Họa sĩ Trịnh Cung từng thuê biệt thự số 11 đường Rue de Roses (đường Hoa Hồng), sau đó đến họa sĩ Đinh Cường cũng đến và lưu trú tại studio trong ngôi biệt thự này. Nguyễn Tường Tam tìm được một căn nhà ở gần chợ An Đông để vợ buôn bán trầu cau, còn mình ngồi chơi hắc tiêu (clarinet) và thỉnh thoảng tiếp bạn bè trong văn giới. Đà Lạt là nơi Nhất Linh lùi sâu vào đời ẩn cư để viết bộ trường thiên tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” nhưng sau nhiều biến động, ông đã không còn được hưởng thụ sự tĩnh tại với văn chương để hoàn thành bộ sách nên thiên tiểu thuyết bị bỏ dở…
Đường Rue de Roses, Rue de Glaieuls (đường Hoa Lay-ơn), đường Yersin, cư xá Saint Benoit… ghi nhiều dấu ấn của các văn nghệ sĩ đến Đà Lạt. Và một thành phố của cái lạnh u hoài, mộng mơ, của cà phê thời “không son phấn” với các phòng trà Maxim’s, Kivini, Night Club Đà Lạt, Dalat Palace… Cà phê Tùng - thánh đường hò hẹn, điểm đốt thời gian, từng ghi dấu tiếng hát mộc mạc của danh ca Khánh Ly thời mới bắt đầu bước vào nghiệp hát với những nhạc phẩm Trịnh. Không gian của cà phê Tùng có sự giao thoa, dung hòa những giá trị Pháp qua âm nhạc, tranh ảnh, mang vẻ hoài niệm cùng phong thái phục vụ đậm chất truyền thống. Cũng trong một góc tĩnh lặng của cà phê Tùng, thi sĩ Bùi Giáng từng xé vỏ thuốc lá viết những câu thơ lộng lẫy. Cũng tại đây, chàng sinh viên gốc Chăm Từ Công Phụng từ đất nắng Phan Rang có những buổi chiều băn khoăn về tình yêu để rồi vượt qua những rụt rè, bỡ ngỡ với âm nhạc thuở ban đầu, chia sẻ với bạn bè những giai điệu đẹp như kẻ mộng du giữa khói sương hư thực.
Và cà phê Lục Huyền Cầm do vợ chồng nhạc sĩ - ca sĩ Lê Uyên và Phương lập ra để làm nơi hát mộc, giao lưu với bạn bè văn nghệ sĩ. Rồi nhạc sĩ Phạm Duy, năm 1949, đã du ca tới Đà Lạt, gieo lên trong không gian miên viễn những bản tình ca xao xuyến men tình. “Đêm rất buồn, rất lạnh và anh buông mình trôi qua những phố phường với một thể xác mê mỏi, lênh đênh. Như vậy đó Ánh. Đêm Đà Lạt cũng buồn như ánh mắt Ánh ngàn năm” - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết cho Dao Ánh trong một bức thư từ Đà Lạt.
Với cuốn du khảo này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không chỉ tìm lại hệ giá trị Đà Lạt trong quá khứ để hoài cảm, ngậm ngùi về một thời hoàng kim mà là còn đặt ra vấn đề của những con người đương đại chúng ta: Tự vấn trước thực tại.
Bình luận (0)