Phim và kịch là hai lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, khó có thể so sánh được vì một bên mang tính ước lệ còn một bên hình ảnh chân thật. Tuy nhiên, "Dạ cổ hoài lang" lại được chuyển thể từ kịch, dù muốn dù không, người xem vẫn có sự liên tưởng, so sánh giữa hai tác phẩm này.
Cốt truyện được giữ nguyên, một số chi tiết được thêm vào để làm tăng cao trào kịch tính nhưng nội dung phim vẫn xoay quanh câu chuyện về ông Tư và ông Năm. Hai ông già đến từ mảnh đất Nam Bộ này sống những năm cuối đời trong trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người già tại Mỹ; thỉnh thoảng mới được về thăm con, cháu. Ông Tư tiếng Anh không hiểu rõ trong khi ông Năm biết đôi chút nên sinh hoạt dễ dàng hơn.
Ông Tư gặp khó khăn với cô cháu gái Tammy, tên tiếng việt Mỹ Tâm (Trúc Lê) sinh ra rồi lớn lên tại Mỹ vì cả hai có sự khác biệt quan điểm sống. Ông muốn chăm sóc, lo lắng cho cháu nhưng Tammy luôn sợ hãi và phòng bị vì cho rằng ông nội xâm phạm quyền riêng tư của cô. Chuyện được đẩy lên cao trào khi ông Tư trốn trung tâm, về nhà với mong muốn tổ chức đám giỗ cho vợ...
Phim có cảnh quay tuyệt đẹp, từ tuyết phủ trắng xóa cung đường ở Mỹ cho đến cảnh miền quê thanh bình, xanh mướt qua hồi tưởng của nhân vật. Hình ảnh cây cầu khỉ cho đến chiếc xuồng ba lá lướt trên sông cùng những trò thả diều, ném bùn... tạo điểm nhấn khiến người xem là dân Nam Bộ bồi hồi nhớ lại thuở ấu thơ.
Ca khúc "Dạ cổ hoài lang" được hát lên trong không gian bình lặng nghe day dứt, tạo được cảm xúc cho người xem. NSƯT Hoài Linh và nghệ sĩ Chí Tài thể hiện tốt nhân vật ông Tư và ông Năm. Cả hai có những màn tung hứng hài hước, ăn ý và cũng tràn đầy xúc cảm qua những phân cảnh lấy nước mắt người xem.
Ông Tư từng là vai diễn mang đến cho NSƯT Hoài Linh Giải Mai Vàng Nam diễn viên sân khấu được yêu thích nhất. Từ sàn kịch lên màn ảnh rộng, bằng bản lĩnh của mình, nghệ sĩ này vẫn thể hiện trọn vẹn hình ảnh một ông lão miền Nam chân chất, luôn đau đáu nhớ quê hương. Sống ở nơi từng là giấc mơ của nhiều người, ông không chút sung sướng, trái lại là nỗi nhớ quê dày vò tâm can.
Dường như, sau một loạt vai diễn hài hước đủ kiểu, NSƯT Hoài Linh có được vai ấn tượng trong sự nghiệp diễn xuất điện ảnh của mình. Dàn viên diễn trẻ phối diễn trong phim có Will lột tả tốt hình ảnh ông Năm thời trẻ, các diễn viên nhí Trọng Khương, Thanh Mỹ, bé Ben cũng diễn xuất tốt.
Ngoài những mặt được, "Dạ cổ hoài lang" vẫn còn sạn, khiến nó khó có thể vượt được kịch về cảm xúc. Có thể do kịch dài vài tiếng còn phim chỉ vỏn vẹn hơn một tiếng, thời gian cũng là vấn đề khiến phim không mượt mà bằng kịch. Những đoạn chuyển thắt mở vẫn còn gượng ép, chưa đủ thuyết phục. Phim có vài trường đoạn dài dòng, lê thê khiến khán giả buồn ngủ trên cái nền bi thương của câu chuyện. Những phân đoạn hồi tưởng khá hay nhưng cũng khá ngắn ngủi.
Phần diễn xuất của vai Tammy là tệ nhất. Diễn viên chưa lột tả được hết nội tâm nhân vật nên diễn khá đơ, không tự nhiên. Phần âm nhạc của phim cũng chưa thật hay. Ngoài bản "Dạ cổ hoài lang" được vang lên vài lần, những ca khúc khác đều chẳng mang đến tác dụng đẩy cảm xúc người xem. Giá như có thêm vài bản ca cổ trầm buồn xuất hiện, hiệu quả sẽ cao hơn.
Bình luận (0)