Chân dung minh họa công tử Bạc Liêu |
Người đó là ông Trần Trinh Nhơn, năm nay 58 tuổi, ngụ tại TPHCM. Trước năm 1975, ông được gia đình cho đi du học tại Nhật. Khi về nước, thay vì tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư, ông lại mang về bằng chứng nhận... vũ sư hạng nhất! Từ đó về sau, ông và người cha mình có mặt hầu khắp các vũ trường Sài Gòn và ở những nơi ăn chơi danh tiếng nên được xem là người hiểu rõ nhất về công tử. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, ông đã từng đoạt giải Kim Khánh (một giải do Nghiệp đoàn Báo chí Sài Gòn tổ chức) - giải khiêu vũ thưởng cho những nghệ sĩ có điệu nhảy đẹp nhất, do báo chí Sài Gòn bình chọn. Sau giải phóng, khi khiêu vũ trở thành một bộ môn văn nghệ trong sinh hoạt phong trào tại TPHCM, ông được cử làm chủ nhiệm đầu tiên của Nhà Văn hóa Lao động. Năm 1998, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ múa TPHCM nhiệm kỳ II. Về sau, ông sống lặng lẽ bởi gặp những thăng trầm của cuộc đời nên ít người biết vũ sư Hoài Nhơn lại là một trong sáu người con của Công tử Bạc Liêu hiện đang còn sống tại Việt Nam. Ông đã hồi tưởng về người cha thân yêu của mình...
... Ở nhà tôi, anh em chúng tôi thường gọi ba tôi một cách vui vẻ và thân tình bằng hai tiếng "ông già". Ông có tên thật là Trần Trinh Huy, sinh thời người ta gọi là cậu Ba Huy, sinh ngày 27-5-1900 tại làng Vĩnh Hương, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Từ nhỏ tôi đã được sống gần ông cho đến lúc ông qua đời tại tư gia vào ngày 13-l-1974. Ba tôi có ba đời vợ, đời thứ nhất với mẹ trước của tôi là bà Ngô Thị Đen, em ruột của ông hội đồng Điều, sinh ra chị Trần Thị Lưỡng (chị Lưỡng là vợ ông Nguyễn Duy Quang, nguyên bí thư của vua Bảo Đại). Bà ở với ba tôi một thời gian rồi qua Pháp sinh sống, sau đó bị bệnh bướu não, phải qua Thụy Sĩ phẫu thuật và qua đời vào năm 1972. Sau khi bà mất, gia đình đã đưa về quê an táng. Tôi là con đời vợ thứ hai của ba tôi. Mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Mẹo, quê ở Mỹ Tho, cháu gọi nhà văn, nhà báo cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn bằng chú. Mẹ tôi sinh được ba người con, hai trai một gái. Lúc nhỏ, tôi học ở Trường Taberd và sang Nhật năm 1968. Ở Nhật, tôi học nhảy với một vũ sư người Đức với bài vỡ lòng Danube bleu. Hai cha con tôi ở ngôi nhà số 117 đường Nguyễn Du, sau này dời đến ở số 26/6 Chi Lăng, một ngôi biệt thự được xây theo kiểu Pháp, nay thuộc đường Nguyễn Huy Tưởng. Ở đó, ngoài tôi còn có người vợ trẻ mà ba tôi mới cưới sau này, thua ông đến 40 tuổi, tên là Bùi Thị Ba. Bà là mẹ kế nhưng xấp xỉ tuổi tôi nên tôi vẫn gọi bà là chị Ba. Chị ba sinh bốn người con, ba trai một gái.
Cuộc đời của ông hội đồng Trần Trinh Trạch
Được sống gần gũi với ba, tôi đã hỏi ông được nhiều điều về gia thế của ông nội tôi và những lời đồn đại về ông. Ông nội tôi tên là Trần Trinh Trạch, vốn là một người Minh hương, theo phong trào "phản Thanh, phục Minh" cùng với chủ tướng Trần Thượng Xuyên xin về cư ngụ tại vùng cù lao Phố, Biên Hòa - Đồng Nai. Gia đình ông nội tôi rất nghèo nên đã phiêu dạt về miệt Bạc Liêu tìm kế mưu sinh, rồi định cư tại Cái Dầy (nay là xã Châu Hưng). Tại đây, ông nội tôi làm mướn cho một điền chủ. Gia đình điền chủ này nhập quốc tịch Pháp. Ông nội tôi được gia đình này cho đi học tiếng Pháp. Đây lại là cơ may cho ông có điều kiện tiến thân sau này. Ông có trình độ văn hóa tương đương lớp 7 - 8 ngày nay, nói và viết được tiếng Pháp. Thời ấy, người có trình độ cỡ đó rất hiếm nên ông được chính quyền thực dân tuyển vào làm thư ký tại Tòa bố (Tòa Hành chính tỉnh). Từ những đồng lương công chức chắt chiu, ông mua ruộng đất với giá rẻ, sau một thời gian đã sở hữu nhiều đất đai ở Bạc Liêu và các vùng phụ cận. Ít lâu sau, ông được ông bá hộ Bì (Phan Hộ Biết) gả con gái của mình là bà Phan Thị Muồi. Ông cố ngoại của tôi từng là một đại chủ giàu khét tiếng. Ngoài ra, ông bá hộ Bì được mệnh danh là vua lúa gạo Nam Kỳ. Khi mở thương cảng Sài Gòn, ông đã mua hơn chục chiếc ghe chài để thu mua lúa gạo từ Bạc Liêu chở về Sài Gòn. Ông là chủ sở hữu hầu hết các sở muối từ Gành Hào đến Vĩnh Châu. Kể từ đó, ông nội tôi được bên vợ hậu thuẫn làm ăn.
Chính những đồng lúa phì nhiêu của Bạc Liêu đã cho ông nội tôi một tài sản lớn. Ba tôi kể rằng vào những năm 1929 - 1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, thực dân Pháp chiêu dụ các điền chủ gom góp của cải chuyển về mẫu quốc bằng cách bán cho họ các chức hàm và phong tước lớn nhỏ tùy vào mức ủng hộ. Nhờ đóng góp nhiều, ông nội tôi được người Pháp trao một huân chương cao quý và ban tặng một thanh gươm gia bảo. Ngoài ra, ông nội tôi được Toàn quyền Đông Dương phong đến chức đại biểu hội đồng tư vấn mật vụ, lớn hơn cả hội đồng quản hạt (có quyền gặp trực tiếp Toàn quyền Đông Dương bất cứ lúc nào). Hễ quan bố chánh (chủ tỉnh) nào mới được điều về Bạc Liêu là phải đến chào ông nội tôi trước tiên. Ông sống rất cần kiệm, suốt đời chỉ chí thú chăm lo gây dựng sự nghiệp, sống với bà tôi rất thủy chung. Ông có thói quen mặc bộ đồ mỏng màu trắng, như áo túi của phụ nữ hồi thập niên 50 trở về trước...
Ông tôi qua đời vào năm 1942. Lễ tang của ông được xem như to nhất ở xứ Nam Kỳ lục tỉnh bấy giờ. Nhà nước Pháp khi nghe tin đã cử một đội lính lê dương súng ống nai nịt chỉnh tề, đưa ông từ Sài Gòn về và rước ông ra tận huyệt. Dòng họ Trần Trinh chủ trương không thu tiền phúng điếu, tá điền đến dự tang và để tang được cho 1 cắc, tương đương với một giạ lúa. Tá điền tận Vĩnh Hưng, Bàu Sàng cũng được huy động ra để phục dịch. Đám tang kéo dài 7 ngày, 7 đêm. Ai đến ăn uống cũng được. Khi đưa tang, thân bằng quyến thuộc, bè bạn và tá điền đi thành một đoàn dài 5 cây số, xe cộ rầm rập cùng ba dàn nhạc là bùa lào cấu (Hoa), ngũ âm (Khmer) và đạo tì (Việt).
Công Tử Bạc Liêu "Chơi để Tây nể... ta”
Ba tôi người rất cao lớn, được xem là khá đẹp trai, sang trọng. Tuy nhiên, những ưu thế đó không hẳn đã giúp ông chinh phục được mẹ tôi vốn là con của một nhà "trâm anh thế phiệt", giàu có tiếng ở miệt Mỹ Tho - Chợ Gạo. Điều làm mẹ tôi quyết định về sống chung với ba tôi chính là nhân cách và đạo đức của ông. Ông có cá tính mạnh mẽ, có cách ăn chơi khác người. Khi tôi hỏi vì sao phải làm như vậy, ba tôi đã trả lời: "Bọn Tây hay khinh bỉ dân ta nên ba chơi cho tụi nó phải nể mặt dân ta". Từ thuở nhỏ cho đến khi lớn, tôi chưa thấy ông đối xử tệ với bất cứ ai, dù đó chỉ là người ở. Tính tình của ba tôi rất dễ dãi và hào phóng. Con cái trong nhà nếu có lầm lỗi, ba tôi cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm, ba đều cho tiền. Trong các mối quan hệ, ba là người khoáng đạt, không dè dặt và chẳng mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn chủ điền chơi với người Pháp rất khúm núm, nịnh nọt, gọi là "chơi thế", còn ba tôi cứ "toa toa", "moa moa" sòng phẳng, ngang hàng phải lứa. Nếu như trong mắt nhiều người Việt, ba tôi là người ăn chơi nhất Nam Bộ, thì trong mắt người Pháp, ông được nể trọng vì có vợ đầm và là người Việt Nam đầu tiên mướn người Pháp làm công cho mình. Tính của ba tôi vị tha, lại coi tiền như rơm như rác. Ông luôn sang trọng, xa hoa, ra đường là mặc veston, thứ đắt tiền nhất. Thời quen ẩm thực của ông là sáng ăn bánh mì với bơ, uống cà phê sữa, trưa ăn xúp vi cá, chiều ăn cà rri nấu bằng cá chẽm và cá chim. Ban ngày, hoặc ông ở nhà đọc báo, hoặc giao du với tầng lớp quý tộc Sài Gòn. Chiều tà, tài xế đánh xe chở ông đi chơi bời đến khuya. Đến chủ nhật ông đi Ô Cấp (Vũng Tàu) hoặc Đà Lạt hay về Cần Thơ nghỉ. Lúc còn đang đi du học ở Tây, ông đã sống với một cô gái Pháp trẻ đẹp, sinh một con trai đặt tên là Nal Huy. Về nước, sau khi ông lấy vợ ít lâu, bỗng một hôm người vợ từ Paris lặn lội đến Việt Nam, dắt theo đứa con trai kháu khỉnh xuống tới tận Bạc Liêu. Ông ngỡ ngàng vì cuộc tái ngộ quá đột ngột, bố trí hai mẹ con ở một phòng riêng, chưa cho mẹ cả của tôi biết. Ông sợ mẹ cả dù hiền, song có thể ghen, bất ngờ nổi cơn sốc thì nguy hiểm. Thời gian sau, cô người Pháp biết ba tôi có vợ Việt, chuyện chăn gối chẳng thể dành riêng cho một mình ai, phần nữa cô cũng muốn về quê nên đã dắt anh Nal Huy trở lại Pháp. Hết thảy mọi chi phí đi lại, ăn ở, tiền phòng bị trên đường về và ngân khoản thích đáng dành cho việc nuôi dạy anh Nal Huy ăn học đều được ông bà nội tôi và ba tôi lo lắng chu đáo.
Người Việt Nam đầu tiên tự mua và lái máy bay
Sự kiện làm chấn động Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ là việc ba tôi mua máy bay thể thao để đi canh lúa. Về chuyện ba tôi mua máy bay, tờ báo Pháp ngữ là Le Courrier Saigonnaise đã loan tin với nội dung: "Công tử Bạc Liêu mua máy bay và làm sân đáp trong đồn điền của ông tại Cà Mau", gây chấn động cả nước vì cả Việt Nam lúc đó chỉ có hai chiếc máy bay, đó là của vua Bảo Đại và của ba tôi. Chuyện mua máy bay cũng gặp khá nhiều rắc rối vì quan tham biện chủ tỉnh Bạc Liêu không cho sử dụng không phận Bạc Liêu. Ông nội tôi phải đích thân tìm gặp Toàn quyền Đông Dương để khiếu nại. Máy bay được sử dụng chủ yếu để vận chuyển người nhà từ Bạc Liêu lên Sài Gòn và ngược lại, đồng thời được sử dụng vào việc đi thăm đồng ruộng khi tá điền bước vào vụ thu hoạch.
Ba tôi kể rằng chiếc máy bay mua về được ông nội tôi quản lý rất chặt chẽ. Ba tôi là người lái và mướn thêm một kỹ sư Pháp để đảm nhận việc duy tu, sửa chữa máy móc. Loại máy bay thể thao chỉ chở được bốn người, nên việc đáp xuống cũng rất thuận tiện. Việc làm sân để máy bay hạ cánh cố định một chỗ cũng được ông nội tôi sai tá điền làm rất kỹ lưỡng. Máy bay khi đáp xuống ở nơi cố định, ông nội và ba tôi mới dùng ca nô hay chiếc xe “mu rùa" (loại xe hiệu Renault cũ của Pháp) để đi thăm đồng. Lúc ấy xăng dùng cho máy bay rất hiếm, phải mua từ Pháp về, do vậy khi gia đình có việc cấp thiết mới sử dụng đến máy bay, còn đa số chỉ sử dụng xe và ca nô là chính. Mỗi lần từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, cha tôi thường cho máy bay hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Tại đây nhà tôi có sẵn một garage, từ máy bay ông ghé đến garage lái xe về. Việc sử dụng máy bay rất cẩn thận nhưng cũng có một vài lần gặp sự cố. Một lần, khi đi thăm sở điền Vĩnh Châu, thấy bãi cát ven biển bằng phẳng, ba tôi liền cho máy bay đáp xuống, ai dè cát lún, máy bay chúi đầu xuống cát, ba tôi suýt chết, chân bị thương nặng, lại phải huy động trâu kéo máy bay lên. Lần khác, để lấy oai ở Bàu Sàng, ba tôi huy động tá điền dọn mảnh ruộng chiều ngang 2 công, dài 20 công rồi dùng trâu dặm bằng phẳng như sân banh để lấy chỗ cho máy bay về đáp. Lần này cũng xảy ra tai nạn, máy bay gãy cánh, ba tôi suýt bỏ mạng...
Sau này, chiếc máy bay ấy không còn được sử dụng nữa, nằm trơ trọi ở garage xe cạnh sân bay Tân Sơn Nhất để rồi trở thành một kỷ niệm với những huyền thoại ly kỳ mà người dân miệt Bạc Liêu - Cà Mau nhắc mãi không thôi.
Bình luận (0)