Là đặc phái viên của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Angelina Jolie tiếp tục hành trình thăm người tị nạn khắp nơi được triển khai lâu nay của mình. Lần này, cô đến với người tị nạn đang mắc kẹt ở Hy Lạp. Họ trốn chạy cuộc chiến ở Trung Đông, tìm cách di cư vào châu Âu và một trong những điểm tập kết người tị nạn là Hy Lạp.
Thời gian gần đây, nhiều nước đóng cửa biên giới, ngăn dòng người di cư ngày càng khủng khiếp, nhiều người bị mắc kẹt lại và sống trong điều kiện khốn khổ. Khi Angelina Jolie đến cảng biển ở Hy Lạp, đám đông hàng trăm người bao quanh cô. Nữ diễn viên này nói với một đứa trẻ rằng: “Cô đến đây để tìm hiểu, nói chuyện cùng mọi người. Cô cũng sẽ liên hệ với các cơ quan, chính phủ xem xét xem chuyện gì đã xảy ra. Vì thế, hãy cố gắng mạnh mẽ lên, được chứ?”
Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Angelina Jolie đến Hy Lạp để củng cố nỗ lực của UNHCR và chính phủ Hy Lạp nhằm đẩy mạnh ứng phó tình trạng khẩn cấp về người tị nạn tại đây. Khoảng 4.000 người đang chờ đợi tại Cảng Piraeus ở Athens do một số nước Balkan trong đó có Macedonia đồng loạt đóng cửa biên giới, hạn chế dân di cư.
Họ sống trong điều kiện khó khăn, chờ đợi trong mòn mỏi. Dòng người di cư vẫn tiếp tục đổ vào Hy Lạp từ ngã Thổ Nhĩ Kỳ và nếu tình trạng dồn ứ vẫn kéo dài sẽ rất khó khăn. Athens đang cố gắng thuyết phục người tị nạn tới các trung tâm tiếp nhận khác ở nước này.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn. Ngày 15-3, Angelina Jolie cũng đến thăm một trại tị nạn Libya và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới mau chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở Syria, khiến cho nhiều người rơi vào cảnh tha hương, trốn chạy khỏi chiến tranh, di cư đến các nước. Cô cứng rắn nói nếu chậm trễ trong việc đạt thỏa thuận hòa bình là bi kịch và sự xấu hổ.
Nữ diễn viên này nói thêm những người tị nạn cần lãnh đạo các nước phân tích tình hình và biết rõ những gì đất nước họ có thể làm được trước thực trạng này để phối hợp, giúp đỡ. Tất cả chúng ta nên tập trung vào tình hình người tị nạn ở châu Âu vào thời điểm này, áp lực lớn nhất vẫn là tình hình Trung Đông và Bắc Phi.
Bình luận (0)