Diễn viên, người mẫu Duy Nhân đã trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 7-5 sau hơn 8 tháng chống chọi với bệnh ung thư máu. Theo di nguyện của anh, đám tang không đưa về Bình Dương mà tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM) để được gần người thân, bạn bè. Trong 3 ngày linh cữu được quàn tại chùa, hàng ngàn người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả khắp nơi đã tới thăm viếng. Giá như tất cả đều đến đó với tâm thành ý nguyện, thành kính thăm viếng một nghệ sĩ quá cố bạc mệnh. Đằng này, đám đông tụ tập bên ngoài đa số là những người xa lạ, a dua kéo tới chỉ vì sự hiếu kỳ của bản thân và trên hết là muốn gặp gỡ người nổi tiếng.
Đám đông hiếu kỳ đã biến đám tang Duy Nhân thành ngày hội thần tượng không hơn không kém. Ở trong, không khí tang thương, ảm đạm bao nhiêu thì bên ngoài lại nhộn nhịp, tấp nập bấy nhiêu. Mỗi khi nghệ sĩ đến, họ lại reo hò, la hét, xúm xít vây quanh, chụp hình, xin chữ ký... Những nam nữ thanh niên gọi tên thần tượng Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Đàm Vĩnh Hưng... một cách đầy phấn khích như ở các sân khấu, chương trình ca nhạc. Họ không ngại bám trụ hàng giờ ở Vãng sanh đường chỉ để chờ gặp nghệ sĩ.
Tối 8-5, khi Hoài Linh xuất hiện, nhiều người háo hức, mừng vui trông thấy. Mặc kệ không gian tại đây nhỏ hẹp, mặc kệ không khí trang nghiêm, nhiều người vẫn chen lấn, xô đẩy để được tiếp cận danh hài. Dù Hoài Linh đã ra hiệu mọi người yên lặng nhưng đám đông vẫn không ngớt nhốn nháo, xôn xao, hô vang tên anh. Phải nhờ đến lực lượng bảo vệ, Hoài Linh mới vào được bên trong thắp nhang mà vẫn có không ít người tìm cách đeo bám, lẻn theo chụp hình lia lịa. Người chụp được thần tượng thì hí hửng khoe khoang trên mạng xã hội, kẻ không chụp được thì bực bội chửi thề. Không chỉ Hoài Linh mà bất kỳ nghệ sĩ nào tới viếng Duy Nhân cũng lắc đầu ngán ngẩm vì sự nhiễu loạn của một bộ phận công chúng tại đây.
Suốt thời gian này, nghệ sĩ cũng trở thành đề tài bán tán xôn xao của những kẻ “bà tám”, nhiều chuyện, thích săm soi đời tư người khác, như ai đẹp xấu, ai ốm mập... Đáng nói, đâu phải chỉ có người trẻ tuổi mà ngay cả nhiều bậc phụ huynh cũng hùa theo con em, biến ngày tang thương của người khác thành ngày vui cho chính mình. Nhìn hình ảnh Kiều Oanh - người vợ trẻ đeo khăn tang chồng - ai nấy cũng đều xót xa, thế mà nhiều người vẫn cố chen vào nhìn mặt, chụp hình cho bằng được để xem “vợ Duy Nhân có đẹp không”!
Trưa 9-5, linh cữu Duy Nhân rất khó khăn mới di chuyển ra được khỏi chùa vì những người không quen biết tụ tập quá nhiều, tạo nên một đám đông hỗn loạn. Không ít kẻ xấu đã lợi dụng để móc túi lấy tiền và điện thoại của người khác. Trước đó, cũng có kẻ lạ mặt lợi dụng đám tang để xin tiền. Nhẫn tâm hơn, nhiều fanpage đã được lập ra nhằm “câu like” một cách phản cảm, như 100 like thương tiếc sự qua đời của Duy Nhân, 1 triệu like để Duy Nhân hồi sinh...
Chứng kiến những cảnh tượng đau lòng này, nhiều người lại nhớ đến đám tang của Wanbi Tuấn Anh hay nghệ sĩ Hữu Lộc trước đó - khi cái chết của các nghệ sĩ là cái cớ để người ta có thể gặp gỡ nhân vật nổi tiếng. Một nghệ sĩ vĩnh biệt cõi đời, chúng ta không chỉ xót xa, tê tái cho sự mất mát mà còn day dứt, ám ảnh cho sự vô cảm khi hàng ngàn người ăn mặc không phù hợp với không khí đám tang cố tình xô đẩy, chen lấn nhau đến té ngã để được tiếp cận nhân vật nổi tiếng.
Theo PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, đám đông và tâm lý hiếu kỳ trong xã hội vẫn diễn ra mà không phải cá nhân nào hay nhóm nào cũng có thể khống chế, nhất là trong xã hội hiện đại của thế giới mạng với các giá trị thật ảo lẫn lộn, khi mà số like và hiệu ứng phản hồi chi phối hành xử của nhiều người. Mặt khác, hiệu ứng lôi kéo của đám đông, hiệu ứng đua theo có thể khiến người ta quên mất cảm xúc đích thực và sự chia sẻ hay đồng cảm. Đặc biệt, với sức hút của nhân vật nổi tiếng, người ta càng quên đi những ràng buộc về thân phận, về chuẩn mực ứng xử, về công việc, về quy chuẩn hành vi xã hội, về những định hướng lễ nghi mà vô tâm bày tỏ cảm xúc ngưỡng mộ, hùa theo đám đông, ứng xử sai lầm, lệch hướng.
Bình luận (0)