Xu hướng làm phim khai thác từ tác phẩm văn học đang được giới điện ảnh quan tâm, nhất là khi một số bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học trở thành phim ăn khách nhất thời gian qua. Song việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh cũng đầy thách thức đối với những người làm phim bởi cũng không ít phim loại này đã nếm mùi thất bại.
Văn học luôn có thể thành điện ảnh
Rất nhiều ý kiến đưa ra bàn cãi trong hội thảo “Từ truyện đến phim”, tổ chức tại Viện Truyện tranh và Hoạt hình TP HCM vào sáng 30-10, xung quanh vấn đề này.
“Ngoại trừ những kiệt tác văn học như “Truyện Kiều” rất khó, thậm chí không chuyển thể được thành phim, vì giá trị triết lý, giá trị tâm lý của kiệt tác văn học rất khó chuyển thể thành ngôn ngữ hình ảnh. Trong khi đó, có tác phẩm hoàn toàn có thể trở thành kiệt tác điện ảnh, như “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu hoặc “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi trở thành phim đã gây sốt trên màn ảnh rộng” - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu dẫn chứng.
Văn học làm tốt nhất những gì thuộc về giằng xé nội tâm, thay đổi ý thức, còn những gì thuộc về âm thanh, hình ảnh, ánh sáng… đánh động vào người xem, điện ảnh phản ánh tốt hơn rất nhiều. Với đặc thù ngôn ngữ khác hẳn nhau, tất nhiên công việc chuyển thể có nhiều khó khăn nhưng tất cả đều phụ thuộc vào tư duy của người thực hiện. Theo TS lý luận văn học Đào Lê Na, không có tác phẩm văn học nào không thể làm phim. Bà dẫn chứng về câu chuyện trong tiểu thuyết “Nét duyên góa phụ” được chuyển thể thành phim “Vĩnh cửu” của Trần Anh Hùng (vừa ra mắt khán giả Việt Nam cách đây không lâu): “Bất cứ ai xem phim này sẽ khâm phục đạo diễn Trần Anh Hùng bởi ông đã đưa tới công chúng một bộ phim tuyệt vời mà nếu khi đọc tiểu thuyết, rất khó có thể tìm ra được những yếu tố để có thể chuyển thể thành một tác phẩm điện ảnh. Ngôn ngữ hình ảnh của Trần Anh Hùng thuộc loại hình ảnh triết lý chứ không phải hình ảnh minh họa, tác phẩm cũng bám sát tác phẩm văn học, không thay đổi bất cứ tình tiết, nhân vật nào” - TS Đào Lê Na nói.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, người lập kỷ lục doanh thu phòng vé với “Em là bà nội của anh”, nêu quan điểm: “Tôi không biết các đạo diễn khác có xu hướng lựa chọn tác phẩm văn học nổi tiếng để chuyển thể hay không nhưng cá nhân tôi không chọn nếu không tìm thấy liên hệ giữa mình với tác phẩm gốc”.
Nên trung thành hay cải biên?
Một trường hợp khác là truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được viết với thứ ngôn ngữ rất đẹp, tạo cảm xúc rất mạnh cho người đọc nhưng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Rất khó để chuyển thể được thành ngôn ngữ hình ảnh, nếu làm phim mà trung thành với tác phẩm thì những người không đọc truyện sẽ thấy phim hoàn toàn không có kịch tính, cho nên tôi chọn cách lọc bớt các nhịp văn học bị lặp lại để khiến cho diễn tiến câu chuyện tốt hơn với nhịp của điện ảnh. Cho dù các chi tiết đó rất hay nhưng nó không phục vụ cho việc đẩy câu chuyện đến cao trào”.
Có đạo diễn xem văn học chỉ là chất xúc tác để làm tác phẩm điện ảnh, có thể dời điểm nhìn, biến cải cho phù hợp. Nhiều tác phẩm văn học khi lên phim, độc giả sẽ không còn nhận ra tác phẩm văn học đó nữa mà hoàn toàn là một tác phẩm khác hẳn. Rất nhiều tác giả văn học lên tiếng chỉ trích đạo diễn làm không đúng như tác phẩm văn học của họ, có trường hợp nhà văn còn bức xúc đi kiện đạo diễn vì đã không trung thành với tác phẩm của mình.
“Đạo diễn hoàn toàn có quyền bám sát tác phẩm gốc hoặc thay đổi. Nhưng kể cả khi tôn trọng nguyên tác, tôi cho rằng các đạo diễn sau khi lấy được cái gì từ tác phẩm văn học thì nên cấu trúc lại và tái sáng tạo” - TS lý luận văn học Đào Lê Na đề nghị. Theo bà, “hiệu quả của hình ảnh khác với hiệu quả của văn học. Tác giả văn học có thể miêu tả rất dài trên mấy trăm trang văn bản nhưng một kịch bản phim thì chỉ khoảng hơn 100 trang. Cho nên phải lựa chọn, tiết kiệm thời lượng và nhấn vào đúng ngôn ngữ hình ảnh gây ấn tượng với người xem”.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đang chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “Cô gái đến từ hôm qua”, nói: “Tất nhiên, ai làm phim cũng có áp lực vì mọi người thường hay so sánh xem phim làm ra có hay hơn truyện hay không, có giống truyện hay không… Với tôi, điều tệ hại nhất là cứ phải tìm cách làm hài lòng người khác. Áp lực lớn nhất đối với tôi là thỏa mãn chính mình, tức là làm sao thể hiện được đúng những gì mình hình dung, làm thế nào để khán giả cùng thời thấy mình sống lại trên màn ảnh, còn khán giả trẻ cũng có thể cảm nhận được cái gì đó từ bộ phim”.
Bình luận (0)