Hận thù hóa giải (đang phát sóng vào lúc 20 giờ 40 phút vào thứ 2 và thứ 3 hằng tuần trên sóng VTV1) là phim chính luận, kể về mối duyên kỳ lạ của hai người lính ở hai bên chiến tuyến khiến họ trở thành đồng chí, đồng đội, anh em kết nghĩa trên chiến trường.
Nhưng do một sự hiểm lầm mà gây nên hận thù. 30 năm sau, họ gặp lại và giải quyết những ân oán thời chiến tranh. Cũng chính lúc này con gái của người lính cách mạng và con trai của người lính bên kia chuyến tiến lại yêu thương nhau.
Một cảnh trong phim Hóa giải hận thù
Ngoài Mỹ Duyên, Tấn Hoàng, Dương Cẩm Lynh, Đoàn Thanh Tài, Hùng Thuận…, phim có sự trở lại của Thương Tín- nam diễn viên nổi tiếng một thời với "Biệt động Sài Gòn". Lần này Thương Tín vào vai người lính bị thương mất một cánh tay và sống với sự mặc cảm.
Đạo diễn Lê Minh cho biết khi quay những cảnh Thương Tín với cánh tay giả khiến không chỉ Thương Tín mà đoàn phim gặp nhiều khó khăn. "Mỗi lần gắn tay giả, tay thiệt của Thương Tín phải bó lại và dán băng keo. Nhiều cảnh quay khó và nhiều phân đoạn phải quay liên tục, có lúc Thương Tín phải mang cánh tay giả cả ngày để quay. Khi tháo ra, nơi cánh tay băng bó bị ẩm nên bị lở loét"- đạo diễn Lê Minh kể. Trong khi đó, diễn viên Thương Tín lại than thở: "Phim này mà quay 100 tập chắc tay tôi cưa bỏ luôn quá!".
Thương Tín và Đoàn Thành Tài
Kịch bản Hận thù hóa giải được chuyển thể từ truyện ngắn Hai người lính của nhà văn Xuân Đức (truyện được viết sau khi ông đọc được một mẩu chuyện có thật đăng trên báo Tuổi Trẻ kể về hai người lính ở hai chiến tuyến). Đạo diễn trẻ Lê Minh từng tốt nghiệp ngành báo chí, anh từng làm diễn viên, tham gia hàng chục phim truyền hình nhưng lại được biết đến nhiều với vai trò đạo diễn. Anh cũng từng viết kịch bản kiêm đạo diễn phim Bến vô thường.
Lê Minh cho biết khi nhận kịch bản phim này, anh rất lo lắng. Mặc dù anh đã từng làm đạo diễn hàng loạt phim: Dốc sương mù, Lạc mất linh hồn, Chim Én mùa Đông, Bí mật chôn vùi, Nơi chốn ta quay về, Vực thẳm vô hình...nhưng anh chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim chiến tranh và hậu chiến. Anh phải học hỏi kinh nghiệm từ đạo diễn Bùi Huy Thuần, người đã từng làm nhiều phim về đề tài này.
"Bối cảnh phim đa số phải quay trong rừng núi và các tỉnh xa thành phố như Bình Phước, Tây Ninh, Đăk Lăk, Đăk Nông nên đoàn phim phải di chuyển vào rừng sâu rất cực khổ. Phim cũng có nhiều cảnh quay đạn bom nguy hiểm"- anh kể.
Đạo diễn Lê Minh trên trường quay
và ở ngoài đời
Bình luận (0)