xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Đất cày” hay “bùn” trong thơ Lưu Quang Vũ?

Hòa Bình

Với tinh thần tôn trọng sự thật, gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ sẵn sàng công bố chứng cứ cho các cơ quan giám định để làm rõ

Câu chuyện sẽ không dừng lại ở việc đúng sai của một đề thi văn tốt nghiệp THPT năm nay mà là chuyện thực hư trong sáng tạo của cố thi sĩ, khi người đã khuất đặt bút ví tiếng Việt như “bùn” hay như “đất cày” trong câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Cuối cùng thì ai, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hoang mang tâm lý của người đọc khi hiện tại chưa có gì để minh định đâu mới là sự thật?

Phe “đất cày”, phe “bùn”

Những ngày qua, giới học thuật cả nước xôn xao lên tiếng, người nọ hỏi người kia, ông/bà chọn “đất cày” hay… theo phe “bùn”? “Khoa học luôn đứng trước sự hoài nghi. Hoài nghi trong sự phủ định hoặc phủ định sự phủ định để đi đến sự thật chân lý và phát triển. Với tinh thần ấy, tôi xin đặt ra 3 vấn đề để chúng ta cùng tranh luận. Một là, ban ra đề thi còn lựa chọn nào không? Hai là, còn bản thảo viết tay bài thơ “Tiếng Việt” nào nữa không? Ba là, “đất cày” hay “bùn” dở hơn?” - nhà văn Sương Nguyệt Minh đặt vấn đề.


Một trang viết tay của tác giả Lưu Quang Vũ, chép bài thơ “Tiếng Việt” (Ảnh chụp lại do gia đình cung cấp)

Một trang viết tay của tác giả Lưu Quang Vũ, chép bài thơ “Tiếng Việt” (Ảnh chụp lại do gia đình cung cấp)

Câu hỏi của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã khiến rất nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình cùng trăn trở đưa ra câu trả lời. Ban đầu là luồng dư luận phản ứng dữ dội cho rằng sao nhà thơ Lưu Quang Vũ lại có thể ví tiếng Việt như “bùn”, nghe thật xót xa, có phải như vậy là hạ thấp tiếng Việt? Nhiều người lên tiếng cho rằng bài thơ thì hay nhưng riêng câu thơ có từ “bùn” này không hay. Và nhiều người cho rằng thật tội nghiệp nhà thơ vì có thể đó chỉ là lỗi đánh máy.

Nhưng cho đến lúc xuất hiện bản viết tay của nhà thơ, ví “tiếng Việt như bùn” thì dư luận lại đảo chiều dữ dội một lần nữa. “Phe” bảo vệ “đất cày” lý luận cũng sắc bén mà nhóm yêu thích “bùn” cũng lập luận chặt chẽ, hợp lý hợp tình.

PGS-TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM - cho biết: “Bài thơ “Tiếng Việt” với câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” được công bố trên Báo Văn Nghệ năm 1978, in trong “Lưu Quang Vũ, Thơ tình”, NXB Văn học, 2002. Còn bài thơ “Tiếng Việt” với câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” in trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Giáo dục năm 1985, theo gia đình nhà thơ bảo quản, lưu giữ và cho biết thì bản này xuất phát từ chính bản thảo của tác giả Lưu Quang Vũ. Tôi chưa được tiếp xúc với bản thảo viết tay này của Lưu Quang Vũ nhưng tôi tin rằng gia đình nhà thơ đã bảo quản và lên tiếng thì có thể tin cậy được”.

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện Văn học Việt Nam, cho biết ông chưa tiếp xúc với bản thảo viết tay của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ và theo ông, rất cần phải chuyển văn bản đó đi giám định. “Cần xem kỹ bản mà bà Lưu Khánh Thơ (em gái Lưu Quang Vũ - PV) lưu giữ, chuyển cho cơ quan giám định chứ các nhà nghiên cứu cũng chưa nhìn thấy bản viết tay đó. Bà Lưu Khánh Thơ đưa ra văn bản ấy, về mặt chứng cứ hoàn toàn có thể tin cậy được. Về mặt ý nghĩa, hai hình tượng này có những điểm giao thoa, đều gắn với ruộng đồng, gắn với người nông dân. Nhưng “đất cày” trong tương quan của câu thơ có ý nghĩa khác, và “như bùn” có ý nghĩa khác”.

Công chúng phân vân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, câu thơ của Lưu Quang Vũ có xuất hiện trong sách “Ôn tập Ngữ văn dành cho kỳ thi THPT quốc gia” do NXB Giáo dục ấn hành nhưng PGS-TS Đoàn Lê Giang cho rằng đây vẫn không phải là sách giáo khoa mà chỉ là tài liệu ôn thi nên cũng không có giá trị gì về tính pháp lý. Ông Giang khẳng định “áo nâu nhuộm bùn” là hình ảnh rất gần gũi, thân thuộc, gắn bó với người dân Việt Nam nên tứ thơ ví “tiếng Việt như bùn” của Lưu Quang Vũ rất mềm mại, đối xứng giữa “bùn” với “lụa”, khác hẳn việc đặt “đất cày” xuất hiện ở đây.

Nhưng người đọc phân vân chính bởi trước đây khá nhiều giáo viên đã từng giảng bài, lần giảng nào cũng thấm đẫm tinh thần nhân văn, tính cần cù lao động của người Việt mình khi khen “đất cày”, bây giờ thấy bản viết tay của Lưu Quang Vũ và các nhà nghiên cứu, nhà phê bình phân tích thì “đất cày” sao mà áp đặt, mà hô khẩu hiệu, mà cứng nhắc, thô thiển? Và “bùn” tanh hôi bỗng chốc đổi ngôi?

PGS-TS, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học Việt Nam) cho biết ngay từ đầu, cả gia đình đã biết rằng nhà thơ Lưu Quang Vũ sáng tác câu này là “như bùn” nhưng trên thực tế có tồn tại 2 bản song song với nội dung khác nhau đó là: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” và “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”, do hồi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống được nhà thơ Phạm Tiến Duật góp ý rằng nên sửa “như đất cày” nên câu thơ này đã tồn tại trong một số ấn bản. Bà Lưu Khánh Thơ mới đây công bố bản viết tay bản thảo đầu tiên của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, ví tiếng Việt “như bùn”.

Bà Lưu Khánh Thơ cũng khẳng định gia đình có biết là công chúng thậm chí còn đặt ra vấn đề nghi ngờ cả bản thảo viết tay của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ mà bà đang lưu giữ nhưng với tinh thần tôn trọng sự thật, bà sẵn sàng công bố chứng cứ cho các cơ quan giám định để làm rõ trắng đen.

Nhiều nhà phê bình cũng lên tiếng cho rằng chữ “đất cày” đúng với tâm tính, tạng tư duy thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, với cái tôi sử thi, cái tôi thế hệ và thời sự. Còn chữ “bùn” đúng với Lưu Quang Vũ hơn và nó là sản phẩm của một cái tôi đa ngã. Trong từ ấy có sự giản dị, phác thực lẫn nhọc nhằn, đắng cay, tương ứng với đất nước, dân tộc hàng ngàn năm vấn gắn bó với bùn, với nền văn minh lúa nước.

Giới học thuật cả nước xôn xao sự thật về câu thơ của Lưu Quang Vũ! Mặc dù sự quan tâm là vì tình cảm yêu mến nhưng cũng không tránh khỏi tâm lý thấy thương cho người sáng tạo, không dưng tác phẩm lại bị mổ xẻ vì những lý do không đâu. Và cảm giác của công chúng là hoang mang, chán nản, vì thấy cuộc tranh luận bùng nổ trên các diễn đàn đa phần là rất phù phiếm và mơ hồ, không còn ranh giới của đúng sai, tất cả chỉ là bàn tán và suy diễn.

Kỳ tới: Những kỳ án dị bản văn chương

Đề thi gây “sóng gió”

Việc đề thi tốt nghiệp lớp 12 năm nay có dẫn nguồn song cũng chỉ đúng về văn bản học, còn việc chọn ngữ liệu có dị bản với đoạn thơ dài, có câu thơ khó kiểm soát cho một cuộc thi quốc gia mà đối tượng là học sinh thi đại trà rõ ràng là thiếu sót, có thể chính Hội đồng ra đề cũng không hề biết có bản viết tay bài thơ của Lưu Quang Vũ hoặc có các dị bản khác của bài thơ. Hoặc có thể có thành viên của Hội đồng ra đề từng biết đến cả dị bản bài thơ và biết về bản viết tay của cố nhà thơ đang được PGS-TS Lưu Khánh Thơ lưu giữ? Nhưng nếu đã biết trước về một bài thơ có thể gây “sóng gió” đến thế sao lại chọn để ra đề?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo