Ngày 9-10, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải Nobel Văn chương 2014 vinh danh nhà văn Pháp Patrick Modiano. Patrick Modiano, vượt qua các tên tuổi lớn khác như Philip Roth, Ngugi wa Thiong’o, Svetlana Alexievich và Haruki Murakami để giành lấy giải thưởng danh giá này bởi những cuốn tiểu thuyết xuất sắc, đầy chất thơ, như liều thuốc chữa lành những vết thương, hàn gắn những đổ vỡ từ Thế chiến thứ hai.
Nhà văn tiên phong với sáng tác đương đại
Đúng là độc giả không phải ai cũng biết Patrick Modiano nhưng ông thực sự là một trong những tài năng lớn nhất nước Pháp, cống hiến nhiều nhất cho làng văn học đương đại với những cuốn tiểu thuyết xuất sắc. Việc lựa chọn đề tài để sáng tác, đối với các nhà văn khác, có thể chỉ là để thỏa sức sáng tạo nhưng các tác phẩm của Patrick Modiano bao giờ cũng là những vấn đề của thời đại.
Nhà văn Patrick Modiano và bìa cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt
Dịch giả Dương Tường cho biết: “Patrick Modiano không chỉ đơn thuần mô tả cái hãi hùng của những lò thiêu người trong Thế chiến thứ hai hay sự tàn bạo của những cuộc bắn giết tập thể dã man mà là đang tháo ra, lắp lại, ghép từng chi tiết trong bức tranh ký ức vương vãi đâu đó của những người đã từng buộc phải đi qua thời đại ấy. Cuộc tìm kiếm để khỏi đánh mất danh tính, đánh mất bản thể, thấy lại cội nguồn, thấy lại chính mình, thấy lại từng thân phận hay chính là những mảnh ghép, những chi tiết, những con ốc vít của cỗ xe lịch sử vĩ đại”.
Các miền ký ức trong tiểu thuyết của Patrick Modiano không mang tính cá thể mà là hồi ức của lịch sử thế giới với những đổ vỡ, mất mát, đau đớn trên con đường đã đi qua, như những vết sẹo hằn sâu hay những tượng đài sừng sững trong tâm tưởng con người.
Về nghệ thuật viết văn, Patrick Modiano cũng là ngôi sao tiên phong của trường phái nghệ thuật đương đại Pháp với những phá cách đột phá về thể tài, sẵn sàng phá bỏ mọi lề lối cổ điển, tạo ra một thế giới sáng tạo không biên giới. Văn chương của ông, khác với các thử nghiệm đương đại khác, không “đánh đố” người đọc mà luôn trau chuốt, tinh tế, cô đọng và mạch chuyện để kể luôn được kết nối chặt chẽ, thu hút người đọc.
Dịch giả Dương Tường từng dịch Những đại lộ ngoại vi của Patrick Modiano (NXB Văn học ấn hành năm 1989), sau đó là cuốn Phố những cửa hiệu u tối (NXB Văn học in năm 1992) khẳng định đây là một trong những nhà văn lớn nhất trong thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI của Pháp. “Dịch Patrick Modiano không khó nhưng cái đẹp khắc nghiệt của văn chương của ông là khó chuyển tải nhất” - dịch giả cho biết.
Đi tìm cái đẹp sắc lạnh trong sự đổ vỡ
Các tác phẩm đã dịch sang tiếng Việt của Patrick Modiano gồm có: Quảng trường ngôi sao, Những đại lộ ngoại vi, Phố những cửa hiệu u tối và Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối.
Trong Quảng trường ngôi sao, Patrick Modiano đặt ra vấn đề sự hiện hữu vô nghĩa của kiếp người qua Raphael Schlemilovitch với nỗi trăn trở về “căn cước” tới mức quay cuồng trong cuộc sống thật và cuộc sống hoang tưởng. Những đại lộ ngoại vi với những dấu ấn lẩn khuất mà con người đã bị lãng quên đâu đó hay bị bỏ rơi. Tác phẩm tạo ra 2 tầng thời gian đan xen nhau giữa hiện tại và quá khứ theo một kết cấu ngược, nhân vật tôi đã đi từ già đến trẻ và quay ngược lại với thời gian sống hiện tại.
Anh chàng Guy Roland trong Phố những cửa hiệu u tối với ký ức giống như mảnh vụn đã bị đập ra, mỗi người giữ một phần, mang đi khắp thế giới, méo mó, chếnh choáng. Người chết đi, người già, người rời nước Mỹ, người đã nhảy cầu tự vẫn… Cái khao khát tìm được chính mình càng ngày càng trở nên hỗn loạn hơn trong Guy Roland với những chớp lòe của ký ức bật dậy. Cái khao khát tìm kiếm chính mình, cứu vớt mình khỏi sự đánh mất danh tính và bản ngã của Roland phình ra theo những bức ảnh cũ của những người Nga di trú nghèo khổ, dấy lên trong anh những cơn rúng động bất an về cái thời điểm năm 1942-1943 kỳ lạ, khi nước Pháp (cũng như Roland) đang triền miên trong cuộc thống khổ của Thế chiến thứ hai. Nhiều người dù muốn hay không đã nhớ mình có một thời trẻ lưu lạc, bất an, cuồng nộ, lịch sử đã nghiến nát họ và Patrick Modiano đi nhặt từng mảnh vỡ ấy, bởi vì, ông viết: “Mọi con người trong đêm tối của mình đều đi về phía ánh sáng…”
Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối được chia thành 4 phần qua lời kể của 4 nhân vật khác nhau trong quán cà phê Le Condé ở giao lộ Odéon giai đoạn sau Thế chiến thứ hai: Một cậu sinh viên, một thám tử, Jacqueline và người yêu của cô, mỗi người cùng kể một phần đời của nhân vật nữ chính - Louki, cũng chính là Jacqueline. Các câu chuyện tái hiện từng phần chân dung, cuộc đời tuyệt đẹp, đậm chất thơ và cũng cực kỳ buồn của nhân vật chính. Những cuộc rượt đuổi, trốn chạy lãng đãng trong tâm trí, trong những thời gian hiện tại và đã mất và đớn đau cùng hạnh phúc đều nằm trên hành trình khắc nghiệt đó.
Chưa bao giờ nghĩ tới bất cứ việc gì khác ngoài viết văn, đến mức độ Patrick Modiano luôn nghĩ cả đời mình đang viết đi viết lại mãi một cuốn tiểu thuyết, cuối cùng giải thưởng danh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng gọi tên ông. Với chất kết dính nhuần nhuyễn của tài năng văn chương và nội tâm nóng bỏng, bộn bề của một người viết suốt 45 năm cần mẫn chép lại những trang lịch sử, chuyển tải thành những cuốn tiểu thuyết xuất sắc, đầy chất thơ, Patrick Modiano đã hàn gắn những đổ vỡ, đau đớn từ cuộc Thế chiến - vấn đề không chỉ của riêng nhà văn, hay của những công dân Pháp, mà là vấn đề toàn cầu.
Chưa hề được đào tạo chính quy về văn chương
Điều đặc biệt là nhà văn tài năng Patrick Modiano đã không hề học qua trường lớp chính quy nào đào tạo về văn chương. Ông chỉ học hết phổ thông trung học và ngay sau đó là thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tiên Quảng trường ngôi sao (xuất bản năm 1968). Suốt từ đó, ông chỉ làm một công việc là viết văn.
Patrick Modiano được mệnh danh là “Marcel Proust của thời đại chúng ta”. Ông có khoảng 30 tác phẩm đã xuất bản, từng đoạt giải Goncourt và giải Văn học trọn đời Paul Morand năm 2000. Ông được các nhà phê bình văn học đánh giá cao và chính phủ Pháp tôn vinh là một trong những đại văn hào vĩ đại nhất nước Pháp.
Bình luận (0)