Một hồi, Hà Nội cứ xôn xao về cô bé bốn tuổi đã biết biểu diễn violon những tác phẩm của Mozart, Vivaldi... song mọi chuyện lại quên đi rất nhanh. Bảy năm sau ở Cuộc thi Tài năng trẻ Violon TPHCM 1989, cô bé đã 11 tuổi mà người cha đặt nhiều hoài bão ấy lại một lần nữa không giành được giải.
Truyền thống gia đình.- Cô bé lận đận đoạn đầu ấy là Nguyễn Thị Mỹ Hương, người vừa được chọn dự thi Cuộc thi Quốc tế Tchaikovsky tại Nga vào tháng 6-2002 này. Hương là con út của ông Nguyễn Đình Nham và bà Nguyễn Thị Phúc (bà kế). Trên cô có các anh chị Nguyễn Đình Quì (NSƯT, giảng viên violon của Nhạc viện Hà Nội), Nguyễn Ngọc Đĩnh, Nguyễn Tuyết Nga, Nguyễn Ngọc Nhật, Nguyễn Ngọc Mỹ, Nguyễn Ngọc Đức, tất cả đều là violonist ở các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc đài phát thanh. Ngay đến các cháu cô cũng đã là những violonist tài năng.
Có mặt trong dàn nhạc trẻ châu Á.- Lận đận đoạn đầu nhưng rồi cuộc đời cũng nở nụ cười với Mỹ Hương. Sau thời gian học sơ cấp ở Trường Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), năm 1992 Hương vào học trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội, năm 1998 thi lên đại học và đỗ với số điểm cao nhất 9,98. Mỹ Hương được NSƯT - PGS Ngô Văn Thành giảng dạy. Năm 2000, cô được trúng tuyển vào Dàn nhạc Trẻ châu Á - AYO được học tập và diễn trong gần ba tháng hè. Lần ấy AYO diễn tại Hồng Kông, Tokyo, Hyundai, Seoul, TPHCM, Hà Nội, Melbourne, Canberra, Sydney suốt một tháng. Với các sinh viên âm nhạc trẻ châu Á, có lẽ không có kỳ học hè nào bổ ích và thú vị hơn là được tham gia AYO. Mỹ Hương còn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đi biểu diễn ở Nhật (lần đầu tiên dàn nhạc giao hưởng của nước ta xuất ngoại). Trong Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội bây giờ có tới ba cô cháu: Mỹ Hương và Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Thu Bình (con của NSƯT Nguyễn Đình Quì và NSƯT Ngô Bích Vượng. Các cháu còn lớn tuổi hơn cả cô.
Vượt qua vòng loại.- Đối với những người theo đuổi nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, được dự thi Cuộc thi Quốc tế Tchaikovsky là một vinh dự lớn . Trước hết, muốn được thi, thí sinh phải gửi băng hình và tiếng chương trình thi của mình tới ban tổ chức. Các giám khảo xem thấy “sạch nước cản” mới chấp nhận cho qua vòng loại (vừa qua Việt Nam cử ba thí sinh thi ba môn là piano, violon và thanh nhạc nhưng chỉ hai qua được vòng loại là Mỹ Hương và Phương (piano). Thí sinh phải mất hai năm chuẩn bị bài vở dự thi vì tháng 11-2001 nộp băng, tháng 3-2002 mới có giấy báo kết quả vòng loại. Nhận giấy báo rồi, lo tập bài và các thủ tục để tới được nước Nga cũng thật trầy trật. Có 53 thí sinh thi violon của 19 nước theo thứ tự Azerbaijan (1), Brazil (1), Bulgaria (1), Canada (1), Trung Quốc (6), Pháp (2), Georgia (1), Đức (4), Nhật (12), Ba Lan (1), Hàn Quốc (3), Romania (1), Nga (12), Tây Ban Nha (1), Thổ Nhĩ Kỳ (1), Ukraina (1), USA (1), Việt Nam (2 - thêm Trần Hữu Quốc đang học nghiên cứu sinh ở Nga tham gia), Yougoslavia (1). Nhìn vào danh sách các nước tham gia cũng đủ thấy có mặt trong số ấy là điều không dễ dàng. Việt Nam ta từ đầu thập niên 70 đến nay đã có Ngô Văn Thành, Bùi Công Thành, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Khắc Hoan, Phượng Như dự thi violon ở cuộc thi này song thành tích cao nhất cũng chỉ là qua được vòng 1, vì thế với Mỹ Hương lần này cũng vẫn mới chỉ là niềm hy vọng.
Bình luận (0)