Mang huy chương vàng (HCV) về trao cho diễn viên tại đoàn hát mà thí sinh đã được đào tạo sẽ là nét mới của mùa giải Trần Hữu Trang lần thứ 11. Nhưng chỉ thế thôi thì giải thưởng cũng chỉ để mọi người ngắm cho vui.
Lòng tự trọng đặt cao hơn danh hiệu
Nghệ sĩ Phượng Liên cho biết vào năm chị đoạt HCV giải Thanh Tâm, chị được chấm điểm qua 3 vai diễn nổi bật trên sân khấu đoàn Kim Chưởng: Túy Lữ Lam Kiều (Mùa trăng nhiều nước mắt), Đông Phương Huệ (Quỷ bảo) và một vai trong vở Người nhạn trắng. Ngoài ra, chị còn có nhiều vai diễn được công chúng yêu thích trong các vở: Song long thần chưởng, Mặt trời đêm, 20 đêm hương lửa, Người gọi đò bên sông, Nắng hoàng hôn, Người anh khác mẹ, Người đàn bà dưới ánh trăng, Sương thu lạnh ngả lên chùa... Chị nói: “Lòng tự trọng với nghề còn cho chúng tôi ý thức nhận vai diễn phải bảo đảm vai sau hay hơn vai trước, đó mới gọi là tiến triển với nghề”.
Thương hiệu phải được chuẩn hóa
Không gì khác hơn ngoài việc phải làm đúng với nguyện vọng của người làm nghề chân chính khi mà mùa giải Trần Hữu Trang lần thứ 11 đã cố gắng trả lại cho thương hiệu này những giá trị đích thực. NSND Thanh Tòng nói: “Bốn yếu tố cần thiết cho một HCV là giọng ca, diễn xuất, trình độ kiến thức và đạo đức. Nếu xem nhẹ một trong 4 yếu tố này thì sẽ khó hình thành một thương hiệu. Điều mà chúng tôi – những người trong hội đồng giám khảo - quan tâm là sự đầu tư cho các diễn viên đoạt giải của các đơn vị nghệ thuật. Bằng chứng là diễn viên Hải Yến – Đoàn Văn công Đồng Tháp, đoạt HCV xuất sắc 2007, đã được đoàn cấp nhà, nâng lương. UBND tỉnh và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã tặng thưởng sau khi Hải Yến đoạt giải thưởng này. Điều đặc biệt hơn là sau đó, trong hàng loạt vở diễn mới,Hải Yến đã được đầu tư vào vai trọng tâm của vở diễn, nâng cao hiệu quả nghệ thuật cho sự nghiệp.
Tương tự, diễn viên Lịch Sử sau khi đoạt HCV triển vọng 2002 của Đoàn Cải lương Hương Tràm – Cà Mau đã được đoàn tạo điều kiện đi học đạo diễn, hiện nay giữ vai trò phó đoàn chỉ đạo nghệ thuật. Diễn viên Trúc Ly của đoàn này sẽ tranh tài giải HCV xuất sắc năm nay, đó là những tín hiệu đáng mừng cho việc chuẩn hóa thương hiệu nghệ thuật sau khi các diễn viên đoạt HCV”.
Bàn về việc chuẩn hóa thương hiệu của giải Trần Hữu Trang, rất nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn nhấn mạnh đến yếu tố kỷ luật mà ban tổ chức giải thưởng phải xác định ngay từ đầu. Khi diễn viên vi phạm kỷ luật, dính đến những vấn đề tiêu cực phải đối diện với những mức hình phạt do pháp luật quy định thì đương nhiên danh hiệu HCV sẽ bị tước bỏ. Soạn giả Kiên Giang nhắc lại: “Năm 1959, một nghệ sĩ đoạt HCV giải Thanh Tâm, sau đó dính đến những bê bối về hôn nhân sai luật đã bị hội đồng bình chọn của giải thưởng công bố trên báo chí tước bỏ danh hiệu HCV đã trao. Đó là một việc làm công bằng với chính thương hiệu mà chúng tôi đã tạo ra. Việc răn đe vấn đề vi phạm đạo đức, đánh mất ý thức của người nghệ sĩ trong giải thưởng Trần Hữu Trang cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt như thế”.
NSƯT Ánh Hồng, HCV giải Thanh Tâm năm 1962, nói: “Ngoài ý thức của người diễn viên sau khi đoạt HCV, sự chuẩn hóa còn là trách nhiệm của nhà tổ chức. Chúng tôi đi hát và phấn đấu đoạt giải để tiếp tục trả nợ hợp đồng cho bầu đoàn. Nghệ sĩ có trách nhiệm đối với nhà tổ chức; ngược lại, nhà tổ chức khi đã sở hữu một tài năng thì phải biết trọng dụng, tạo hiệu ứng hơn nữa cho thương hiệu đang có. Tách rời mối quan hệ này thì sẽ không có lợi cho nhà tổ chức, làm mai một tài danh và lãng phí quá trình phấn đấu của nghệ sĩ”. |
Bình luận (0)