Sự kiện này làm nức lòng công chúng mộ điệu đàn tranh, mở ra những hoạt động giao lưu, kết nối.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ thuộc CLB Tiếng hát Quê hương, ban tứ tuyệt Duyệt Thị Trang (Việt Nam), ban đàn tranh Hướng Việt (Mỹ), ban VA’V Tranhsemble của nghệ sĩ Võ Vân Ánh, đại diện Trường Âm nhạc Phượng Ca (Pháp)...
Đến Cung Văn hóa Lao động TP HCM trong những ngày qua sẽ nhận thấy không khí tập dượt hết sức xúc động của nhiều thế hệ nghệ sĩ sinh sống trong và ngoài nước. Họ cùng nâng niu, nắn nót tiếng đàn như trút vào dây tơ những tình cảm thắm thiết dành cho quê hương.
Những tiết mục sẽ làm nức lòng khán giả mộ điệu khi sân khấu mở màn với gần 60 cây đàn tranh cùng hòa điệu: Xàng xê, Sương chiều tú anh, Tùng quân - Đăng đàn cung, Thu Hồ - Khổng Minh tọa lầu, Lý cây đa, Khúc hát ân tình, Long ngâm… và những độc tấu điêu luyện: The Legend - Huyền thoại mẹ, Khúc nhạc ngày mùa hoặc song tấu đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng với Uyên Trâm qua bản Lưu thủy trường… sẽ đưa khán giả đến với bức tranh âm nhạc dân tộc đậm màu dân gian, chan chứa tình cảm con người Việt Nam và tình yêu quê hương, đất nước.
Say sưa tập luyện, hai mẹ con nghệ sĩ Thùy Trang và Vincent Hiếu đến từ Trường Âm nhạc Phượng Ca (quận 13, Paris - Pháp) phấn khởi khi hòa ngón đàn cùng 40 nghệ sĩ của CLB Tiếng hát Quê hương. Chị Thùy Trang kể: “Con tôi nghe được tiếng Việt chứ nói chưa rành nhưng từ năm 9 tuổi đã học đàn tranh và năm nay 19 tuổi theo mẹ về Việt Nam biểu diễn. Cháu phấn khởi còn hơn tôi nữa”.
Nghệ sĩ đàn tranh Minh Ngọc, Thủy Tiên từ Mỹ về, có người chưa quen bày tỏ cảm xúc bằng tiếng Việt nhưng khi ngồi trước cây đàn tranh, mọi tiếng lòng cùng cất chung một giai điệu, “quê hương chính là đây, thông qua tiếng đàn để kết nối tấm lòng yêu nước, làm tốt những công việc xuất phát từ trái tim chính là góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước ” - bác sĩ Việt Hải tâm sự.
Nhà giáo Ưu tú - nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan cho biết đây là lần đầu tiên một chương trình biểu diễn đàn tranh được bán vé, dù mức giá không cao (100.000 - 200.000 đồng/vé) nhưng sẽ giúp ban tổ chức trang trải chi phí. Quan trọng hơn, đây sẽ là dịp để những nghệ sĩ đàn tranh đánh giá được mức độ quan tâm và yêu thích thật sự của khán giả qua việc họ bỏ tiền mua vé thay vì thói quen đi xem âm nhạc dân tộc bằng vé mời hoặc vào cửa miễn phí như lâu nay. Bà cũng cho biết lượng vé bán rất khả quan.
Ngoài đêm diễn chính, cuộc hội ngộ lần này còn có chương trình Giai điệu quê hương diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 2-7 tại hội trường Cung Văn hóa Lao động TP HCM (vé mời nhận tại đây), chương trình tọa đàm về nhạc dân tộc và đàn tranh tại Cung Văn hóa Lao động sáng 3-7 (vào cửa tự do) và buổi nói chuyện chuyên đề “Đàn tranh xưa và nay” với diễn giả - giáo sư Trần Văn Khê cùng các nghệ sĩ biểu diễn: Nhà giáo Ưu tú - nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan, Vĩnh Tuấn, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Xuân Yên, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, Vân Ánh... diễn ra vào tối 4-7 (nhận giấy mời tại Cung Văn hóa Lao động từ 8 giờ đến 11 giờ ngày 29-6).
Bình luận (0)