Quyết định này làm ấm lòng những người đang sống nhưng sự muộn màng ấy cũng để lại một dấu lặng khi người ta đặt câu hỏi rằng nếu cố nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn hiện diện trên cõi đời này, vẫn đang từng ngày thầm lặng, nhọc nhằn cống hiến thì có bao giờ tên ông sẽ được nhớ đến trong những đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND hay không?
Nghĩa tử là nghĩa tận, lần đặc cách truy xét này xem như quà muộn để linh hồn ông có thể ngậm cười nơi chín suối, để gia đình, bạn bè và cả khán giả xa gần thương mừng cho ông, cho cả một cuộc đời cống hiến chịu nhiều thiệt thòi, cuối cùng cũng đã được nhà nước ghi nhận và tôn vinh một cách trân trọng. Nhưng vẫn còn đó nỗi ưu tư, tại sao chúng ta lại cứ để những giá trị sống ấy mất đi rồi mới ghi nhận, để những con người xứng đáng được ca ngợi ấy không còn trên cõi đời này rồi mới tôn vinh!
Vào thời điểm nhà nước xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND năm 2011, dư luận cũng đã từng lên tiếng về những trường hợp nghệ sĩ rất xứng đáng được tôn vinh, trong đó có “nghệ sĩ giun” Văn Hiệp; cả cố nghệ sĩ Hồ Kiểng đã gần một thập kỷ được trao tặng danh hiệu NSƯT nhưng vẫn chưa được xét tặng danh hiệu NSND dù gia tài nghệ thuật và những cống hiến to lớn của ông dành cho điện ảnh nước nhà hoàn toàn xứng đáng để được nhận danh hiệu cao quý đó. Còn nhớ những lời xót xa của cố NSƯT Hồ Kiểng khi ông nói rằng “ở trên” bảo nếu ông muốn xét tặng danh hiệu NSND thì phải làm đơn xin. “Nghe chua xót quá! Tôi cả đời cống hiến cho nghệ thuật, hy sinh trọn lòng đến cả mạng sống của mình còn không màng tới, vậy giờ phải đi xin để có được danh hiệu!”.
Câu nói xót lòng ấy trôi vào lãng quên, những giá trị đích thực của những cuộc đời cống hiến âm thầm cũng bị lãng quên. Cho đến bây giờ, danh hiệu NSND dành cho cố nghệ sĩ Hồ Kiểng cũng mong manh theo ông về với cát bụi. Còn bao nhiêu người nữa như Hồ Kiểng, như Văn Hiệp bị lãng quên? Còn bao nhiêu lần nữa công chúng phải xót xa khi nghiêng mình đưa tiễn một nghệ sĩ để rồi lại buồn lòng với thông tin “truy xét danh hiệu” cho người đã khuất?
Bình luận (0)