xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lưu Quang Vũ là nhà tiên tri?

Dương Ngọc. Ảnh: Thế Toàn

(NLĐO) - Xuyên qua lớp vỏ những năm 80 thế kỷ trước với những mảnh đời thời bao cấp cùng khu tập thể, máy nước công cộng, nhà vệ sinh công cộng với bao bi hài kịch, người xem thấm thía câu chuyện đương thời trong vở kịch "Ai là thủ phạm" của Lưu Quang Vũ vừa được phục dựng.

 

Cảnh khép lại vở kịch Ai là thủ phạm
Cảnh khép lại vở kịch "Ai là thủ phạm"

 

Lưu Quang Vũ như là nhà tiên tri” - Một bạn trẻ đã thốt lên sau buổi tổng duyệt vở kịch Ai là thủ phạm của tác giả Lưu Quang Vũ tối 21-1.

Sau một đêm diễn tràn đầy tiếng cười, nước mắt cùng những tràng pháo tay, vở kịch hằn sâu vào lòng người xem câu hỏi day dứt để mỗi người phải tự mình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Vậy cuối cùng ai là thủ phạm của những bi kịch trong câu chuyện mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết năm 1983, của những bi kịch đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta hôm nay?

Thủ phạm của vụ đâm người cướp của trong vở kịch thì đã rõ, đó hóa ra lại là Thịnh và Ngọc, những đứa trẻ "ngoan" của các gia đình "mẫu mực". Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Trong nỗi đau vì nhận ra sự thật, bà Đời, mẹ Thịnh, người phụ nữ luôn nhẫn nhục phục vụ chồng, đã dũng cảm chỉ ra một thủ phạm khác: "Khi đứa con khinh chính bố của nó thì việc gì nó không dám làm?". Câu hỏi chua cay đó đã khiến ông Đời, một người đàn ông tổ chức sinh nhật vợ trước 4 tháng để có cơ hội tạo "quan hệ", nịnh bợ chức quyền, gục ngã.

Những đứa trẻ bắt đầu sa ngã khi không còn tin vào người lớn nữa. Niềm tin bị đánh cắp hóa ra không chỉ có ở Vinh, chàng thanh niên vừa đi trại tập trung cải tạo về, muốn sống tốt mà không được khi luôn bị mọi người trong khu tập thể Phượng Hà nghi ngờ, mà còn ở cả những đứa con của các gia đình trí thức, công chức, lãnh đạo như ông bà Uy, ông Đời, ông Tỷ… những người luôn đề cao đạo đức nhưng lại sống giả dối, cơ hội. Và với những "tấm gương" ấy, những đứa trẻ đã sa ngã lúc nào không biết.

Điều đáng suy ngẫm hơn, những đứa trẻ này sẽ là những "người lớn" trong giai đoạn hiện nay… Và những dấu hỏi lại tiếp tục được đặt ra, như câu hỏi day dứt trong lời thoại của cán bộ công an Nguyễn Chiến: Sẽ ra sao nếu những đứa trẻ đó cứ lớn lên như thế, và nếu như trong số chúng có người trở thành cán bộ lãnh đạo, áp đặt suy nghĩ của chúng cho người khác? Đào sâu tận cùng những mâu thuẫn trong thời đại mình, tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã chạm đến câu chuyện của mọi thời. Xuyên qua lớp vỏ những năm 80 thế kỷ trước với những mảnh đời thời bao cấp cùng khu tập thể, máy nước công cộng, nhà vệ sinh công cộng với bao bi hài kịch, người xem thấm thía câu chuyện đương thời.

 

Khu sinh hoạt chung của khu tập thể với nhiều đoạn hài hước
Khu sinh hoạt chung của khu tập thể với nhiều đoạn hài hước

 

Là bản dựng thứ năm từ kịch bản ban đầu Không có trong hồ sơ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Ai là thủ phạm được đạo diễn, NSƯT Chí Trung dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ với dàn diễn viên nổi tiếng như NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Khuê và các diễn viên hài nổi tiếng như Vân Dung, Quỳnh Dương, Thanh Dương, Anh Thơ, Thanh Tú, Chí Huy, Huy Toàn... cùng gần hai mươi nghệ sỹ khác. Vẫn hồn cốt câu chuyện của kịch gia tài hoa, đạo diễn Chí Trung đã thổi thêm không khí hiện đại với màn dẫn chuyện bằng rap sôi động mà sâu cay ở phần mở màn, giải lao và kết thúc: Câu chuyện này, hơn ba mươi năm/Giá trị kia, mới nguyên... cuộc sống/Lũ trẻ đó, giờ cao "lồng lộng"/Vặn bẻ cong luật pháp dưới chân…/Vở diễn kia đã sang phần kết/Cuộc sống này vẫn mãi cứ trôi/Ngẫm chuyện xưa, lòng thấy bồi hồi
Nát thời nay... ai là thủ phạm?

Đan xen giữa những suy tưởng và diễn tiến căng thẳng của vở kịch là những tình tiết hài hước, châm biếm được nhấn nhá với những câu chuyện cười ra nước mắt quanh nhà vệ sinh công cộng, máy nước công cộng thời bao cấp với những ông Tỷ chuyên soi mói để kiện cáo láng giềng, công an viên Toàn, bà Loa chuyên đưa chuyện hàng xóm, ông Đời khúm núm, nịnh hót, cán bộ Uy trịnh trọng và hách dịch, cô Loan vừa giây trước mộng mơ, giây sau đã "chợ búa"… Sân khấu được đổi mới với trục xoay chuyển cảnh: nhà ông bà Đời, nhà Vinh, sân khu tập thể với máy nước, nhà vệ sinh công cộng, bảng tin với những lời viết ngô nghê hài hước…

Đạo diễn cũng khéo léo đan cài những khoảnh khắc lãng mạn nhẹ nhàng cùng lời thơ của Lưu Quang Vũ trong chuyện tình giữa Vinh và Diệp - một cô gái mong manh trong sáng: Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/Xoá nhoà hết những điều em hứa/Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa/Nắng không trong như nắng buổi ban đầu… Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái/Áo em ướt để anh buồn khóc mãi/Ngày mai chúng mình ra sao em ơi. Lời thơ trong trẻo của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh Trời sinh ra trước nhất/Chỉ toàn là trẻ con cùng tiếng cười trẻ thơ vang lên như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cùng những ca khúc sâu lắng, trữ tình và da diết của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ thơ cặp nghệ sĩ tài hoa mang lại cho người xem nhiều suy tưởng về những giá trị nhân văn gửi gắm trong vở kịch.

 

NSND Lê Khanh (vai bà Đời) và nghệ sĩ Quỳnh Dương (vai ông Đời) trong vở Ai là thủ phạm. Ảnh: Ông bà Đời khi phát hiện ra con mình là thủ phạm vụ cướp
NSND Lê Khanh (vai bà Đời) và nghệ sĩ Quỳnh Dương (vai ông Đời) trong vở Ai là thủ phạm. Ảnh: Ông bà Đời khi phát hiện ra con mình là thủ phạm vụ cướp

 

Chọn phần kết thúc vở kịch là cảnh bà Đời dìu chồng đi tố cáo tội lỗi của chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra, tố cáo cũng là "để cứu con, nếu không sẽ là mất con vĩnh viễn", vở kịch khéo léo mở ra một con đường giải thoát khỏi bi kịch, đồng thời là một ước mơ trong sáng mà đầy đau đớn tác giả đã gửi gắm từ hơn 30 năm trước. Từ việc dũng cảm đi tìm thủ phạm, tìm căn nguyên tha hóa trong từng gia đình, tế bào của xã hội, dũng cảm chịu đau để cắt bỏ phần ung nhọt trong chính cơ thể mình từ khi còn non bởi "bé không vin, lớn gãy cành", đến xây cả một thế hệ cho tương lai. Và sau cùng, để cứu vớt con người và tiếp thêm dũng khí vẫn là tình yêu… Từng lớp nghĩa được bóc dần ra với sự cảm nhận của từng khán giả.

Vở kịch Ai là thủ phạm được công diễn từ ngày 25-1 tại rạp Tuổi Trẻ (Hà Nội). Nằm trong dự án “Chắp cánh niềm tin 2015” của nhà hát, ở kịch dành 100 đêm diễn và 70.000 vé mời tặng khán giả Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo