Buổi chiếu phim “Jack- Trái tim đỏ” của đạo diễn Janet Grillo vào ngày 14-3 (2 suất sáng và chiều) ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM thu hút rất đông khán giả, đặc biệt là phụ huynh của trẻ tự kỷ. Sự kiện này nằm trong chương trình quảng bá phim Mỹ - American Film Showcase (AFS) nhằm mang đến cho khán giả yêu điện ảnh khắp thế giới những tác phẩm đương đại của Mỹ đã đoạt nhiều giải thưởng - gồm phim tài liệu, phim truyện - dưới góc nhìn của các nhà làm phim độc lập về xã hội và văn hóa nước Mỹ.
Hạnh phúc với lựa chọn của mình
Đề tài về trẻ tự kỷ không hiếm ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Thậm chí, có bộ phim về đề tài này đã làm nên lịch sử, trở thành vết son trên màn ảnh như “Rain man”. Thế nhưng, câu chuyện “Jack - Trái tim đỏ” của Janet Grillo hoàn toàn khác.
“Jack - Trái tim đỏ” xoay quanh các vấn đề trẻ mồ côi, tự kỷ, gia đình, sự phân biệt và hòa nhập. Bộ phim kể về cô bé chạy trốn khỏi sự quản chế và đóng giả người chăm sóc có kinh nghiệm, từ đó hình thành mối gắn kết đặc biệt với bé gái 11 tuổi mắc chứng tự kỷ, trở nên thân thiết với mẹ của cô. Bộ phim thể hiện những trải nghiệm đặc thù trong việc đối mặt bệnh tự kỷ và những điều tế nhị xoay quanh.
Đạo diễn Janet cũng có cậu con trai mắc bệnh tự kỷ nên bộ phim “Jack - Trái tim đỏ” được làm bằng tấm lòng của một bà mẹ đã đối mặt với nhiều thách thức. Điều mà bà muốn truyền tải là mọi người hãy chấp nhận những đứa trẻ tự kỷ bằng tình yêu, lòng nhân ái và sự đồng cảm. “Điều mà tôi mong đợi ở khán giả sau khi xem phim là hãy chấp nhận để đừng gục ngã. Hãy vượt qua thách thức bằng tình yêu! Hãy nhìn những đứa trẻ tự kỷ bằng tấm lòng nhân ái để hiểu rằng không ai muốn bản thân mình khiếm khuyết. Nhưng khi lỡ phải đối mặt với điều không hoàn hảo, hãy chấp nhận nó bằng sự đồng cảm!” - bà bày tỏ.
Cách chuyển tải câu chuyện của Janet rất nhẹ nhàng bằng con mắt của một phụ nữ trong gia đình. “Điều đó thật tuyệt nhưng nó không thể chiếm trọn trái tim khán giả điện ảnh như cái cách mà “Rain man” - một bộ phim cùng chủ đề - đã gặt hái được” - báo chí phương Tây nhận định. Đạo diễn Janet thừa nhận: “Đúng vậy! Câu chuyện của tôi khá “ nữ tính”. Tôi tin rằng đó là cách kể chuyện rất Janet. Hãy nhớ rằng ở Hollywood, một bộ phim có nhiều khán giả chưa chắc đã là một câu chuyện hay. Phim về đề tài trẻ tự kỷ không thiếu nhưng hầu hết chúng được kể bằng các cảm quan đến từ bên ngoài mà tôi gọi đó là những bộ phim du lịch. Về phần mình, tôi tạo nên những cảnh quay, đặt những góc máy bằng cảm nhận từ bên trong, bằng cái nhìn của một bà mẹ có đầy trải nghiệm cuộc sống cùng cậu con trai mắc bệnh tự kỷ. Tôi nghĩ đó là sự khác biệt”.
Đạo diễn Janet đã làm đến 3 bộ phim về đề tài trẻ tự kỷ: “Autism musical”, “Fly away” và “Jack - Trái tim đỏ”. Bà bảo mình muốn nói với mọi người rằng những đứa trẻ luôn sống lâu hơn cha mẹ nhưng chúng lại không thể có cuộc sống độc lập. “Điều chúng ta cần đề cập là sự quan tâm của xã hội với những đứa trẻ tự kỷ chứ không phải tìm xem chúng có khả năng siêu phàm gì như mọi người vẫn hay nói” - bà bày tỏ.
Cô đơn và trả giá
Nhiều năm qua, nhiều người vẫn phàn nàn về sự bất bình đẳng giới ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Là một người trong cuộc, đạo diễn Janet cũng có trải nghiệm về sự phân biệt đó. Janet cho biết khi còn trẻ, bà thấy cô đơn với con đường của mình. Xung quanh bà đều là những gã đàn ông với tư duy “mọi thứ cần phải có đàn ông để hoàn thành”, nhất là ở nền công nghiệp điện ảnh khổng lồ Hollywood.
“Có lúc tôi thấy mình bị đánh bại ngay khi chưa bắt đầu. Đó là điều tồn tại lâu nay ở kinh đô giải trí Hollywood nhưng nguyên nhân một phần cũng bắt nguồn từ chính tôi. Tôi chấp nhận điều đó như một lẽ hiển nhiên và tôi cũng ngưỡng mộ những người đàn ông như thế. Tôi thậm chí đã thích rồi cưới một người đàn ông có tư duy như vậy làm chồng” - bà tâm sự.
Người ta cũng nói đến sự trả giá của một phụ nữ theo nghiệp điện ảnh ở Hollywood. Trải nghiệm ấy chính đạo diễn Janet đã “kinh” qua. Đó là cuộc hôn nhân với David O. Russell (từng được đề cử giải Oscar) tan vỡ khi nó không được vun đắp bởi sự hy sinh cho nhau.
Tuy nhiên, như người ta thường nói, không thất bại hẳn sẽ chẳng thể thành công. Đạo diễn Janet đã trưởng thành với những trải nghiệm chứa đựng nhiều cấp độ cảm xúc, để khi trở thành một người mẹ, mọi rào cản và giới hạn đều trở thành vô nghĩa với bà.
“Ngày trước, tôi quan tâm người ta nghĩ gì về câu chuyện của mình. Khi làm mẹ, tôi chỉ quan tâm đến câu chuyện của tôi là gì” - bà thổ lộ. Điều đó giúp Janet thấy mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng, kể cả sự phân biệt về giới ở Hollywood bởi đơn giản, bà biết cách đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.
Hãy phóng tầm nhìn khỏi phim “bom tấn”
Janet Grillo là nhà làm phim đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải Emmy; cựu điều hành của Hãng phim New Line và là giáo sư tại Trường Điện ảnh NYU. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, bà sẽ có những buổi trò chuyện, giao lưu với các nhóm, đoàn thể và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tự kỷ. Ngoài ra, bà sẽ có những buổi hội thảo làm phim với sinh viên khoa điện ảnh; giao lưu, gặp gỡ các nhà làm phim Việt Nam tại TP HCM và Đà Nẵng.
Kinh đô điện ảnh Hollywood luôn là chuẩn mực với các nền điện ảnh mới mẻ, trong đó có Việt Nam. Là người trong cuộc, Janet cho rằng các nhà làm phim Việt hãy nhìn về những bộ phim độc lập thay vì cố khát vọng về một bộ phim “bom tấn”. Bà dẫn chứng: “Bộ phim hay nhất tại giải Oscar lần thứ 89 vừa qua - “Moonlight”, kinh phí đầu tư chỉ 1 triệu USD nhưng chạm đến trái tim khán giả khắp thế giới. Đừng cố quan tâm đến những bộ phim trăm triệu USD mà quên mất rằng bạn cũng có thể thành công với những phim có kinh phí thấp”. Đó không hề là sự khuyến khích suông bởi hệ thống phát hành cũ với những bộ phim sản xuất đắt đỏ đang dần lỗi thời, trong khi một bộ phim có thể đến với khán giả không chỉ bằng cách ra rạp mà còn bằng hàng trăm kênh phát hành khác nhờ internet.
Bình luận (0)