Tôi tự đánh mất mối tình đầu trong trẻo
Sinh ra trong gia đình gia phong nế nếp, tư tưởng nhân ái, yêu thương, giúp đỡ đồng loại và tinh thần yêu nước được giáo dục từ nhỏ khiến tôi sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1944, gia đình tôi chuyển xuống thị xã Hải Dương. Tôi tham gia tổng khởi nghĩa và là người thành lập cơ sở phụ nữ cứu quốc đầu tiên ở thị xã Hải Dương khi mới 16 tuổi.
Người đưa tôi vào mặt trận Việt Minh và giới thiệu tôi vào Đảng là mối tình đầu của tôi. Anh hơn tôi 7 tuổi, nguyên là phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước, sau này giữ chức Bộ trưởng Bộ cơ khí luyện kim.
Khi được hẹn để bắt mối với Việt Minh, tôi nhận được ám hiệu bằng cách thắt khăn trắng ở cổ tay. Giữa trời tối, trông thấy anh chỉ còn cách độ 5 m, tôi bỗng ù té chạy. Về cơ sở, anh ra vẻ giận dữ, bảo rằng Việt Minh được giao nhiệm vụ bắt mối mà thấy người lại bỏ chạy mất thì còn làm gì được. Sau này, tôi giải thích với anh rằng mình chưa bao giờ gặp đàn ông trong bóng tối và cũng chưa tiếp xúc một mình với nam giới. Gặp nhau ngoài đường, tôi sợ tai tiếng...
Khi tôi đang theo học lớp chính trị cao cấp, anh là Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn. Anh cho người về đón tôi. Tôi trộm nghĩ, mình đi làm cách mạng chứ đâu phải đi lấy chồng. Công việc của tổ chức còn ngổn ngang, lẽ nào... Các đồng chí lãnh đạo ra sức khuyên bảo, nhưng tôi vẫn cương quyết ở lại. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ thân tình.
Tình yêu nhiều xa cách với nhạc sĩ Tử Phác
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, tôi tiếp tục tham gia Ban chấp hành Hội phụ nữ khu ba và thường vụ liên khu ba. Năm 19 tuổi, tôi gặp anh Tử Phác. Anh được biết đến với bài hát Quay tơ và là một trong ba người viết nhạc nổi tiếng lúc đó (cùng với nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy).
Hôm ấy, trời mưa tầm tã, ai nấy đều vào hiên trú mưa. Tôi mặc chiếc áo len, khoác ba lô, thản nhiên rảo bước dưới mưa. Đường vắng tanh, tôi nhìn thấy một người đàn ông đi ngược đường, cũng để đầu trần, ra dáng phong sương. Tôi nhận ra đó là anh Tử Phác. Anh hỏi đi đâu thế. Tôi bảo đi công tác. Cùng nhau đi đến bến đò Yên Lệnh, anh mời tôi ăn trưa. Anh chẳng ăn mà cứ ngồi nhìn tôi đắm đuối.
Sau vài tuần lễ, tôi nhận được thư anh gửi. Anh sáng tác bài Mưa bay, cho người liên lạc đuổi theo tặng tôi. Trong thư, anh hẹn ngày về Thái Bình dự một buổi hòa nhạc và anh sẽ hát bài Mưa bay tặng riêng tôi. Việc không thành vì liên lạc viên không tìm được tôi...
Ngày ấy, tôi chẳng có khái niệm về văn nghệ sĩ. Gặp anh ở bến đò quê, tôi cảm mến rồi yêu. Nhiều người khuyên can rằng yêu văn nghệ sĩ chỉ "ba bảy hai mốt ngày" chứ không bao giờ nên vợ nên chồng. Ý nghĩ ấy gieo vào tôi nỗi lo sợ mơ hồ nên tôi từ chối tình cảm của anh.
Số tôi không được làm vợ nhà thơ lớn
Tội học dự bị đại học đến ngày hòa bình lập lại và tiếp tục học khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp, cùng khóa với Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo... Thời gian này, Đại học Sư phạm được thành lập do Giáo sư Trần Văn Giàu làm hiệu trưởng. Ông khuyên tôi chuyển qua học sư phạm. Bố mẹ tôi hết sức tán thành ý kiến của thày. Thày Giàu đến tận nhà khuyên bảo, nhưng tôi vẫn cứng đầu.
Bỏ học, tôi được nhận về báo Nhân Dân. Tôi làm phóng viên được bốn năm thì Bộ Văn hóa - Thông tin mở lớp đào tạo điện ảnh đầu tiên do chuyên gia Liên Xô (cũ) giảng dạy. Tôi xin đi học cùng với Trần Vũ, Nguyễn Văn Thông, Hải Ninh... và là học viên nữ duy nhất của lớp.
Công việc làm báo cuốn tôi đi mỗi ngày, tuổi "băm" đã sầm sập đến sau lưng. Anh Hoàng Tùng mai mối cho tôi với anh Xuân Diệu. Chúng tôi cưới nhau khi tôi ở tuổi 27, còn anh ngấp nghé 40.
Có lẽ số tôi không được làm vợ nhà thơ nổi tiếng. Chưa đầy nửa năm, chúng tôi chia tay trong niềm thương và nuối tiếc.
Thật may mắn, cuối cùng cuộc đời cũng dành cho tôi một người đàn ông mong đợi. Anh tên Nguyễn Đức Tường, sinh năm 1924, là chuyên viên Bộ Công an. Chính anh đã mang lại cho tôi sự ấm áp của tình yêu, một tình yêu mà tôi dám gọi là tuyệt đối. Anh giúp tôi vượt qua tất cả khó khăn trong nghề đạo diễn khốc liệt và nhọc nhằn. Những gì tôi đạt được trong nghề có phần đóng góp của anh rất nhiều.
15 năm ấy, hạnh phúc lứa đôi viên mãn. Trên giường bệnh, anh vẫn ao ước trời cho anh sống thêm ba năm nữa để giúp tôi làm phim Hồ Chí Minh, do tôi viết kịch bản. Chúng tôi sống với nhau khoảng thời gian đúng bằng quãng thời gian lưu lạc của cô Kiều. Nhiều đồng nghiệp điện ảnh của tôi bây giờ vẫn nhắc tới anh vì hiếm có người đàn ông nào yêu vợ, chu đáo và lịch lãm như anh.
Anh Tường mất, tôi trống vắng vô cùng. Nỗi buồn theo tôi một thời gian dài, tưởng không gì bù đắp nổi. Đúng vào thời kỳ thịnh hành của phim video, đồng nghiệp kéo tôi ra khỏi nỗi buồn bằng các bộ phim. Tôi lao vào công việc, phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ anh. Những bộ phim của tôi ra đời thuộc loại ăn khách hồi đó.
Mỗi lần đến trường quay, tôi trở thành con người khác hẳn. Có lẽ tôi làm phim không chỉ vì tình yêu với công việc mà vì mối duyên tiền định với nghề chưa trả hết...
Bình luận (0)