ảnh chú ý nhưng chưa thuyết phục về chất lượng. Đến khi đạo diễn Victor Vũ chuyển thể “Quả tim máu” thành công về doanh thu và nhận được nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn, những lo ngại hiện tượng kịch hóa điện ảnh mới giảm bớt. Thành công này cho thấy nếu bản lĩnh, khéo léo, chuyển thể mượt, phim từ kịch vẫn đủ sức tỏa sáng. Thế nhưng, việc này không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi, bằng chứng là đến nay, chỉ mới có “Quả tim máu” thành công.
Vở kịch kinh điển “Dạ cổ hoài lang” đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển thể thành phim, sắp ra rạp với vai chính do Hoài Linh, Chí Tài thủ diễn. Đạo diễn Lê Hoàng cũng vừa hoàn thành phim chuyển thể từ vở kịch “Hợp đồng mãnh thú” từng gây sốt của Sân khấu Kịch IDECAF. Đạo diễn Ngọc Hùng chuyển thể vở kịch “Ma nữ si tình” và còn dự định đưa thêm 2 vở nổi tiếng của Sân khấu Kịch Thế giới trẻ là “Cõng mẹ đi chơi”, “Chuyện tình Băng Cốc” lên màn ảnh rộng.
“Việc chuyển thể kịch lên phim đang là xu thế. Các vở kịch thường có sẵn kịch bản tốt nên khi đưa lên màn ảnh rộng, nếu làm tốt khâu chuyển thể sẽ có phim hay. Chúng ta không chỉ có kịch mà còn có nhiều vở cải lương với cấu trúc câu chuyện ấn tượng, sẽ rất hay nếu được biến hóa thành phim” - đạo diễn Lý Minh Thắng nhận định.
Tuy nhiên, tác phẩm kịch chuyển thể điện ảnh mới nhất là “Thần tiên cũng nổi điên” đã trở thành nỗi thất vọng lớn. Dù trên Sân khấu kịch Thế giới trẻ, vở này diễn 1.000 suất, kéo dài suốt 2 năm nhưng trên màn ảnh rộng, nó không khác gì một vở kịch có ngoại cảnh, được quay lại rồi đưa lên.
“Nếu muốn chuyển thể tốt, cần người chấp bút am hiểu rõ điện ảnh. Kịch có sẵn cốt truyện hay nhưng làm không khéo sẽ chẳng khác nào xem lại vở kịch trên màn ảnh rộng, có thêm ngoại cảnh. Một số cảnh trong vở kịch khi diễn trên sân khấu làm người ta cười nhưng lại chẳng thể gây cười khi đưa lên điện ảnh” - đạo diễn Trần Toàn phân tích.
Đừng thành kịch... chiếu rạp
Đạo diễn Lê Hoàng cho biết việc chuyển thể từ loại hình này sang loại hình khác, các nước đã làm từ lâu và Việt Nam cũng có không ít tác phẩm điện ảnh chuyển thể nhưng thời điểm này, nhiều người chú ý hơn vì nhiều dự án chuyển thể xuất hiện.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, việc chọn đưa một vở kịch lên phim có thuận lợi về mặt kịch bản, vấn đề còn lại cần giải quyết là chuyển từ ngôn ngữ sân khấu sang ngôn ngữ điện ảnh như thế nào cho hấp dẫn. Việc giữ nguyên cốt truyện hay sửa chữa, thêm thắt tình tiết để tạo sự mới lạ là do đạo diễn quyết định. Họ có đánh giá và cách nhìn riêng cho tác phẩm của mình. Trong nghệ thuật, sự sáng tạo là vô tận nhưng cần phải làm sao để đạt độ hài hòa, chinh phục được khán giả.
Sân khấu thường có tính ước lệ, cần cường điệu trong cách diễn còn điện ảnh chú trọng phần hình ảnh, sự chân thực, tự nhiên. Nếu đạo diễn không tiết chế được tính sân khấu, sự cường điệu này dễ biến tác phẩm điện ảnh thành kịch chiếu rạp. Đây là trường hợp mà phim “Thần tiên cũng nổi điên” vướng phải. Đạo diễn Luk Vân nhìn nhận: “Kịch vốn có cốt truyện hay nhưng mỗi vở thường dài so với thời lượng phim rạp, phải lược bỏ và chọn chi tiết đắt giá lên phim. Việc chọn lựa và điện ảnh hóa các chi tiết này không phải dễ dàng”.
Kịch là kịch, phim là phim nhưng một khi đã quyết tâm biến kịch thành phim thì phải có sự đầu tư hợp lý, không thể chỉ dựa vào cốt truyện hay, sự thành công của vở diễn trên sân khấu rồi bê nguyên xi lên màn ảnh rộng. Với sự đầu tư hời hợt thì dù kịch bản sân khấu có hay đến mấy cũng khó cứu được tác phẩm điện ảnh.
Chịu nhiều áp lực
“Chuyển thể kịch sang phim không phải là việc dễ dàng dù cấu trúc có sẵn. Khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ thể hiện. Chúng ta không nên để khán giả có cảm giác xem phim mà như xem vở kịch trên màn ảnh rộng. Ngôn ngữ sân khấu và ngôn ngữ điện ảnh đều có cái hay riêng nên quan trọng là người chuyển thể phải làm sao để truyền tải cái hay đó cho khán giả khi chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác” - đạo diễn Minh Thắng nhận xét.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng khó khăn khác của việc đưa kịch lên phim điện ảnh là chịu nhiều áp lực từ phía khán giả. Một vở kịch nổi tiếng luôn có sẵn lượng khán giả riêng. Những khán giả này dễ có sự so sánh giữa phim và kịch. Nếu nội dung phim khác kịch, ê-kíp thực hiện sẽ bị chỉ trích. Muốn chinh phục lượng khán giả này, phim chuyển thể phải thật sự hấp dẫn, đủ để quên đi những ấn tượng mà kịch đã mang lại.
Bình luận (0)