Theo thông tin trước đó, 12 giờ đêm ngày 4-3 (giờ Tý ngày 14 tháng Giêng), Lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2015 chính thức bắt đầu. Cảnh hỗn loạn diễn ra, tiếng hò hét, chửi bới, giẫm đạp lên nhau chỉ để mong xin được một cành hoa, chiếc bánh, lon bia… hay được sờ tay vào một vật gì đó ở điện thờ. Cảnh tượng "cướp" lộc Đền Trần năm nay còn kinh hoàng hơn những năm trước. Nhiều người đi lễ chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Cảnh cướp hoa, cướp lộc
Bạn đọc Tư Cận cảm thán viết: “Không thể chịu đựng nổi việc nhân danh lễ hội truyền thống rồi giẫm đạp, náo loạn kiểu thế này. Các vua Trần chắc cũng ngoảnh mặt rơi lệ vì con cháu mù quáng, mê tín, đâu rồi tinh hoa cốt lõi của lễ hội?”. “Đi lễ gì mà như đi ăn cướp vậy, nhìn thấy chán mấy cái lễ hội này” -Trần Thi Hương viết. “Câu hỏi được đặt ra là do ý thức của người dân hay do yếu kém của phía lãnh đạo địa phương?... Đã rất nhiều năm như thế rồi mà công tác quản lý lễ hội không được cải thiện! Đọc mà thấy nhói đau trong lòng. Thương cho cái văn hóa tín ngưỡng đã bị chính những người theo tín ngưỡng xô đẩy đạp nát. Ý thức tham gia lễ hội thật rẻ tiền giống như mớ tiền lẻ mà họ ném vào đền thờ!” – bạn đọc Táo Xanh bức xúc.
Bạn đọc Bolero cho rằng liệu có còn linh thiêng? Thần linh nào (nếu có), sẽ chứng giám cho những kẻ phá hoại và xem thường thần linh như thế? “Tôi nghĩ nên dẹp nạn phát ấn kiểu này. Lễ hội cứ tổ chức còn ấn cứ in đại trà trăm ngàn hay triệu cái rồi để đấy từ ngoài vào trong ai muốn lấy thì lấy. Vì số lượng có hạn như thế chỉ tạo nên cảnh hỗn loạn như trên mà thôi, không có người bị giẫm đạp chết là may. Năm nay họ cướp ấn, giật kiếm, làm đổ bàn thờ. Năm sau coi chừng họ cướp cả đền, lật cả bàn thờ” – bạn đọc Bolero cảnh báo.
Người dân xô đẩy, chen lấn để được xoa tiền vào trong bảo kiếm
Nhiều người còn cướp lộc, cướp hoa phá vỡ cả các đồ thờ cúng
Trong khi đó, bạn đọc Robert kết tội thẳng thắng: “Nếu các vua Trần có sống lại mà nhìn thấy cái cảnh “báng bổ tiền nhân” này chắc các Ngài sẽ ra chỉ dụ: "Từ nay thứ dân các người từ quan cho đến dân đừng lợi dụng danh nghĩa bọn ta để mà kiếm chác nữa, các ngươi đạp đổ cả bàn thờ ta để cầu lợi lộc riêng như thế này mà gọi là thờ cúng hả? Đúng là kính chẳng bõ phiền!" rồi các Ngài băng hà tiếp chứ ở lại dương gian không chừng cung điện của các Ngài cũng bị sập luôn! Thật không còn gì để nói!”.
Nhiều bạn đọc cảm thán vì sao năm nay lễ hội nào cũng bát nháo, nhiều cảnh phản cảm đến vậy. Trong khi đó, bạn đọc Madam Lê đau đáu suy nghĩ không hiểu sao lúc đất nước ngày một phát triển, lễ hội ngày càng hoành tráng, tâm tư của những người dự lễ lại bé đi như vậy?
Câu hỏi cứ xoáy sâu trong lòng những người từng lắc đầu ngao ngán trước cảnh bát nháo, hỗn loạn ở các lễ hội truyền thống của dân tộc. Dẹp đi thì không thể vì phải lưu giữ truyền thống nhưng nếu giữ lại và phát huy thì có lẽ ban quản lý lễ hội, chính quyền địa phương phải quyết liệt để những cảnh “chướng tai, gai mắt” trên không còn xuất hiện, để lễ hội đúng nghĩa là lễ hội. Chúng ta làm thế nào để các bậc tiền nhân không phải rơi lệ thương cảm khi nhìn cảnh con cháu đời sau vô cảm, chỉ chăm chăm muốn lợi, muốn lộc cho mình mà sẵn sàng giẫm đạp nhau và giẫm đạp luôn cả tôn nghiêm của các Ngài.
Bình luận (0)