Lâu rồi sàn diễn TP HCM mới có một vở cải lương đề tài đương đại chạm đến cảm xúc của người xem như vậy. Không tuyên truyền khô khan khi đề cập việc bảo vệ rừng, đấu tranh chống lâm tặc, vở diễn lồng vào đó tinh thần xóa bỏ hận thù giữa 2 người từng là lính không cùng chiến tuyến. Họ từng đối đầu nhau trong trận chiến ác liệt ngay tại những cánh rừng già mà giờ đây họ cùng nhau bảo vệ.
Với việc nâng ý nghĩa hình tượng rừng là nền tảng của đạo lý, truyền thống văn hóa mà mỗi con người Việt Nam dù có chính kiến khác nhau cũng phải biết gìn giữ, “Cõi thiêng” chạm đến cảm xúc mãnh liệt của người xem khi nhấn mạnh cái giá phải trả nếu chúng ta thất bại trong trận chiến bảo vệ giá trị đạo đức truyền thống, nền tảng văn hóa của dân tộc.
Sự đồng cảm sâu sắc của đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã mang lại cho “Cõi thiêng” một dấu ấn sắc nét. Dựng kịch bản mang chủ đề truyền thống cách mạng dễ rơi vào trạng thái khô cứng, khó gây được cảm xúc bởi trận chiến nào thì phần thắng cũng thuộc về tuyến nhân vật trung tâm. Thế nhưng, với Lê Nguyên Đạt, kịch bản “Cõi thiêng” đánh thức trong anh một cách nhìn khác để gửi đi thông điệp hãy khép lại quá khứ, hướng về tương lai, hòa hợp để xây dựng và phát triển.
Phần cảnh trí tạo không gian vở diễn hết sức sống động, vừa có chất lãng mạn vừa có chất hùng ca bi tráng. Việc kết hợp ánh sáng tạo nên những tia nắng sớm thật sự bắt mắt người xem, mang lại cho “Cõi thiêng” chất hiện đại trong dàn dựng bộ môn nghệ thuật này. Điểm đáng ghi nhận nhất chính là giảm thiểu sự rề rà, kể lể của cải lương xưa mà đi vào sự kiện, câu chuyện với tiết tấu nhanh, thắt mở nút kịch hết sức sinh động.
“Cõi thiêng” được nghệ sĩ Thanh Ngân, Hữu Quốc tạo lực hút cho người xem ở sự ca diễn bản lĩnh. Thanh Ngân vào vai bà Út Ngân mặn mà, đôn hậu. Năm năm rồi cô mới có một vai diễn để thỏa sức sáng tạo, cổ động tinh thần cho dàn diễn viên trẻ cùng thăng hoa.
Vương Huyền Cơ là tác giả sống được bằng ngòi bút chân chính của mình. Chị sáng tác rất nhanh và có chất lượng. Khác với những kịch bản mang đậm chất hài hước, châm biếm duyên dáng mà 2/3 sàn diễn kịch xã hội hóa ở TP HCM đã và đang dàn dựng, “Cõi thiêng” mang lại cho hành trang sáng tác của Vương Huyền Cơ một dấu lặng sâu sắc về cảm xúc.
Xem “Cõi thiêng”, Vương Huyền Cơ xúc động: “Tôi bất ngờ vì khán giả cải lương vẫn còn yêu sàn diễn đến thế. Có vở mới là họ đến xem và lặng người thưởng thức. Sau những kịch bản hài, “Cõi thiêng” cho tôi nhiều phút giây tĩnh lặng trong tâm hồn”.
Bình luận (0)